Hộ khẩu- sợi thòng lọng nghiệt ngã
Ai sống ở Miền Nam sau năm 1975 hẳn còn nhớ trong những thay đổi lớn về hành chánh lúc đó, có việc sổ gia đình được thu đổi thành hộ khẩu. Ngắm nghía dung mạo xấu xí của tờ hộ khẩu- là miếng bìa cứng, ghi tên chủ gia đình và những người ăn theo- kẻ giàu tưởng tượng nhất cũng không hình dung được hết uy lực biến sống thành chết, chết thành sống của nó như về sau này. Những từ nhân khẩu, hộ khẩu, chủ hộ, cắt hộ, chuyển hộ, đăng ký tạm trú, tạm vắng lạ tai cùng hàng loạt từ ngữ mới mẻ khác như hồ hởi, đồng tình, tập kết, học tập cải tạo, biện chứng, diễu hành, chiêu đãi, quán triệt…được sử dụng trong văn bản chính thức, lẫn trong đời thường khiến người Sài Gòn lùng bùng lỗ tai mất một dạo.
Cho tới khi chứng kiến những cuộc xét nhà đếm người đột ngột- thường là vào nửa đêm, nghe Tổ trưởng, Công an khu vực hạch hỏi tới tấp anh chị này là ai, tên gì, quan hệ sao với chủ nhà, tới đây bao giờ, sao không thấy tên trong hộ khẩu, theo về chốt gác, mai tính…người ta mới hiểu hộ khẩu là quan trọng. Vì thế, để khỏi về chốt gác làm bạn với muỗi, mỗi lần nhà có thân nhân bạn bè tới chơi ở lại qua đêm, hay người trong nhà đi vắng một hai ngày, chủ hộ vội tới Tổ Trưởng, hoặc Tổ Phó phụ trách an ninh trình báo. Trình đến là tạm trú. Trình đi là tạm vắng. Cả hai “tạm” này đều được vào sổ cẩn thận.
Ngoài chuyện ở ra, trong chuyện ăn, tờ hộ khẩu càng rất chi là vô cùng quan trọng lắm lắm. Chính nó là cơ sở để hình thành sổ gạo và tem phiếu vải vóc, hàng tiêu dùng. Mất sổ gạo, mất hộ khẩu, tem phiếu là chuyện trời sập! Bởi vậy thành ngữ “mất sổ gạo” thường được gán cho những bộ mặt đầm đìa nước mắt hoặc ngơ ngẩn mất hồn gọi không nói, hỏi không thưa.
Hiện nay, giới trẻ không thể nào hình dung được cảnh mỗi đầu tháng, người dân xếp hàng rồng rắn trước những địa chỉ được chỉ định sẵn đợi mua hàng theo tiêu chuẩn. Gạo 13kí/ đầu người. Thịt nửa ký, đường nửa ký…Gạo mua một nơi, thịt heo, vải vóc, mắm muối lại mua một nơi khác. Ngành mình lao động nặng, được tiêu chuẩn một ký thịt một tháng. Nhưng để có được miếng thịt, khổ nhục lắm. Ði chục lần, lần nào cũng chưa tới phiên đã hết hàng, mình phải ngủ đêm tại chỗ kệ cho mưa gió muỗi mòng. Bảy giờ sáng hôm sau, mình là người đầu tiên được mua, thế mà nó vứt ra từ ô mắt cáo mớ thịt mỡ bèo nhèo nói cộc lốc “Của ông đấy! Mua không? Không thì tránh ra, nhường chỗ cho người khác.” Mình uất quá. Về đến nhà, cảm một trận vì dầm mưa. Gói thịt rơi xuống đất. Con chó ngửi ngửi, bỏ đi. Vợ nhặt vội lên đem đi rửa…Ông giáo già hơn 75 tuổi kể cho người viết bài này.
Suốt từ bấy đến nay, hơn ba mươi năm, hộ khẩu dù đã thay đổi diện mạo từ tờ bìa thành cuốn sổ nhỏ gọn hơn, đẹp hơn- nhưng tác dụng của nó thì vũ như cẩn. Sau khi sổ gạo và tem phiếu- hai ông ngáo ộp ăn theo hộ khẩu- chính thức bị khai tử, chấm dứt thời kỳ bao cấp, thì vẫn còn tới 388 văn bản hành chính khác dựa vào “mẹỂ hộ khẩu để “hành dân là chính”. Có thể nói chắc như đinh đóng cột rằng tất cả mọi người trong nước, chưa ai từng thoát tay một trong số 388 văn bản này- những văn bản mà nếu không sống ở Việt Nam người ta sẽ khó hình dung hết được mức độ ghê gớm, vô lý, quái đản, dã man, buồn cười, mọi rợ (theo cách nói cụ thể của từng cá nhân trong từng việc cụ thể mà người viết bài “sưu tầm” được).
