Hơn 40 năm trước, trên con đường lang thang tìm việc quanh khu vực ngã sáu Phù Ðổng, gần chợ Bến Thành. Chàng trai 33 tuổi Nguyễn Văn Miến xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, ghé lại nơi bán chim kiểng coi chơi thì tình chờ nghe nói họ rất cần cào cào cho chim ăn. Miến chộp ngay cơ hội hỏi giá chủ tiệm chim rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà: ở khu của anh cào cào nhiều như trấu.

Hôm sau khi mặt trời vừa ló dạng, Miến cùng vợ mỗi người cầm một cái đụt nhỏ lội ra mấy đám ruộng quanh nhà vợt những con cào cào đậu trên bụi lúa, bụi cỏ. Ðến xế trưa, đạp xe xuống ngã sáu Phù Ðổng bán. Ngày hôm sau rồi hôm sau nữa, hai vợ chồng bắt cào cào đem bán. Tiền bán cào cào đủ để họ nuôi bốn người con. Hàng xóm láng giềng thấy vậy cũng bắt chước xách đụt đi bắt cào cào. Bắt xong họ bán lại cho anh Miến, anh bỗng trở thành chủ “vựa” cào cào. Anh lên Sài Gòn bán lại cho người nuôi chim. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, già trẻ trong ấp 2 đua nhau ra ruộng chụp cào cào. Dần dần, khu anh Miến ở, người ta gọi là xóm cào cào.
Thăng trầm với con cào cào
Cào cào được chia làm hai loại: Loại non khó bắt giá cao và loại già. Loại non dùng làm thức ăn cho chim pheng, chích chòe lửa; loại già dành cho chim mi, khướu, chích chòe than, sáo, nhồng Gần những năm 70, nhu cầu tiêu thụ cào cào tăng cao vì ngày càng có nhiều người nuôi chim, nếu bắt bằng tay thì chẳng được bao nhiêu nên dân xóm cào cào nghĩ ra cách làm vợt. Họ dùng nan tre tạo thành cái vành hình tròn có đường kính khoảng bốn tấc rồi lấy vải may thành cái lưới, gắn thêm cán tre dài hơn một mét. Từ khi có vợt, họ bắt cào cào được nhiều hơn nên phải sắm thêm cái đụt lớn hơn để đựng cào cào.
Anh Miến mua lại rồi cho cào cào vô thùng gỗ lưới kẽm cao chừng năm tấc, miệng rộng tấc rưỡi, rồi chở bằng xe lam lên Sài Gòn tiêu thụ. Mỗi ngày trên dưới 15 thùng. Lượng khách hàng của anh Miến mở rộng dần sang khu vực Bà Chiểu, Thị Nghè, Chợ Lớn có người mua sỉ cả thùng, mua lẻ ông đếm từng con rồi cho vô bọc giấy. Ngày nào cũng “cháy” hàng không đủ bán, cuộc sống bà con trong xóm ngày càng khấm khá hơn. Riêng vợ chồng anh Miến rủng rỉnh hơn, và nhờ thế sáu chú nhóc tiếp tục ra đời mà vẫn đủ tiền gạo, tiền chợ thậm chí còn để dành đôi chút.
Sau 1975, cuộc sống trở nên khó khăn người nuôi chim không còn bao nhiêu, những người nuôi chim trước đây thuộc lớp khá giả và lần lượt vượt biên, xóm cào cào đành gác vợt, thất nghiệp, hầu hết đổi “nghề. Gần đây, phong trào nuôi chim xuất hiện trở lại, nhu cầu mua cào cào lại nảy sinh. Người bắt ngày càng nhiều nên những khu vực quanh thành phố như Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Ðức, Củ Chi
cào cào cạn kiệt nên phải đi rất xa tận Bình Dương, Tây Ninh, Long an Trước đây những người đi vợt cào cào thường đi ban đêm vì ban đêm cào cào thường hay đậu trên ngọn cỏ, ngọn lúa để hứng sương nên dễ bắt. Nhưng lội mương, lội ruộng ban đêm người ướt như chuột lột ngứa ngáy rất khó chịu, chưa kể có người bị rắn cắn phải đi cấp cứu.
