Menu Close

Chợ trái cây từ tây sang đông

Chợ trái cây từ tây sang đông

Muốn đi một vòng, quanh các điểm chợ chuyên mua bán trái cây trong tỉnh Tiền Giang, phải mất nhiều ngày và những thời điểm mùa vụ khác nhau. “Mùa nào thức nấy”, du khách có thể tận mắt quan sát cảnh mua bán rộn rịp, thưởng thức bất cứ loại trái cây nào có từ miệt vườn

Bưởi năm roi tại một vườn ở Vĩnh Long

Ổi là loại cây ăn trái dễ trồng, mau cho thu hoạch, được nông dân chuyên canh nhiều ở miệt vườn Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành. Các loại ổi ruột trắng, ruột hồng, xá lỵ nghệ ra trái quanh năm, bán khắp các điểm chợ (nhiều nhất vào tháng 10 – 12 âm lịch). Nhưng muốn ngắm chợ ổi tấp nập trên sông, trên lộ, phải đến vùng An Hữu (cầu Ba Miệng). Từ 5 – 6 giờ sáng, đứng trên cầu Ba Miệng đã thấy xuồng ghe chở ổi tụ về. Thông qua mối lái, sản phẩm được tiếp nhận, phân loại, đóng hàng đưa đi tiêu thụ ở thành phố Sài Gòn, Vũng Tàu hay chế biến để xuất cảng.

Vào mùa rộ tháng 3 – 5 âm lịch, ở các điểm chợ Tân Thanh, Mỹ Ðức Tây, An Hữu (Cái Bè) cảnh náo nhiệt trên bến dưới thuyền gấp mấy lần chợ ổi. Tại ba điểm chợ này, nhất là chợ Mỹ Ðức Tây, xoài bưởi, xoài thanh ca… được đóng hàng tiêu thụ nội địa và xuất sang Trung Quốc. Xoài từ miệt vườn Cần Thơ, Ðồng Tháp cũng vận chuyển sang đây. Ðến chợ xoài không chỉ thưởng thức hương vị ngọt nồng của giống xoài bưởi vỏ dày (thường để xuất cảng) mà còn đủ loại xoài cát Hoà Lộc, cát trắng, xoài nghệ.

Seri chợ Gạo, vú sữa Lò Rèn

Tháng 5 – 7, vùng Chợ Gạo, Gò Công vào mùa thu hoạch thanh long, sêri. Có dịp xuôi về phía biển một ngày, ghé vùng Bình Ân, Bình Nghị, bất kể sớm tối, sẽ thấy đó đây từng nhóm người bận rộn phân loại những trái sêri xanh đỏ vàng, cân kéo, đóng hàng chuyển lên xe đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Nếu kể luôn các vựa trái cây ở thành phố Mỹ Tho, ba xã Thanh Bình, Ðăng Hưng Phước, Mỹ Tịnh An – mua bán thanh long xuất cảng ở huyện Chợ gạo là 4 vựa trái cây lớn nhất. Vào vụ thu hoạch, chợ thanh long đông nghịt người, xe thồ… trái bày bán đỏ rực cả một dãy dài. Trước sức hút của thị trường, từ vài trăm ha ban đầu, hiện nay diện tích thanh long của huyện Chợ Gạo tăng lên gần 1.200 ha. Trái thanh long xứ này, cùng với thanh long vùng Bình Thuận đã bay sang tận Ðài Loan.

Tại khu chợ trái cây Vĩnh Kim (Châu Thành), ngoài một góc dành cho cam quýt, chuối, dừa, sầu riêng, chôm chôm có tại địa phương, từ Bến Tre chuyển sang, còn một góc khá rộng dành cho loại trái cây đăc sản: vú sữa lò rèn “chính gốc” Vĩnh Kim. Vào mùa thu hoạch, có ngày trên hai chục tấn vú sữa được vận chuyển đi bán khắp nơi. Không thể bỏ qua, không kể các điểm thu mua nhãn sấy, đóng rổ xuất cảng trái tươi, ở cầu Bến Chùa (xã Long An và xã Bình Ðức huyện Châu Thành). Vào mùa không có xoài, ở khu vực Cái Bè, nhiều chủ vựa cũng chuyển sang đóng rổ trái nhãn xuất cảng.

