Cuộc khởi nghiệp bất đắc dĩ
Đến xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), hỏi thăm đường đến nhà anh Nguyễn Xuân Phong, ai cũng mau mắn chỉ dẫn: “Nhà tỷ phú khoai mì hả? Hắn ở cạnh hồ bơi, ấp Vĩnh Tuy”. Cơ ngơi của tỷ phú, chỉ mái nhà tôle đơn sơ trước vườn cao su, bên cạnh là xưởng xay bột khoai mì và mấy chiếc máy cày chảo. Khá điềm đạm ở tuổi 40. Phong kể, sau 30.4.1975 gia đình anh đến vùng đất Nhơn Trạch còn hoang vu theo diện kinh tế mới tự túc sau khi cộng sản xâm chiếm miền Nam. Với số vốn còn lại tích góp thời trước, bố con anh sắm hai chiếc máy cày chảo, bạt rừng khẩn hoang được khoảng 6 ha. Khi anh lập gia đình năm 1988. Ba anh chia cho một chiếc máy để làm vốn sinh sống. Lúc nghề trồng khoai mì chưa “lên”, hết bạt rừng khẩn hoang cho dân trong vùng Đồng Nai, Tây Ninh, anh còn sang tận Campuchia đi kéo cây rừng.
Năm 1990, nghề trồng khoai mì bắt đầu phất lên, Phong quay trở về quê Nhơn Trạch, chuyên cày đất thuê. Vừa làm đất, anh và vợ vừa nhận chăm sóc những thửa vườn trồng điều, của các chủ đất mới tạo lập. Bên dưới liếp trống, họ cho anh trồng mì. Cứ thế mỗi năm anh nhận giữ cỏ chăm sóc điều, để có đất trồng mì từ 3 – 10 ha. Một ha mì thời đó cho khoản sinh lợi hằng năm 7 – 8 chỉ vàng. Vậy là họ sắm đất, 4 ha ban đầu Phong mua trong năm 1991 chỉ có 4 chỉ vàng. Anh quyết định trồng cây cao su. Cứ thế nâng dần lên đến năm 1994, vợ chồng anh đã tậu được tổng cộng 8,5 ha đất trồng chuyên cây cao su. Lúc cao su còn nhỏ họ cũng không bỏ đất trống, trồng khoai mì để phủ xanh, giữ cho cỏ hoang không mọc lấn.
Trở thành “trùm” khoai
Thấy nhiều chủ đất – mua rồi bỏ hoang, Phong dò hỏi và ký hợp đồng thuê với giá rẻ. Khoai mì đạt trung bình 25 tấn/ha, mỗi năm vợ chồng anh thu lãi hơn 4 triệu đồng/ha đất trồng mì. Từ năm 1998, diện tích đất thuê trồng mì của anh Phong không dừng lại ở con số 10 – 15 ha, nay lên đến 50 ha. Ngoài sản lượng mì trên 1.200 tấn do anh làm ra, anh còn mua thêm một khối lượng lớn khoai của bà con trong vùng, để làm ra bột mì cung cấp cho công ty Vedan.
Có thể nói, từ tay trắng với chiếc máy cày ngày đầu khởi nghiệp, đến nay Phong đã có trong tay một tài sản gần nửa triệu đô. Từ khoai mì, xưởng chế biến bột và đội xe cày thuê, thu lãi gộp chung khoảng 800 triệu đồng VN. Mỗi năm Phong lãi 1,2 tỷ đồng từ nghề nông chính hiệu.
Được mệnh danh là tỷ phú trong vùng, nhưng Phong vẫn sống quen cảnh cơ hàn của ngày nào: tằn tiện, không ăn chơi rượu chè, bài bạc
mà chí thú làm ăn. Điều vợ chồng anh mê nhất, vẫn luôn là đất. Bởi chính đất đã giúp họ tạo lập nên của cải, nâng dần khoản sinh lợi theo từng năm, từ công sức lao động của chính mình.