Menu Close

Người đóng xe ngựa cuối cùng ở vùng Nam bộ

Ðôi mắt ông Hai Sộp chợt sáng lên khi nghe tôi hỏi về mấy chiếc xe ngựa trong nhà ông. Với giọng hào hứng: “Chú em không biết đâu, cứ mỗi lần xem phim hay truyền hình, thấy cảnh người ta đi xe thổ mộ lóc cóc trên những con đường đất gập ghềnh, hổng hiểu sao “qua” thấy thú lắm”.

Vào cái thời mà những người đóng xe ngựa như ông Ba Ký, Mười Thân, Tư Hoành, Sáu Kiệp (Thuận An, Bình Dương) rất nổi tiếng vào những năm 1910-1920, nay đều đã không còn nữa rồi. Bây giờ duy nhất chỉ còn con trai ông Ba Ký vẫn theo nghề đóng xe ngựa là ông Trần Văn Hai, tên thường gọi ông Hai Sộp (ngụ xã Hưng Ðịnh, huyện Thuận An, Bình Dương) năm nay cũng đã hơn 70 tuổi, vẫn cặm cụi với cái nghề “cha truyền con nối” mà giờ đây không ai muốn đeo đuổi nữa.

Du khách trên xe ngựa

Niềm đam mê cũ kỹ

Ông kể xe ngựa ngày xưa có nhiều loại với nhiều tên gọi khác nhau, do việc thay đổi hình dáng cho phù hợp với từng địa phương. Sài Gòn là khu tập trung buôn bán sầm uất có đường xá tốt, lại có nhiều khách vãng lai nên người ta tạo ra xe kiếng để chở khách, loại này bốn bánh đóng thùng gắn kiếng, có mui, cửa và dùng một con ngựa kéo. Người ta còn chế ra xe cá đôi để chở cá ở chợ Cầu Muối, xe này cũng bốn bánh không thùng, không mui. Còn ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Bà Ðiểm (Hóc Môn) thì có xe thổ mộ. Xe này phù hợp với đường đất, đường dốc, có hai bánh và một ngựa kéo. Loại xe lá liễu thường mỏng mảnh, gọn nhẹ, sang trọng thường dành riêng cho nhà giàu. Riêng ở miệt Long An người ta còn có xe cá chiếc, loại này giống xe cá đôi nhưng chỉ dùng một ngựa kéo. Nhấp ngụm trà rồi ông Hai lại say sưa kể tỉ mỉ kích thước và sự khác biệt của từng kiểu xe. Chắc lâu lắm rồi ông mới có dịp để nói về chúng, những cỗ xe gắn liền với cuộc đời và cũng là niềm say mê của ông.

Ông Trần Văn Hai bên chiếc xe ngựa của mình

“Hồn” xe ngựa

Với bàn tay khéo léo và bản tính cẩn thận, ông Hai đã làm ra không biết bao nhiêu cỗ xe mộc mạc, duyên dáng. Ông nói: Ngoài nhíp để giảm xóc và dí để xỏ cặp bánh vào làm bằng thép, các bộ phận còn lại của xe như bánh, căm, thùng, càng, vè…đều làm bằng gỗ. Khi chọn gỗ để đóng xe phải bằng phần lõi cây, vì như thế xe không bị nứt, không biến dạng. Tùy vào những bộ phận khác nhau của xe mà sử dụng các loại cây gỗ khác nhau: Ðóng xe ngựa cần sự tỉ mỉ, chính xác và phải nhập tâm thì xe nhìn mới đẹp, mới bắt mắt, mới có “hồn”. Ðể hoàn tất một cỗ xe ngựa ông Hai phải làm hơn một tháng. Tất cả đều làm bằng tay. Nếu thấy bất kỳ bộ phận nào bị lỗi, dù chỉ là lỗi nhỏ, ông cũng nhất định bỏ đi để làm lại. Theo ông nếu bỏ qua những lỗi, những sai sót, thì thấy trong lòng không vui, không được thanh thản, mà cứ luôn bất an, cảm thấy có lỗi với khách hàng.


Gìn giữ nét xưa

Ngày nay, xe ngựa không còn là phương tiện di chuyển thông dụng nữa, nên nghề đóng xe ngựa cũng dần mai một. Ông Hai được xem là người đóng xe ngựa hiếm hoi còn sót lại của tỉnh Bình Dương và của cả vùng lân cận. Ông gắn bó với nghề này không phải vì tiền mà chính là muốn giữ gìn truyền thống của gia đình, bảo tồn cái nghề đang dần đi vào quá khứ. Mỗi khi có người đặt ông đóng xe, thì ông rất vui. “vui vì lại được cầm đục, cầm cưa …” – ông nói.

 

2 trong nhiều chiếc xe ông Hai đã đóng

Cách đây hơn mười năm, ông nhìn thấy một đoàn làm phim sử dụng chiếc xe hai ngựa kéo làm bằng sắt trông rất lạ mắt. Khi tìm hiểu ông mới biết kiểu xe này xuất phát từ nước Pháp có tên gọi Calleche. “Thấy kiểu xe này cũng hay hay, tôi bèn bắt chước chỉnh sửa thành một kiểu xe mới phù hợp với xứ mình. Thay vì làm bằng sắt tôi đóng bằng gỗ, thay vì hai ngựa kéo thì tôi thay bằng một ngựa kéo. Xe làm xong tôi cũng đặt tên là Calleche. Coi được lắm!” Những nếp nhăn trên mặt dãn ra thể hiện một sự mãn nguyện.

Xe Callche của ông thường được các khu du lịch giải trí đặt mua để chở khách. Xe thổ mộ thì được các nhà hàng, quán cà phê mua để trang trí. Trong nhà ông vẫn còn giữ lại lại nhiều loại xe như thổ mộ, cá chiếc, lá liễu… đó là những chiếc xe đã nhiều năm cùng ông rong ruổi qua bao đường làng đất đỏ, qua bao thôn xóm miền Nam. Ông cũng vẫn giữ những vật kỷ niệm, như cả một chiếc đèn cũ dùng để gắn trên xe lúc đi ban đêm. Ðây là chiếc đèn xe ngựa xưa duy nhất còn sót lại.

Chuồng ngựa nhà ông có bốn con ngựa, trong đó có hai con ngựa kim, một con ngựa khướu và một con ngựa hồng. Thỉnh thoảng “nổi hứng” hoặc vào ngày tư ngày tết, ông lại “đóng bộ” thắng ngựa vào cỗ xe, đeo lục lạc cho chúng và đánh xe đi thăm bạn bè, người quen.

Ông Hai cũng tỏ vẻ rất vui khi khoe rằng, hai người con trai ông hiện giờ đã chịu nối nghiệp cha, trở thành những người thợ đóng xe ngựa giỏi và có tâm huyết. Ông mừng vì “sắp nhỏ sau này vẫn còn có cơ hội nhìn thấy hình dáng những cỗ xe ngựa thân thiết một thời của người dân Nam bộ xứ mình…”.

HIẾU PHỤNG