Tám giờ sáng, Bưu điện Sài Gòn đã mở cửa. Nhân viên ở ba mươi mấy quầy xếp hình chữ U bắt đầu phục vụ những người khách đầu tiên tới đánh điện tín, mua tem, gửi và nhận tiền, chuyển fax… Bên kia đường, một tốp hơn chục khách du lịch Tây Âu, sau khi chụp ảnh nhà thờ Ðức Bà, đã theo người hướng dẫn viên du lịch sang thăm Bưu điện – tòa kiến trúc bề thế, khá đẹp mắt, được xây dựng từ năm 1886. Chỉ tay lên chiếc đồng hồ lớn, anh hướng dẫn giới thiệu, năm 1890, nhân dịp Bưu điện khánh thành, nó đã được treo lên, từ bấy đến nay vẫn chưa chịu nghỉ hưu. Cùng lúc đó, chiếc taxi Mai Linh trờ tới. Từ taxi bước xuống một phụ nữ trẻ. Chị hỏi dịch vụ viết thư thuê bằng tiếng Pháp. Người bảo vệ bảo chị đợi mười lăm phút.
Cả đoàn khách ngoại quốc và chị phụ nữ đều đang cùng đợi ông Dương văn Ngộ- người 15 năm nay ngồi đúng một chỗ, làm đúng một việc trong tòa nhà Bưu Ðiện này là viết và dịch hộ thư bằng tiếng Anh tiếng Pháp cho khách. Thư từ vốn là chuyện riêng tư. Ai viết nấy biết, nhất là thư tình thì lại càng phải kín đáo. Chuyện nhớ thương hôn hít, mùi mẫn thề nguyền, cả giận dỗi đâu thể tùy tiện nhờ người ngoài bày tỏ hộ được. Lộ bí mật đã đành, còn mất tự nhiên. Mà cái kẻ chịu ngồi nghe kể lể sướt mướt, nhiều khi dữ dội tục tằn, rồi chấp bút.
Nổi tiếng khỏi biên giới Việt Nam
Nếu không được giới thiệu trước sẽ ít ai ngờ rằng ông già người Nam, sinh năm 1930, vóc dáng gầy gò, ăn mặc giản dị nọ lại là người nổi tiếng. Năm tờ báo lớn của Sài Gòn đã từng viết bài, đưa tin về ông. Cả đài truyền hình thành phố cũng từng quay phim, phỏng vấn? “Cửa hàng” của ông Ngộ thật khiêm tốn, ở đầu dãy bàn, nơi dành cho khách ngồi điền biểu mẫu, viết bì thư, dán tem. Phía trước mặt dựng tấm biển “Nơi chỉ dẫn và viết giúp”, thêm mấy cuốn tự điển lớn nhỏ, và một chiếc kính lúp.
Chờ ông “dọn hàng” xong, một bà khách tóc hoa râm tới ngồi xuống bên cạnh, yêu cầu viết giùm con một bức thư cám ơn bằng tiếng Anh. Ngăn ngắn thôi! Con gái con trọ học trong một gia đình người Mỹ, được chủ nhà giúp đỡ lo lắng mọi thứ chu đáo. Con muốn cám ơn họ. Nội dung chỉ vậy. Quay sang bà khách, ông dịch từng chữ, cắt nghĩa rõ ràng. Và còn khuyên Chị nên mua cái thiệp, viết vào thiệp, gửi đi, hay hơn là viết quá ngắn như vậy trong một bức thư. Ðầu thư, nếu biết tên gia chủ thì thay vì Dear Sir and Madame có thể đề Dear Mr…and Mrs …Nhớ đề họ, đừng đề tên. Thí dụ tên ông đó là Nguyễn Ngữ. Bên mình nói thưa ông Ngữ. Còn bên Mỹ thì thưa ông Nguyễn. Chị nhớ viết cho trúng. Bao nhiêu bố? Năm ngàn! Sao lấy ít vậy?Chị khách đứng lên, hào phóng dúi vào tay ông mười ngàn.
