Menu Close

Mũ bảo hiểm – kẻ thương người ghét

Trận mưa quá to hồi cuối tháng 9 và hai ba ngày tiếp đó làm nước dâng lên nhanh. Toàn Sài Gòn gần như nửa nổi nửa chìm trong biển nước. Đang giờ tan tầm, xe chết máy nối nhau dài dằng dặc, hàng vạn con người đội mưa, chịu trận. Một ông cúi nhìn đôi giầy ướt sũng nghiến răng chửi “Lấy dân làm gốc mà để gốc ngâm nước thế này, mục mẹ nó hết” trong khi bà bên cạnh điên tiết vì khóa an toàn của mũ bảo hiểm kẹt cứng, mở mãi không ra. Cơn giận bùng lên, đương sự ứng tác tại chỗ một đoạn “văn tế mũ bảo hiểm. Nhiều người thấy hứng, “tế theo. Đám kẹt xe đâm vui hẳn.

Đám cưới thời mũ bảo hiểm

Ghét mũ bảo hiểm đào đất đổ đi

Tế sống mũ bảo hiểm, kể ra cũng chẳng phải ngẫu nhiên! Mà có nguyên ủy sâu xa. Nhân vì đường xá Sài Gòn  được tiếng hoa lệ thênh thang, nhưng theo thống kê của Sở Giao thông Công chánh thì hơn 50% có bề ngang chưa tới 7 mét. Đã hẹp vậy, xe cộ lại lưu thông hai chiều, mỗi chiều ba làn xe (xe hơi, xe máy, xe đạp) khiến người điều khiển phương tiện giao thông chỉ đạt vận tốc trung bình từ 10 đến 20 cây số giờ. Thường xuyên bò như  rùa hoặc chết đứng trong đám kẹt xe, thì làm sao có dịp gây tai nạn cho nhau tới mức bể “gáo dừa”. Mũ bảo hiểm, vì thế, trong đại đa số trường hợp, đối với người lái xe Sài Gòn, tỏ ra không cần thiết.
Đã không cần thiết, nhưng vẫn phải đội. Sùm sụp cái “nồi cơm điện”, trông vừa xấu, vừa luộm thuộm, vừa vô tích sự. Đi giữa trưa, chiếc mũ có kính chắn kín mít nóng hầm hập hệt lò lửa Trung Đông, lại không có “mái hiên” che nắng. Nhiều chị em đành sử dụng cùng lúc cả nón vải rộng vành. Khốn nỗi mũ bảo hiểm ôm khít đầu, dễ gì chen thêm “vật thể lạ. Cố ép nó, thì dây an toàn lại cài không được. Nắng khổ, mưa cũng chẳng hơn. Vẫn hai tầng mũ chật ngắc, ướt mèm!

Khi so sánh công năng của mũ bảo hiểm với mũ bảo hộ, mũ lính, nhiều bà nội trợ bình dân đều “nhất trí rằng “Ngày xưa, cái nón sắt của lính Mỹ, lấy giã cua tốt mà lại nhẹ và bền gấp mấy lần cối đá. Mũ bảo hộ của thợ điện, thợ xây thời VNCH đem làm gáo múc nước, quăng quật thế nào cũng trơ trơ. Bây giờ mũ bảo hiểm chả thể so được. Chất lượng không bảo đảm. Ngoài việc đội ra, chả dùng được vào việc gì. Đã thế lại khó gửi. Để ở xe thì sợ mất. Gửi người ta không nhận. Vào chợ cứ phải ôm theo”
 

Mũ bảo hiểm tràn lan trên thị trường

Mũ bảo hiểm muôn năm

Bên cạnh những người ác cảm với mũ bảo hiểm theo kiểu mẹ ghẻ con chồng thì ngược lại, cũng không ít người “cưng” những chiếc nón vốn từng bị chế diễu là nồi cơm điện, vỏ dưa hấu…hết mức.

Đầu tiên là các bé con. Ba tuổi vào nhà trẻ. Sáu tuổi vào lớp một. Sáng sáng đến trường đi học, bé nào cũng thích được đội mũ bảo hiểm, chỉ vì lời phỉnh nịnh “trông oai như siêu nhân” hay “dễ thương hơn công chúa Bạch Tuyết”. Các bé không hề biết để có một chiếc mũ như vậy, ba mẹ phải mất cả trăm ngàn (bằng mũ người lớn!)

Cũng thích mũ bảo hiểm như các bé con, là các anh chị sinh viên trường Mỹ Thuật, trường Kiến Trúc. Với họ, mũ là nơi để phóng cọ phối màu thể hiện ý tưởng riêng tư, là nơi gửi thông điệp yêu đương tới “một nửa kia”. Mai, cô gái kẻ viết bài tình cờ gặp trong khi shopping là người như vậy. Chỉ hình vẽ đàn kiến trắng trên chiếc nón bảo hiểm đỏ rất hợp với gương mặt trẻ đẹp của mình, cô nàng giải thích: “kiến là Đại học Kiến Trúc. Ba con kiến là năm thứ ba. Còn con kiến lớn nhất đứng giương râu oai vệ là kiến… đang theo em”. Mai kể trường Kiến Trúc có club “Họa sĩ trẻ” rất tài hoa. “Kiến si tình” của cô có chân trong club này. Anh chàng đang “phất” nhờ vẽ mũ cho bọn choai choai thích chơi hàng độc. Một ngày túc tắc vẽ hoa lá, cỏ cây, chạy chữ  I love you kiểu cọ chừng vài tiếng đồng hồ, “kiến si tình” cũng rủng rỉnh vài trăm ngàn trong túi. Làm chơi ăn thật như vậy, kiến ta thiếu điều thắp hương cầu cho nón bảo hiểm sống muôn năm.
 

