Menu Close

Sài gòn – Không còn đường đi

Toàn cảnh giao thông

Ở thành phố Sài Gòn gần mười triệu dân, từ lâu kẹt xe đã là “chuyện nhỏ. Sống chung với nạn kẹt xe, dân Sài Gòn tưởng đã đạt tới cảnh giới cao nhất của chữ “Nhẫn”. Nhưng từ đầu tháng chín tới nay, theo đà gia tăng “siêu khủng khiếp” của nạn kẹt xe, chữ “Nhẫn” quí hóa nọ có mòi bị…triệt sản.

Kẹt xe giờ cao điểm

Vào giờ cao điểm buổi sáng cuối tháng chín, chen chúc trong biển người xe mù mịt khói bụi trên những trục lộ giao thông chính như Trần Hưng Ðạo, Hai Bà Trưng, Nguyễn Kiệm, ngã tư Phú Nhuận, vòng xoay Hàng Xanh chừng nửa giờ liền, nhiều học sinh khóc sụt sịt vì sợ bị đuổi học. Cán bộ cơ quan, công nhân xí nghiệp, thương nhân thì rên rỉ, chửi thề vì những cú điện thoại đòi giao hàng, báo hết nhiên liệu, dọa hủy hợp đồng. Xe cứu thương hụ còi xin đường khắc khoải…. Tất cả đều căng thẳng, tuyệt vọng.

Ngồi bên vỉa hè đường Cộng Hòa “ngắm” cảnh kẹt xe, anh chủ quán cà phê buồn nẫu ruột. Anh than “Chắc dẹp quán luôn! Hồi đầu năm còn bán khá. Bây giờ vỉa hè lớp bị đào bới, lớp bị tụi môtô leo lên chạy càn. Bàn ghế mình, tụi nó tông văng mạng. Khách nào dám ngồi uống nữa.”

Bắt mạch nạn kẹt xe, không cần phải là Giám đốc Sở Giao thông Công chánh  hay Ðội trưởng Ðội Cảnh sát Giao thông mới chỉ được nguồn cơn, mà phó thường dân nào cũng kê toa rành mạch. Nhất là đội ngũ tài xế xe ôm, xe bus. Do phải rong ruỗi khắp 24 quận huyện Sài Gòn, thông thạo đường ngang ngõ tắt, hơn ai hết, chính họ thường xuyên là chứng nhân, đồng thời là nạn nhân của hội chứng “dồn một cục”. Tài xế Nguyễn văn Ð, lái xe bus tuyến Tân Sơn Nhất- Sài Gòn, nói “Kẹt xe là tại làm đường. Làm cái gì mà từ năm này qua tháng khác chưa rồi! Nhiều con đường bề ngang hẹp chưa tới mười thước mà họ chắn hết phân nửa, rồi lấy tôn quây kín. Ba làn xe bus, xe máy, xe đạp chia nhau phân nửa đường còn lại. Chạy sao nổi mà bảo đừng kẹt”.

Ở một khía cạnh khác, nạn kẹt xe được mô tả như hệ lụy tất yếu của sự thiếu tầm nhìn xa của chính quyền. Nhà nước cho nhập xe ào ạt, “đăng ký xe dễ dàng, cấp giấy phép lái xe cũng dễ. Dân Sài Gòn bỏ 300 đôla là sở hữu ngon lành một “con xe” Trung Quốc. Xe cũ còn rẻ hơn, chưa tới 100 đôla! Vậy là ai cũng mua xe. Hậu quả Sài Gòn bây giờ nhiều xe gắn máy nhất thế giới! Tính ra, trung bình 2 người dân thì có 1 xe máy. Theo Phòng Cảnh sát Giao thông Ðường bộ, lượng xe gắn máy đăng ký hiện tại trên dưới bốn triệu xe. Chưa kể hai triệu xe đạp, ba ngàn xe bus, gần nửa triệu xe ô tô. Tính ra, trong hơn ba mươi năm qua, các phương tiện tham gia giao thông ở thành phố này đã tăng gấp mười lần, trong khi hạ tầng cơ sở không mở rộng đáng kể.

