Ngôi chợ không nhà lồng
Gọi là chợ, nhưng cảnh mua bán chỉ diễn ra vài giờ đồng hồ mỗi ngày. Chợ lại không có nhà lồng, không có Ban quản lý dù luôn tấp nập người mua kẻ bán. Lá gòn được các cơ sở chế biến bột lá mua nhanh chóng. Từng chạt gòn xum xuê trong nháy mắt đã được róc lá, chở đi phơi. Phải mất đến 3 – 4 ngày sau, mới có thể xay bột.
Ở khóm 4, khóm 8 và xã Thành Lợi, hiện có 5 cơ sở chế biến bột, mua khoảng 15.000 kg lá gòn/tháng. Gia đình bà Hai Ớt cho biết cứ 3.500 kg lá tươi được 1.000 kg lá khô. Nơi nào muốn đủ nguyên liệu để hoạt động ổn định, phải có ít nhất từ 5 – 7 mối ruột.

Cây lá gòn
Bà Hai than thở khổ sở nhất đó là chuyện phơi lá vào mùa mưa. Đôi khi gặp mưa bão, nhiều lô lá bị thối nhũn, phải bỏ đi – xem như mất vốn. Bà nhớ có lần sau một tuần mưa bão dập năm 2004, cơ sở phải đổ đi gần 1.000 kg lá. Nhà máy xay bột của ông Tư Khôi lớn hơn nên đầu tư máy sấy, sân phơi, tiêu thụ trung bình 3.000 kg lá mỗi ngày. Tại thị trấn Cái Vồn, hơn chục gia đình chuyên nghề se nhang, tiêu thụ khoảng 10% bột sản xuất tại địa phương. Các cơ sở làm nhang khác ở Cần Thơ, Châu Đốc, Sóc Trăng tiêu thụ khoảng 20% nữa. Lượng bột còn lại, bán cho dân nuôi cá da trơn vùng Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp
Anh Đàm Hồng Quân, chủ một nhà máy xay bột gòn, cho biết gia đình anh có ba đời làm nhang, trước thường dùng những loại lá vườn như dâm bụt Gần đây họ chọn lá gòn, vì dễ kết dính.
Săn lá gòn
Từ sáng sớm đến ba giờ chiều nhóm của anh Ba Vững đã có ba ghe đầy ắp lá gòn. Họ cho biết hết lênh đênh hai bên bờ sông Hậu, len lỏi vào các con rạch sâu miệt Trà Ôn, Mang Thích (Vĩnh Long), Cao Lãnh (Đồng Tháp). Mùa mưa lá gòn còn non, nên lượng lá mua về giảm, giá bán cũng giảm vì ít bột. Làm ăn ngon nhất là vào cuối mùa mưa khi gòn già lá, chuẩn bị ra hoa kết trái.
Tại nhiều nơi thuộc huyện Bình Minh, Vĩnh Long, chúng tôi có dịp đi qua, thường thấy những tán gòn xum xuê, nông dân dưỡng đợi đến khi lá già để bán. Thường cây gòn được trồng tạo bóng mát trước sân nhà, trồng ven sông, ở một góc ranh vườn Lá gòn tươi chỉ khoảng 450 – 500 đồng/kg, những cây có tán để đúng độ già, bán được hàng trăm nghìn. Sau khi cắt lá xong, tán gòn tiếp tục phát triển lại chờ mùa sau, mà không cần phải bón phân chăm sóc
Theo chân đội quân săn lá gòn, vào ngày mưa tầm tã, tôi mới hiểu nỗi nhọc nhằn của người làm nghề. Khi chiếc ghe tấp vào khu vườn hoang hóa ven sông Hậu, Ái – một “thợ săn” đã bị bầy ong lá “tặng” cho mấy vết. Đây cũng là một ngày được xem “thất bát” nhất của bọn săn lá gòn, vì toàn những đám lá bị bọ cánh cứng (bù xè) ăn trụi. Cả nhóm quyết định ngày mai sẽ chuyển vùng xa hơn, hy vọng tìm được nhiều lá. Công việc của họ để có khoản thu chừng 50.000/người/ngày (khoảng 3 đô la), thật không dễ nuốt chút nào.

Chợ khoai tây