Sống dở chết dở
Biết người viết bài thích nghe chuyện vui hộ khẩu, nhiều người tìm tới trút bầu tâm sự cả buổi trời. Toàn sự việc có chứng cớ đàng hoàng, đành phải tin, và ghi chép lại hầu bạn đọc.
Ở Ðồng Nai, thi vào đại học Sài Gòn. Trúng tuyển, tôi phải cắt hộ khẩu chuyển về trường (nếu không thế thì không được nhập học). Khi tốt nghiệp, trường phân công về An Giang, hộ khẩu lại theo về An Giang. Dạy vài năm không đủ sống, tôi xin nghỉ. Giao quyết định nghỉ xong, An Giang lập tức gạch tên trong hộ khẩu đơn vị. Về lại Ðồng Nai không được vì tên bị xóa từ lâu. Bắt đầu chuỗi ngày bi đát. Không xin được việc làm, không thuê được nhà trọ, không lấy vợ được, thậm chí có lần phẫn chí muốn chết, cũng không thể chết. Sao khó thế? Vì muốn khai sinh, khai tử thì phải có hộ khẩu xã mới cấp giấy chứng sinh, chứng tử. Thuê nhà phải có giấy tạm vắng ba tháng (hay sáu tháng). Lấy vợ phải có giấy chứng nhận độc thân. Xin làm cu ly, xin đi học phải có lý lịch, muốn mở cái quán nhỏ, muốn mua cái xe thổ tả phải có hộ khẩu… Tất cả những loại giấy tờ này đều do xã, phường cấp. Nhưng bao giờ họ cấp thì trời biết. Chấm dứt “nhật ký đời tôi”, anh T. giáo viên “mất dạy” quê Ðồng Nai, hiện đang làm ma cà bông bất đắc dĩ ở Sài Gòn.
Cảnh chị T. ở Bà Ðiểm thì khác. Chỉ một chữ ký xác nhận lý lịch để xin việc làm, chị đã “canh me” cả tuần ở Ủy ban xã. Chừng “bắt được” ông xã thì ông này lại mắc đi đám giỗ. Chị theo tới đó, cắn răng chịu đủ trò chọc ghẹo. Chừng ông xã chịu chứng lý lịch cho chị, sờ tới con dấu trong túi dết thì…Ð.M, rớt đâu rồi! Có thằng nào dấu con dấu tao không bây?
Một số địa phương khác, dân không bị lính lệ, xã trưởng, thầy đề, quan huyện hành tội, vòi vĩnh, cợt nhả…thì lại bị ép đóng tiền vào các loại quỹ của địa phương (phổ biến từ 14 tới gần 30 loại quỹ khác nhau!) trước khi được cộp con dấu đỏ loè vào tờ lý lịch, giấy tạm trú tạm vắng, giấy chứng tử, chứng sinh, chứng độc thân, chứng liệt sĩ thương binh, mồ côi, gia cảnh khó khăn… Lắm người kham không nổi sự “làm luật” của đám quan phụ mẫu, đành “chui” mọi sự: ở chui, làm ăn chui, cưới chui, chết chui… Mọi giao dịch công khai, chính thức trên giấy tờ như xin điện nước, mắc điện thoại, mua xe, mua nhà, mở tiệm…phải núp dưới tên người khác.
Tầm những năm 76- 86 ở Sài Gòn nhìn đâu cũng thấy những gia đình đi kinh tế mới không sống nổi, lộn trở về. Hộ khẩu đã bị cắt, nhà không còn, phải bám lề đường vá xe, bán báo, bán hàng rong kiếm sống. Chưa kể bao nhiêu trẻ bụi đời, người già tàn tật, người trở về từ trại “cải tạo”…tất cả đều không giấy tờ (hay có nhưng bị mất, bị cháy, người làm chứng đã chết, cơ quan cũ đã giải tán không thể giúp xác minh nhân thân). Một chủ doanh nghiệp, từng sống lề đường, nếm trải những tháng ngày đen tối nọ kể có ngày quá đói, quá uất anh ta đã nghĩ chuyện giết “vài thằng chúng nóỂ rồi ra sao thì ra. May mà đã ghìm được. Thế làm sao ông ngon lành được như bây giờ? Câu hỏi lập lại mấy lần đều rơi vào im lặng. Cho tới lúc thân nhau hơn, anh mới “lộ bem”, tớ gạ được bà góa có hộ khẩu Sài Gòn. Bà ta bảo lãnh cho tớ tạm trú dài hạn, diện KT3. Rồi lấy nhau. Tớ nhập hộ khẩu vào nhà vợ với lý do “xuất thú tòng thê. Nghiễm nhiên thành dân Sài Gòn.