 

Chợ nổi Tân Phong

Ði dạo chợ nổi Tân Phong

Khách thương hồ lênh đênh, gắn cuộc sống với chợ nổi cũng lắm điều thú vị. “Muốn cặp bến, nhổ sào lúc nào tùy thích”. Ở ÐBSCL chợ nổi được xem là nét đặt trưng văn hoá, kinh tế phổ biến. Tỉnh Hậu Giang có chợ nổi Cái Răng – Phong Ðiền, chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp; tỉnh An Giang có làng nổi (một quần thể vừa làng vừa chợ) nằm sát thành phố Long xuyên. Tiền Giang tự hào có chợ nổi Tân Phong, cũng tấp nập thuyền, ghe bập bềnh giữa bốn bề sông nước.

Tuy thuộc địa phận huyện Cai Lậy, nhưng chợ nổi Tân Phong chỉ cách thị trấn Cái Bè chưa đầy 2km. Ban đầu cảnh mua bán diễn ra ngay trên vàm sông Cái Bè, do sóng gió dễ gây tai nạn chìm ghe; cản trở lưu thông và để thuận tiện cho việc mở rộng qui mô mua bán, năm 1985 chợ dời sang “núp gió” tại vàm Rạch Tắt (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong). Từ đó đến nay, chợ nổi không ngừng phát triển và nở rộng. Mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền tụ về đây mua bán. Lượng hàng hoá bán qua chợ nổi 50 – 70 tấn/ngày. Không chỉ riêng dân địa phương, giới mua bán là dân tứ xứ: Bến Tre, Ðồng Tháp, Cần Thơ, Trà Vinh…. Có cả thương lái tận miệt Campuchia sang.

Giữa chợ nổi Tân Phong với các vựa trái cây ở thị trấn Cái Bè có mối quan hệ với nhau rất mật thiết. Ngoài hàng hoá mua bán trực tiếp trên sông, trái cây từ chợ nổi còn chuyển về các vựa. Giới buôn đường dài đóng hàng bằng xe tải, chở đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Chỉ riêng thị trấn Cái Bè đã có trên 20 vựa chuyên mua bán trái cây đường dài.


Chợ trái cây Mỹ Tho

Trước đây Chợ trái cây nổi tiếng với tên gọi chung chợ hàng bông Mỹ Tho. Năm 2002 tỉnh giải toả xây dựng trung tâm thương mại, nên chợ được dời xuống đường Ngô Quyền, Nguyễn Tri Phương (cạnh bến sông Bảo Ðịnh). Gần đây việc mua bán trái cây được tập trung một nơi khác, cũng bên bến sông Bảo Ðịnh, nhưng thuộc khu vực chợ Thạnh Trị cũ. Chợ trái cây Mỹ Tho có khoảng 20 vựa và hàng chục sạp bán sỉ, bán lẻ. Hàng hoá ở đây phong phú suốt bốn mùa, 50% sản phẩm đến từ miệt Bến Tre, phân nữa còn lại của Tiền Giang và Vĩnh Long.

Chợ cam bưởi

Cả hai thương hiệu Bưởi Năm Roi (Bình Minh) và cam sành (Tam Bình) đều đã đăng ký độc quyền thương hiệu. Về Mỹ Hoà, sẽ thấy bạt ngàn vườn bưởi. Với hơn chục nghìn ha bưởi năm roi trồng tập trung ở khu vực này, mỗi năm huyện Bình Minh sản xuất hàng trăm nghìn tấn bưởi. Bưởi năm roi Bình Minh khi rộ mùa, tấp nập người mua kẻ bán. Cả hai khu chợ cam, bưởi của tỉnh Vĩnh Long không lúc nào hiếm hàng, sôi động nhất trong những ngày nắng nóng và mùa giáp tết.

Nhắc đến trái cây miền Tây, mọi người thường ví von:  “đúng là đất lành cây cho quả ngọt”. Trong hương vị ngọt ngào ấy, có “mùi hương của phù sa sông nước Cửu Long” và mồ hôi của người nông dân chân lấm tay bùn.

TH