Người khách thứ hai, còn trẻ, mặc áo màu đỏ, trên hai mươi tuổi. Cô cầm theo cuốn vở. Trên đó dày đặïc mấy trang viết tay, gạch xóa lung tung. Nhưng chữ to, dễ đọc. Cô nhờ ông dịch ra chữ Pháp. Cô gửi bưu điện hay email. Chi vậy bác? Ðể biết mà dịch. Nếu gửi email thì khỏi đề ngày tháng ở đầu thư. Trong khi ông Ngộ cắm cúi dịch, kẻ viết bài hỏi chuyện cô khách trẻ. Cô tâm sự nho nhỏ ảnh mua hàng ở nhà má em hai năm nay. Người rất đàng hoàng, sòng phẳng. Em cũng “biệt nhãn” lắm. Ảnh nói tiếng Pháp, còn em chỉ biết tiếng Anh. Chừng nhận được thơ lạ hoắc, địa chỉ bên Pháp, nhờ người đọc mới biết ảnh về nước, gửi thư thăm em. Mấy tháng nay thư qua thư lại, nhờ bên Lý Thái Tổ dịch giùm rất tốn kém. Ðọc báo, mến tiếng bác Ngộ, em qua đây…
Mưa rả rích bên ngoài, có lẽ chi phối ít nhiều công việc của “dịch giả” khiến ông tự cho phép nghỉ tay chốc lát, góp chuyện. Báo chí địa phương thi thoảng có viết về tôi, nhưng có lẽ tôi thực sự “nổi tiếng” từ khi cô ký giả người Ðức- lúc đó tôi không biết cô tên gì, là ký giả của báo nào- tới nói chuyện với tôi ở đây, thông qua anh phiên dịch. Nói một hồi thì mời ra phía trước, rất lịch sự, xin phép chụp một tấm ảnh. Ðúng một tấm. Ít lâu sau gửi biếu tôi tờ báo này, tờ Der Spiegel. Giở coi bài viết kèm hình chụp mới biết tên cổ là Fiona Ehlers. Tôi không đọc được tiếng Ðức, chỉ rành tiếng Anh và Pháp, nên không biết bài viết gì. Nhưng có mấy em phóng viên, biết tiếng Ðức. Họ đọc Der Spiegel xong tới kiếm tui phỏng vấn, chụp hình, viết bài…
Rút trong túi xách những tờ giấy xếp phẳng phiu ép trong bao nyolon, bác Ngộ giới thiệu: Bài này của báo Thể thao Văn hóa ngày 10-2. Báo Công giáo và Dân tộc ngày 15-2. Báo điện tử Dân Trí.com ngày 14-3. Ðài truyền hình thành phố thì 22-3. Kế tới Tiếp thị Gia đình ngày 1-5 và mới đây nhất là Tuổi Trẻ ngày 6-5. Trong số những người tới hỏi chuyện, chụp hình, chỉ có cô người Ðức là lịch sự nhứt. Những người thế nào thì không “lịch sự”? Là những người không giới thiệu một câu, chụp hình, hỏi túa xua. Rồi sau đó đi luôn. Công việc của mình vì họ mà phải bê trễ họ cũng không nói được tiếng nào cho mình mát dạ.
Giọng bác Ngộ nhỏ nhẹ, không gay gắt, không buồn. Mười lăm năm nay, từ ngày nghỉ hưu, Bưu điện cho bác và 7 người nữa, thay phiên nhau ngồi viết thư và chỉ dẫn cho khách. Ðến nay, tất cả đều lần lượt “đi xa”, chỉ duy nhất bác Ngộ, còn sống và trụ lại. Thấy quá nhiều, biết quá nhiều và cũng kết nối quá nhiều tình cảm- đa số là tình cảm nhớ thương, trông chờ cho con người trên những cánh thư, thì những quấy quả, bạc bẽo chút đỉnh của người chung quanh, đâm ra thành chuyện nhỏ…Vậy chuyện gì là lớn, đối với bác? Ðôi mắt sau cặp kính lão sáng lên, bác Ngộ nói đạo đức của nghề nghiệp, của con người là chuyện lớn.
Khi tiếp khách, không khi nào tui nhận bịa đặt, vẽ chuyện giùm họ. Mà chỉ dịch thư, dịch ý. Cũng không nhận những thư nội dung lừa lọc xin xỏ, chửi bới hèn kém. Người nào muốn nhờ thì phải tự viết. Như cô cháu này, chỉ tay sang cô gái và bức thư tiếng Pháp dịch giùm dang dở, ông tiếp, kỷ niệm giữa cháu và anh nọ, mình cháu biết, thương nhớ cũng tự trong lòng trào ra. Chứ giao cho bác tự biên tự diễn hết, anh nọ biết liền là giả mạo. Chữ Pháp hoa mỹ, đúng mẹo luật. Nhưng còn cái nội dung, đâu có gì thay thế được sự thành thực. Cái này không thể mướn. Mà mướn bác cũng không làm.