Trường hợp “sát thân” như anh ta để có hộ khẩu hợp pháp không hiếm. Ngay kẻ viết bài này cũng “được” ông chủ nhà trọ phàn nàn Con bà chị họ ngã giá sáu cây vàng để được vào hộ khẩu nhà tôi, tôi không cho. Cô là người dưng, tôi thương, cho nhập khẩu, cô lại không “cho”tôi. Là cớ làm sao? Ðến nước ấy thì tôi đành dọn đồ ra ngoài đường. Chẳng biết đi đâu, về đâu, sống làm sao trước những trói buộc thân phận công dân không nên có mà cũng không đáng có ở một đất nước đã hết chiến tranh, đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Hết cơn bỉ cực tới hồi…
Cảnh đêm trường trung cổ cứ thế kéo dài. Hộ khẩu ngang nhiên thách thức mọi quy luật tự nhiên và những qui định của hiến pháp về quyền tự do cư trú của con người. Biết vậy, nhưng do nhu cầu cơm áo, hàng triệu lao động đủ mọi lứa tuổi của các tỉnh miền trung miền bắc vẫn đổ dồn về Hà Nội, Sài Gòn. Riêng Sài Gòn, tính cho tới nay con số một triệu lao động nhập cư vẫn chưa phải là con số chính xác. Tập trung đông công nhân trẻ trong các ngành dệt, da giầy, may mặc, lắp ráp đồ điện tử là khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung, Sóng Thần. Phụ nữ có tuổi, các “thợ đụng” (đụng gì làm nấy) quê Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Huế lại quần tụ ở Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận. Mỗi người một cảnh đời riêng, nhưng đều chung nhau một “niềm đau hộ khẩu”.
Chị Nguyễn Thị Ca, 23 tuổi, quê Bình Ðịnh, công nhân may, kể ba tháng phải về quê để xin giấy tạm vắng một lần. Về tốn kém đã đành. Nhưng sợ nhất là khi vào bị mất việc, dù vắng đã xin phép. Ông chủ của Ca thì có cái lý của người kinh doanh. Ông bảo, hàng nhiều, xin nghỉ bốn ngày là “chém luôn”, thay lính mới. Thợ miền Trung siêng, chịu cực giỏi, nhưng khoản xin về quê chứng giấy lý lịch, tạm trú tạm vắng là không “dung thứ” được… Cảnh anh Trần Ðiện, vợ chồng con cái chen chúc trên con thuyền bán tạp hóa ven sông rạch Sài Gòn thì lại khác. Cả nhà không ai có miếng giấy lộn lưng- theo cách nói của anh Ðiện. Sống linh đinh sông nước chứ có lên bờ đâu mà được cấp hộ khẩu. Sắp nhỏ sanh ra không có khai sanh. Còn hôn thú thì hồi đó vùng tui Quốc- Cộng “oánh lộn” ì đùng, ai ở đó mà làm giấy cho.
Cả cô Ca và anh Ðiện khi được hỏi về nguyện vọng đều nói chỉ muốn được yên ổn làm ăn, không bị điêu đứng vì hộ khẩu. Tưởng ước vọng của họ sẽ “trôi xuôi giòng đời”. Nào ngờ tháng 11 năm ngoái, Luật Cư Trú (LCT) được quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ X thông qua. So với trước kia, LCT mới này nhân đạo hơn, phải phép hơn. Nổi bật ở vài điểm:
Về đối tượng: Không nhất thiết phải là những đối tượng làm việc trong cơ quan nhà nước mới được đăng ký hộ khẩu thành phố.
Về điều kiện: Trước đây muốn thành công dân thành phố, luật qui định phải có nhà ở hợp pháp, việc làm ổn định. Nay chỉ cần chỗ ở hợp pháp và cư trú tại thành phố đó từ một năm trở lên là được. Khái niệm “chỗ ở hợp pháp” được hiểu là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để ở. Ðó có thể là nhà thuộc sở hữu của công dân, hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.
Theo Ðại tá Vũ Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công An thì 24 triệu hộ gia đình và hơn 84 triệu dân cùng hơn 3 triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam (hay có gốc Việt Nam) đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật (?).
Sao lại dính cả Việt Kiều?
Vì Việt kiều cũng là người Việt. Chuyến thăm Mỹ vừa rồi, ở quận Cam bang California, ông Nguyễn Minh Triết chẳng từng nhắc đi nhắc lại về nghĩa tình “con một nhà, gà một mẹỂ giữa kiều bào và người trong nước, chẳng mời gọi kiều bào về đầu tư, xây dựng quê hương, kèm theo lời hứa sẽ bỏ visa từ ngày 1/9 tới đây cho họ đó sao.