Một nguyên nhân nữa cũng góp phần đáng kể vào nạn kẹt xe, là sự có mặt ngày càng nhiều của các trường học – nhất là trường quốc tế. Khi cấp phép hoạt động cho các trường này, các cơ quan có thẩm quyền không hề căn cứ trên qui hoạch tổng thể của từng con đường, khu vực, quận huyện để tránh ách tắc giao thông. Ðường Nguyễn Trọng Tuyển chả hạn. Có đoạn bề ngang chưa tới 4 mét. Xe lưu thông hai chiều chậm như rùa. Ðến giờ tan học, trước trường Tiểu học dân lập Quốc tế xe du lịch sang trọng đậu hàng dài chờ rước quý tử. Cách đó không xa, trường tiểu học Lê Văn Sĩ cũng hình thành chớp nhoáng một bãi xe gắn máy của cha mẹ đón con. Xích xuống dưới chừng hai chục thước, là trường Ðại học Marketing “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Ðường Thăng Long cũng cùng cảnh khổ. Bên này “trường ngoại” Primary School phô trương khá hoành tráng, bên kia “trường nội” Tân Sơn Nhất cũng đồ sộ không thua. Ðã vậy, còn thêm một vườn trẻ Tân Sơn Nhất cho “có nếp có tẻ”. Ba trường cùng vào học, tan học một giờ. Xe đưa rước các loại đan vào nhau, rối như canh hẹ. Dân đường Thăng Long không ngày nào không “ăn” món canh hẹ ngán ngẩm này. “…Sao ta không qui định lệch giờ để tránh kẹt xe. Khó gì đâu! Tôi nghĩ toàn thành phố công chức đồng loạt đi làm lúc 6 giờ rưỡi, học sinh trễ hơn 15 phút. Bảy giờ là đâu vào đó rồi. Khỏi chen lấn gây tai nạn, ô nhiễm không khí, mất văn hóa văn minh…”- một người đã viết thế trong thư hiến kế gửi lãnh đạo thành phố. Chờ mãi không thấy hồi âm, ông này ấm ức “Chắc thư mình có tầm nhìn thiển cận quá, chả tới được chỗ cao xa!”

Cầu vượt- cầu chui

Chỉ ra những nguyên nhân gây kẹt xe như cơ sở hạ tầng kém, dân số tăng cơ học- kéo theo lượng xe cá nhân tăng, qui hoạch xây dựng chưa căn cơ, đồng bộ, chủ trương chính sách thiếu tầm nhìn chiến lược, không khoa học…thì cũng có nghĩa là đã nắm được những biện pháp khắc phục tương ứng. Chả hạn:

Ðể đường xá bớt chật chội thì nên làm cầu vượt, làm hầm chui qua những nút giao thông “tử thần” nổi tiếng như Ngã tư Phú Nhuận, vòng xoay Hàng Xanh, Lăng Cha Cả, Lăng Oâng Bà Chiểu, Ngã sáu Công trường Dân chủ. “Tưởng gì mới!” Giám đốc Sở Giao thông Công chánh, ông Trần Quang Phượng chép miệng. Ông cho biết thêm: Từ  năm 1994,  Sở đã lên danh sách 14 nút giao thông ưu tiên xây dựng cầu vượt. Danh sách nàyï từng nằm trên bàn của ba đời Giám đốc Sở, nhưng cuối cùng phải ngậm ngùi xếp xó vì kinh phí giải phóng mặt bằng quá cao, việc di dời hạ tầng kỹ thuật ngầm (cấp thoát nước, điện, thoại) quá khó khăn.

Nói vậy, nhưng trong thực tế, nhiều công trình “thăng thiên, độn thổ”cũng đã được thi công hoàn chỉnh, và đưa vào sử dụng. Tiếc thay hầu hết đều có độ đắc nhân tâm bằng… zéro! Như cầu vượt bắc trên đường Phan Ðình Giót, đoạn ngang công viên Hoàng văn Thụ, cao 5,5 m, khá mỹ miều, nhưng hoàn toàn vắng khách. Anh chị em bán hàng rong tại đây cho biết “Công viên vắng như chùa Bà Ðanh, chả hiểu sao thiên hạ bỏ tiền tỉ xây cầu vượt ở đây. Chỉ tổ cho ban đêm trai gái lên đó mò nhau, không thì phóng uế bừa bãi”. Cầu vượt đầu đường Nơ Trang Long, trước bệnh viện Ung Bướu, hay đầu đường Cống Quỳnh, trước mặt bệnh viện phụ sản Từ Dũ cũng “chau mặt với tang thương”. Một cụ bà chống gậy đứng với người con dâu mang bầu nói “Năm bảy chục bậc thang. Hơi sức đâu leo lên leo xuống. Nhất là già yếu, bầu bì như  mẹ con tôi. Ðứng đây, canh vắng vắng xe, năm bảy người rủ nhau qua đường cũng được”…

Cầu vượt đã bị dân chê, cầu chui còn ế thảm hại hơn. Lý do? Cứ chạy xe xuống hầm chui Cầu Bông tối mờ mờ, đầy rác bẩn hay hầm chui Văn Thánh, cây cầu nổi tiếng lún sụt vì bị “rút ruột” tàn bạo khi thi công, thì sẽ “ngộ thôi.

Bài toán kẹt xe từ đầu tháng chín tới nay đang nhuốm mùi quốc nạn thê lương. Ði đâu cũng nghe người dân đòi hỏi nhà nước phải “đòm một phát chết tươi” thủ phạm gây kẹt xe. Nhưng biết ai mà “đòm”! Loay hoay nhìn trước ngó sau một hồi, báo chí và các nhà thông thái chiếu tướng ngay…xe gắn máy. Thành phố tám triệu người, bốn triệu xe gắn máy. Không phải nó còn ai?