Sống nhờ cào cào
Bắt cào cào tuy cực nhưng nếu siêng năng thì đủ sống. Năm 1987 sau khi cưới vợ xong, anh Huỳnh Văn Phúc được cha mẹ vợ cho miếng đất, anh dựng lên căn nhà lá ọp ẹp. Chưa có con nhưng cả hai vợ chồng làm ruộng đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn. Hai năm sau, anh bỏ nghề trồng trọt, theo lối xóm đi vợt cào cào. Ban đầu anh mượn cái vợt, cái đụt, xe đạp của bạn rồi xuống Củ Chi. Bữa đầu anh bán được 2.500 đồng (lúc đó giá gạo 100 đồng/lít) nên anh mừng quýnh theo nghề luôn. Ít lâu sau với số tiền dành dụm từ bán cào cào, anh mua được 100 m2 đất, cuối năm đó anh dựng lên căn nhà gạch, rồi mua thêm chiếc xe gắn máy. Bốn năm sau anh trở thành chủ “vựa” cào cào, hai vợ chồng mang lên Sài Gòn bán lại cho các mối quen. Từ đó, họ có tiền chăm sóc cho con cái được chu đáo hơn.
Anh em ông Mai Văn Xê 50 tuổi và Mai Văn Chuống 48 tuổi cũng chọn nghề vợt cào cào kiếm cơm. Anh Xê vào nghề đã lâu còn anh Chuống thì vào khoảng năm 1980, nhờ chi tiêu tằn tiện, không cờ bạc rượu chè nên đàn con mỗi người tới 4, 5 đứa đều được tới trường. Anh Nguyễn Phi Cộng 44 tuổi với hơn 25 năm vợt cào cào đã tạo được cơ ngơi, có đàn bò để vợ ở nhà chăn còn chồng vẫn tiếp tục đi vợt cào cào.
Giờ đây, ông Nguyễn Văn Miên và bà Nguyễn Thị Thệ đã gần 80 tuổi nên gác vợt từ lâu, sống nhờ con cháu. Con cháu ông bà đa phần cũng kiếm cơm bằng nghề vợt cào cào, trong số đó có người con gái thứ tư của ông là chị Nguyễn Thị Gái 46 tuổi. Từ khi chồng mất chị vẫn với nghề vợt cào cào để nuôi sáu con ăn học tới tuổi trưởng thành. Hiện nay bốn người con lớn đã lập gia đình và ra riêng, hai đứa nhỏ còn lại đều là công nhân nhưng hàng ngày chị vẫn xách vợt đi vợt cào cào.
Cào cào sợ cúm gia cầm
Ðang làm ăn đều đặn, bỗng đâu dịch cúm gia cầm bùng phát làm xóm cào cào chới với. Nếu như trước đây vợt được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, giờ thì vợt theo yêu cầu. Trước khi có dịch xảy ra mỗi người có thể kiếm được 3-4 đô la, giờ thì eo xèo vài xu dính túi.
Những khi chính quyền truy quét người nuôi chim, gà thì người bán lẫn người mua đều lén lút như ăn trộm, họ sợ bị theo về tận nhà thu gom hết số chim, gà cất dấu mà thiêu hủy. Từ ngày có dịch nhiều người trong xóm đã gác vợt, treo đụt, tìm việc khác làm. Nói đến chuyện này ông Nguyễn Văn Miến chặc lưỡi thở dài: “Bây giờ, người nào vợt cào cào đủ ăn đã là may. Cả xóm ai cũng sợ nếu cúm gia cầm kéo dài, phải bỏ nghề hết. Như vậy cái tên xóm cào cào chắc cũng không còn “.