Nói thật, về nước để gặp gỡ người thân đã đành, xem như đi…du lịch, tìm khoái ẩm thực…nhưng tụi này ngán nhất là thủ tục. Cái gì cũng trình báo, đi đâu ở đâu cũng bị phân biệt đối xử, tới Tân Sơn Nhất là phải lo thủ tiền lẻ rồi…anh T, 57 tuổi, cùng vợ từ Canada về làm từ thiện một tháng ở Nam Ðịnh đã phàn nàn như vậy. Nay nghe ông Triết nói chuyện bỏ thị thực visa cho người nước ngoài có gốc Việt Nam, giảm phiền hà trong việc cư trú cho họ, phóng viên Lê Hoàng của đài BBC đã hỏi ông Trần Quang Hoan- Phó chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt nam ở nước ngoài (UBVNVNONN) khái niệm “người có gốc Việt Nam”. Ông Hoan trả lời: “Người đó phải có tài liệu giấy tờ chứng minh. Thí dụ khai sinh, chứng minh thư (căn cước) hay quyển hộ chiếu cũ do Việt Nam cấp”. Nhưng với những người thất lạc giấy tờ (do di tản) thì sao. Rồi con cái họ, sinh ra ở nước ngoài. Bản thân họ đã kết hôn với người nước ngoài, có được coi là có gốc Việt Nam. Phải liên hệ với cơ quan nào để miễn thị thực visa. Có thể ở lại Việt Nam bao lâu? Ðứng trước một loạt câu hỏi, ông Châu lững lờ “chúng tôi còn đang…nghiên cứu, sẽ sớm ban hành, chắc là không lâu nữa…”
Vẫn chưa thể nói mạnh
Không ít người lo xa luật…thoáng quá dân gốc Việt sẽ đổ dồn về Việt Nam, cướp hết nhà ngon, đất đẹp; dân bố cu mẹ đĩ từ nhà quê cũng ùa vào đô thị khiến cơ sở vật chất những nơi này không “phình ra” kịp. Rồi tha hồ mà bẩn thỉu, lộn xộn. Trong khi đó, vùng quê, vùng cao sẽ vắng hết trai tráng, ruộng vườn không ai làm, quan hệ nền tảng của gia đình khó bền vững (?)…
Hôm 26-6, bốn ngày trước khi Luật cư trú bắt đầu có hiệu lực trong toàn quốc, một cuộc họp báo đã được tổ chức. Trung Tướng Trần Ðại Quang- Thứ trưởng bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo thi hành LCT cho giới báo chí biết trong số 2 triệu người đủ điều kiện để nâng cấp thân phận từ tạm trú lên thường trú, từ sống chui lên sống đàng hoàng (Sài Gòn khoảng 860.000 người. Hà Nội khoảng 130.000 người) thì hiện tượng quá tải những ngày đầu sẽ xảy ra, qui trình giải quyết khó đạt chỉ tiêu 15 ngày xong hộ khẩu, 3 ngày xong tạm trú cho dân nhưng “sẽ đảm bảo công tác quản lý cư trú…đơn giản, kịp thời, chính xác, công khai minh bạch, không gây phiền hà.
Các ông to nói vậy, nhưng ông bé là ông công an cấp xã, cấp quận thì có vẻ thực tế hơn. Anh Vinh- cảnh sát phường 4- Tân Bình khuyên đám dân tạm trú trong địa bàn mình phụ trách, không nên mừng vội. Ngày các ông bà có hộ khẩu ở Sài Gòn còn xa! Nhiệm vụ anh em phường, quận ngày thường quá nhiều, nay vì Luật cư trú này mà có thể phải làm cả ngày lễ, chủ nhật. Chưa kể còn phải xác minh, xét xử thưa kiện, khiếu nại những vụ việc mà Luật cư trú chưa lường hết. Nói đâu xa, chỉ cái vụ cho dân ở các vạn chài, vạn đò được đăng ký hộ khẩu trên chỗ ở hợp pháp của họ là con đò nhưng lại không xác minh được bến gốc; vụ khách thuê trọ hợp pháp cả năm bảy năm, nhưng chủ nhà không cho khách “vô hộ khẩu”, trong khi ông ta bảo lãnh sốt sắng cho thằng em họ ở tít đẩu đâu…Còn mệt lắm! Rắc rối lắm! Cho nên khoan náo nức, khoan vật heo gà ăn mừng. Coi chừng đời tạm trú vẫn hoàn tạm trú. Cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ!
Vậy là trước giờ G, LCT vẫn là một ẩn số phập phù. Có thể khỉ thành người chóng vánh. Có khi khỉ vẫn là khỉ, thậm chí là khẹc. Cái đó kêu bằng cha đang còn sống chuyển sang…từ trần.