Cộng với gian phụ cũng là nhà rường ba gian hai chái xoay dọc nằm kề bên lẫm lúa có sân trong lấy ánh sáng tạo thành một khối nhà rường hình chữ Ðinh có gần trăm cột, rộng khoảng một ngàn mét vuông (nhà chữ Ðinh mặt trước rộng, phía sau thu hẹp, nhìn từ trên cao xuống giống chữ T mà mặt tiền nhà là cạnh ngang trên đầu chữ T). Ðây là một trong những căn nhà độc đáo nhất miền Nam với diện tích rất rộng. Toàn bộ ngôi nhà được cất bằng gỗ quí, trang trí khắc lộng, mái lợp âm dương nhưng nay đã hư mục nhiều chỗ. Phần khung nhà còn chắc chắn nhờ phần kết cấu cột, xiên, trính làm bằng gỗ căm xe nên không bị hư hỏng nhiều.
Nhà này được cất vào năm 1838, tức vào thời Minh Mạng năm thứ 16. Tuy nhiên, qua tư liệu lịch sử về vùng đất Ðịnh Tường xưa cũng như “Luật xây cất nhà từ thời Gia Long, Minh Mạng thấy có ghi rằng “Nhà dân cấm không được chạm trổ vì kèo; cấm làm nhà quá ba gian năm vì kèo và không được trang trí; cấm làm nhà chữ Công, chữ Môn. Nhà làm đẹp quá mang tội lộng hành…”. Theo đó thì ngôi nhà của anh Trần Tuấn Kiệt – cháu cố của cụ Trần Quang Tường (người cất ngôi nhà này) hiện đang thừa tự, có thể đã được cất vào đời ông Sơ.
Sau này đến đời cụ Cố nhà mới được cất lại bằng gỗ, mở rộng và được phép trang trí chạm khắc như hiện nay. Một điều nữa, cụ Trần Quang Tường lúc sinh thời làm Hương chủ – một chức vụ trong Ban chức Hội tề (Hội đồng xã ) được thành lập sau khi Pháp chiếm Nam kỳ lục tỉnh vào năm 1867. Và cũng cần biết thêm, xu hướng xây dựng theo kiến trúc Pháp bùng nổ khởi đầu từ thập niên 70 của thế kỷ 19. Và dấu vết còn lại của ngôi nhà cụ Trần Quang Tường là phần xây tường ngoài rất thấp nhưng lại trang trí đầu cột kiểu Pháp (khách vào phải cúi đầu như biểu hiện sự kính trọng), mái hiên đè trên dằm gánh bằng những cột turdo chịu lực, cửa vào xây gạch vòm cong mà kiến trúc sư Tomoda Hiromichi (người nhận trách nhiệm trùng tu ngôi nhà này) đã đề nghị phá bỏ, phục chế lại bằng song gỗ vuông truyền thống thời xưa.
Song gỗ sao dày tám vuông dựng đứng vừa tạo sự giản dị cho mặt tiền và lại vừa cho ánh sáng tối đa rọi vào nhà.
Trước đây, tầng lớp trung nông khá giả thích cất nhà chữ Ðinh. Ðặc điểm của loại nhà này là cửa dẫn vào nhà chính và phụ đều ở phía trước. Nhà phụ nối với nhà chính tạo thành một mặt phẳng rộng và dài tiện cho việc sinh hoạt và sắp đặt nội thất cũng như tổ chức tiệc tùng, giỗ chạp. Vào những ngày này các gian nhà chính mở rộng cửa đón khách, còn bình thường gia chủ hầu như chỉ sinh hoạt ở gian nhà phụ, cửa lúc nào cũng mở. Sân trước tùy theo rộng hẹp mà đặt vài chậu hoa trang trí hoặc trồng một vườn kiểng. Phần tiếp giáp mái nhà chính và mái nhà dọc có lối đi dẫn ra cửa sau. Phía sau thường có ao cá vườn cây.
Mặc dù trải qua những cuộc loạn ly nhưng đồ dùng trong gia đình còn giữ được nhiều. Từ đồ gỗ, nghi thờ chạm khắc cẩn tinh xảo cho đến bức hoành, tấm liễn. Một phần tấm liễn bị mục vì ẩm ướt do chôn giấu dưới đất được treo trên cột chính như một nhân chứng cho thời cuộc. Kiến trúc sư Tomoda lấy làm thích thú và giới thiệu bạn bè khi nhìn thấy tấm liễn thếp vàng mang trên mình những vết tích chiến tranh.
Ngôi nhà này hiện được trường Ðại học nữ Chiêu Hòa của Nhật Bản đầu tư kỹ thuật và tài chánh để phục chế lại theo đúng nguyên bản và được UNESCO trao Giải thưởng công trạng (Award of Merit) trong việc bảo tồn di sản văn hóa.