 

Khuyến khích xe bus

Công đức của xe gắn máy thì khỏi bàn. Nhưng tác hại của nó quá lớn. Phải “xiết căng”, từng bước thay thế bằng phương tiện giao thông công cộng. Trước mắt thu của xe gắn máy và xe ôtô một khoản tiền hàng tháng gọi là “phí môi trường” như các nước khác đã từng làm (và thành công). Ðem tiền đó trợ giá cho xe bus…  Thạc sĩ Lê trung Tính, công tác ở Sở Giao thông Công chánh đã “hiến kế như vậy. Ông Tính làm bài toán: Chỉ cần thu mỗi xe gắn máy 10.000 đồng/tháng, xe ôtô 200.000 đồng/tháng thì Sài Gòn đã có trong tay 700 tỉ trở lên, đủ sức phát triển thêm các loại vận tải khối lượng lớn như metro, tramway, BRT… bên cạnh việc duy trì hoạt động và nâng cấp cho hơn 3000 xe bus đang chạy trên 250 tuyến khác nhau, hàng ngày chuyên chở gần một triệu lượt hành khách (bằng 5% nhu cầu đi lại của người dân).

Nghe Thạc sĩ Tính phác ra viễn cảnh huy hoàng như vậy, nhiều người lắc đầu. Xe bus không tiện lợi bằng xe gắn máy đã đành, còn bị bia miệng phong tước “Hung Thần Di Ðộng” do chạy như ăn cướp, hay gây tai nạn, lại “siêng” nạt nộ xô đẩy khách lúc lên xuống trạm- đặc biệt khách tàn tật, già cả, đi vé tháng. Cứ cung cách “văn minh” đó thì còn khuya mới thay được xe gắn máy. Thêm chuyện thu phí môi trường nữa! Hay nhưng hơi bị… tiếu lâm một cách nghiêm chỉnh (!) Nội vụ mũ bảo hiểm không thôi cũng đủ biết “tài” quản lý xã hội bằng mệnh lệnh của nhà nước rồi. Nay giao thêm nhiệm vụ thu phí nặng nề nữa, biết “tài” nổi không!

Cũng bàn về hội chứng kẹt xe, nhưng ở góc độ văn hóa, một nhà văn hoá học cho rằng nạn kẹt xe trầm trọng hiện nay phần lớn do ý thức quá kém của từng cá nhân. Vì thế  “Khó khắc phục lắm! Vấn đề ở chỗ ta có “gien” làng xã rất đậm. Mà đặc điểm của văn hóa làng xã là giàu tính linh hoạt, tính cộng đồng. Linh hoạt thì gần với tùy tiện. Cộng đồng thì hay núp bóng, theo đuôi, dựa dẫm nhau. Chuyển sang hình thức sinh hoạt đô thị, thói tùy tiện của thời tiểu nông làng xã vẫn tồn tại dai dẳng. Cấm thì nó sẽ biến tướng. Phải có thời gian…”

Chao ôi! Ðường xá mỗi sáng mỗi chiều đã không còn thở được. Cả thành phố sống dở chết dở vì kẹt xe. Bao tiền bạc, thời giờ bị lãng phí, bao số phận bị ảnh hưởng nghiêm trọng- như bà Chín, thân nhân của chị Ann Nguyễn đầu phóng sự, phải cắt hộ khẩu dương trần oan ức. Tất cả đều vì kẹt xe. Vậy mà các ông Sở Giao thông, Công an, Môi trường, Giáo dục, Văn hóa… còn tà tà, bảo “phải có thời gian”

Ðã sang đầu tháng mười rồi. Noel, tết tây, tết ta đang hườm sẵn nguy cơ kẹt xe cực đại. Làm sao giải quyết nhanh lên chứ các quan! Các vị đã cong…khu chạy khắp nơi mời mọc doanh nhân nước ngoài tới đầu tư, du lịch mà đường xá bết bát, xe cộ rối nùi thế này, coi sao được? Các vị ra rả kêu gọi Việt Kiều về thăm thân nhân để thu ngoại tệ.  Ít gì cũng trăm ngàn người từ nay tới tết. Không lẽ bắt họ từ sân bay Tân Sơn Nhất, đáp…trực thăng vào thẳng trung tâm thành phố sao? Thôi thì…

Các quan ơi! Mặt quan dẫu hơn mặt Chí Phèo, dân cũng không dám chê xấu. Nhưng mặt đường, và những thứ đêm ngày lưu thông trên đó- thì đừng để “đẹp” như mặt Thị Nở. Thể diện quốc gia cả đấy. Chả phải chuyện chơi đâu!

XH