Trẻ em thích đội nón bảo hiểm

Không chỉ trẻ em, dân vẽ nón, biểu diễn thời trang nón, làm nón, bán nón…mới yêu nón, mà đặc biệt, còn hạng người khác, cũng thích nón bảo hiểm vô cùng. Đó là bọn đầu trộm đuôi cướp đang bị săn đuổi. Nói về bọn giấu mặt này, anh T- công an quận Phú Nhuận- bảo “Tròng cái nón bảo hiểm, đeo kính râm, thêm khẩu trang vào thì ai cũng như nhau. Nhận diện tội phạm trong hoàn cảnh này là khó.

Không phải là tội phạm, nhưng ca sĩ  X trẻ đẹp, ngôi sao Y đang bị tai tiếng, nhà thơ Z lắm “đào” mỗi khi muốn vi hành xuống phố đều nhờ nón bảo hiểm để được an thân, khỏi bị cánh phóng viên hay người ái mộ nhận diện. Cả những đôi tình nhân “ngoài luồng” cũng thế. Để chồng / vợ con cái ở nhà, thác cớ “đi đằng này có việc”. Ra khỏi nhà là phóng vù tới nơi hẹn hò. Chiếc mũ bảo hiểm trên đầu. Thêm kính râm, khẩu trang. Trời cũng không biết đó là ai!

Mỗi chiếc nón bảo hiểm “chất lượng cao” trung bình có giá chừng 10 đôla. Thành phố Sài Gòn tám triệu người, tạm cho hai triệu người mua mũ bảo hiểm. Mười đôla nhân với hai triệu, cũng được một con số khổng lồ- đặc biệt với một nước còn nghèo như Việt nam. Nhưng các độc giả khoan vội xuýt xoa vì khoản tiền quá lớn này. “Người nhà nước” chả ai tốn tiền mua cả. Cán bộ, công nhân các công ty xí nghiệp tư (loại khá giả) cũng không, chỉ phó thường dân mới độc quyền…tốn kém.

 Phó thường dân Nỗ, hành nghề xe ôm trước chợ  Sài Gòn nói “bọn này đã nghèo, còn phải chơi sang, “làm” một lúc hai cái nón bảo hiểm loại tốt. Cái mình đội, cái để khách ngồi sau đội. Có vậy mới chở yên thân, khách không có nón, bị công an vời lại mình cũng khổ lây. Không đợi tới hạn 15 tháng 12 là ngày toàn dân phải đội nón bảo hiểm khi đang giao thông, ngay từ bây giờ cánh xe ôm đã lật đật mua nón cả rồi”. Vui miệng anh Nỗ kể chuyện chở khách Tây: “Leo lên phía sau xe, mình đưa nón, Tây nó ôkê liền. Không như người Việt mình. Nhiều khách cầm nón chứ không đội “vì chưa thấy công an, đội làm chi”.

Cô bạn Marta Garcia, người Tây Ban Nha, đến Việt Nam trong chương trình nghiên cứu di sản văn hóa Hội An cũng gật đầu xác nhận điều anh Nỗ nói. Ở Tây Ban Nha nhiều người nghèo, cuộc sống khó khăn giống Việt Nam, nhưng chuyện ra đường phải đội mũ bảo hiểm, người lớn trẻ con ai cũng chấp hành tự nhiên. Không như đây! Người chạy xe đầu trần lắm quá. Tại sao? Sao họ không đội? Không biết luật hay không sợ chết? Nhưng cô ta đâu biết dân Việt khổ trăm chiều với chiếc nón, chưa kể đi xe máy ngang ngửa với tốc độ xe bò kéo.

Suốt mấy tháng qua, ngoài nước dập dồn bao nhiêu chiến sự khốc liệt đẫm máu, trong nước điên đầu vì nạn kẹt xe, thêm lũ lụt miền Trung tơi bời. Ấy vậy, nhưng chuyện chiếc mũ bảo hiểm vẫn chưa hề mất “tính thời sự” chút nào. Vẫn sôi nổi kẻ yêu người ghét. Tuy đa phần họ là phụ nữ, kẻ ít học nông nổi, ương gàn, nhưng từ  thái độ của họ, các vị “đầy tớ” dân nên nhanh chóng thấy ra những chỉ dấu đáng ngại. Nên chăng coi lại chỉ thị về mũ bảo hiểm của mình- cùng hàng loạt chính sách tương tự dạo gần đây về an toàn thực phẩm, trật tự giao thông, giải tỏa đền bù đất….Đừng để tất cả bị hóa thành… văn tế sống trước khi quá muộn.

XH