Theo lời kể của chị L. Năm ngoái, giúp việc cho gia đình ông Henry. Ðược mấy tháng, gia đình về Pháp. Còn ba bốn bữa là tới ngày đi, vẫn không nghe chủ nhắc gì tới tiền lương. Mà hỏi thì em không dám mà cũng không biết ngoại ngữ. Tới kiếm bác Ngộ kể sự tình. Ổng suy nghĩ rồi biên dùm cái thư chừng nửa trang giấy. Em trả tiền công, bác không lấy. Thư bác viết đó ôâng chủ đọc, khen lắm, trả lương em liền. Lâu lâu đi ngang Bưu điện, nhớ bác em ghé vô chào…
Những người “ghé vô chào” như chị L, thậm chí đi xa còn biên thư cám ơn, kể không xiết. Vui nhứt là mấy cháu Việt- Pháp, Việt- Mỹ nên duyên nhờ có mình thư đi tin lại, chúng coi mình như ông mai mát tay. Lâu lâu gửi thư kể chuyện, gửi quà tặng. Mười bảy tuổi vô làm Bưu điện. Ba mươi sáu tuổi, được “họ” cho đi học. Tới lớp chín thì nghỉ. Vốn tiếng Anh, tiếng Pháp phần lớn là tự học, không có trường lớp, bằng cấp gì. Chỉ là nhân viên bình thường, đi làm bình thường, vợ con bình thường, nghèo bình thường…Hôm đài truyền hình quay xong, tới chừng phát sóng, vợ con chòm xóm coi xong mới… hết bình thường.
Tôi đem thư điện tử, thiệp điện tử, điện hoa…ra dọa bác. Thời buổi internet, mọi thứ đều được kết nối. Mọi thứ đều nhanh chóng mặt. Nghề thủ công rị mọ lâu lắc của bác bị cạnh tranh, coi chừng…Bác Ngộ lắc đầu nhanh thì thư tay thua. Nhưng tình cảm thì thư điện tử thua. Noel, tết tây, tết ta, có những ngày tôi “bị” viết thiệp cả ba bốn chục tấm một buổi. Ai cũng nói, cầm tấm thiệp có chữ viết tay, như thấy có “hơi”người thân, chỉ muốn ấp vô ngực, đưa lên môi hun hoài hủy. Ngày nào cũng ngồi viết dùm thư tình, thiệp tình, già gần tám mươi tuổi rồi, mệt thì có nhưng ngán thì không.
Michiko- cô du khách Nhật bản cho biết bác Ngộ chính là sự khám phá của cô về con người Sài Gòn. Còn với Duy, Việt Kiều ở San Jose thì ông lão nhỏ thó, điềm đạm nọ có nét nghệ sĩ giống giống những người làm nghề tự do ở các thành phố Châu Âu một nhạc sĩ kéo đàn violin, hay họa sĩ vẽ chân dung ở công viên…Với những khách trong nước- đa số là phụ nữ, trẻ trung tươi thắm như cô gái áo đỏ đang ngồi nhờ dịch bức thư tình tiếng Pháp- thì bác Ngộ không phải là người lạnh lùng, xa cách, mà ngược lại là ông bố biết nhiều, hiền hậu, hay an ủi, dễ cảm thông- người họ có thể tin cậy dốc hết nỗi lòng, giao thư từ, nhờ địa chỉ, nghe khuyên nhủ la rầy, thậm chí khóc lóc trước mặt ông mà không sợ xấu hổ.
Hàng ngày đi làm, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, quay những vòng xe- vòng đời- vòng chữ nghĩa, ông Ngộ đã vô tình điểm một nét duyên cho đời sống tất bật của thành phố Sài Gòn. Chính ông đã kéo gần những tâm hồn đồng điệu, mở lối cho sự cảm thông ấm áp, bắc cầu cho sự yêu thương, sự tri ân của những con người không đồng ngôn ngữ, chủng tộc…
Những người như ông Ngộ, chẳng cao sang thì chớ, ngược lại, quá đỗi bình thường, và phần nào đó, còn rất tầm thường so với “sao” này “sao” nọ. Nhưng không hiểu lý do gì, nhiều du khách nước ngoài, phóng viên trong nước đều biết và mến mộ ông. Xem ra, ông còn “có giá hơn nhiều ngôi sao ca nhạc, điện ảnh.
Vì có lẽ ông là “hàng độc”.
Ðể phòng khi bạn đọc chỉ giùm ai đó: bạn bè thân nhân cần tìm người viết hay dịch thư Anh- Pháp, kẻ viết bài này đã cẩn thận xin “cạc vi dít” của ông kèm theo đây. Bạn ghi nhé: Dương văn Ngộ- 122/76 Phan văn Hân- P.17 Thị Nghè (Qua cầu Sở Thú, quẹo trái).