Muôn mặt vỉa hè
Xin độc giả đừng tưởng chỗ nào có đường, chỗ đó ắt có vỉa hè. Vì trong thực tế, nhiều con đường Sài Gòn chỉ có lòng đường và lề đường, chứ không có vỉa hè – hiểu theo nghĩa là khoảng đất dọc theo hai bên đường, được tôn cao lên, lót gạch phẳng phiu, khá rộng rãi, đủ cho khách bộ hành đi lại thoải mái. Tương tự, cũng xin cảnh giác độc giả, đừng miệt thị một ai đó có vẻ lông bông bất hảo là “đồ rác rưởi vỉa hè. Thậm chí nghe vài ông bà viết văn làm thơ tự nhận là “nhà văn vỉa hè cũng chớ nghĩ họ bơ vơ không nhà cửa. Khái niệm “vỉa hè, “dân vỉa hè ở Sài Gòn bây giờ khác ngày xưa lắm.

Một ngày của vỉa hè Sài Gòn thường bắt đầu từ hai ba giờ sáng. Những chợ nông sản đầu mối ở Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đèn đuốc sáng choang, kẻ mua người bán đông vui. Gần như toàn mối lái quen thuộc. Việc cân đong, thanh toán tiền, gọi xe chuyên chở…vì vậy rất chóng vánh. Từ chợ đầu mối, rau cỏ, cá tôm, trái cây được chuyển về nội thành. Rồi sau đó mới phân phối lại cho bạn hàng khắp nơi. Chợ Bến Thành, Bà Chiểu, Hòa Bình, Tân Định, Phạm văn Hai…tầm ba bốn giờ sáng chưa có cảnh sát, người mua kẻ bán tha hồ lấy vỉa hè làm nơi trung chuyển hàng hóa các loại. Ồn ào, chộn rộn chừng một tiếng đồng hồ.
Khi mặt trời chiếu những tia sáng yếu ớt đầu tiên xuống đường phố, những vỉa hè mới đó còn ngổn ngang rau thịt, thoắt chốc đã đầy hàng quà sáng. Sài Gòn đặc biệt đáng yêu vào những giờ khắc này. Một vẻ thong dong, thảnh thơi tóat ra từ những bàn ghế cà phê đơn sơ đầu hẻm. Xe cộ chưa đông đúc. Trời đất còn dịu mát, sạch sẽ. Chỉ với vài ngàn đồng, học sinh, công nhân có thể nạp năng lượng tối thiểu cho bao tử trước khi bắt đầu một ngày. So với Hà Nội, quà sáng Sài Gòn không phong phú bằng. Quanh quẩn chỉ xôi, bánh mì, bánh cuốn, phở, hủ tiếu, bánh canh…Sự chế biến cũng ít ly kỳ rùng rợn hơn.
Ông bà Tư bán xôi trước nhà thờ Tân Định hơn chục năm, “chuyên trị xôi Tứ Xuyên, xôi đậu đen, đậu phụng, xôi bắp cho biết mỗi ngày “đánh” gọn hai chục ký nếp. Từ năm giờ tới bảy giờ sáng bán không hở tay. Mạn nhà thờ Ba Chuông, đại học Khoa học và Nhân văn, mấy gánh mì xào, khoai luộc cũng làm chơi ăn thiệt. Khách hàng toàn giới sinh viên, thợ thuyền dễ tính sẵn sàng “bệt” luôn xuống vỉa hè nhai khoai sắn, ực cà phê đen ngon lành. Dài theo xưởng đóng tàu Ba Son, qua cầu Tân Thuận, Nhà Bè là những quán cơm tấm, hủ tiếu khách đông như đi ăn cưới. Thành lệ, khách vào quán lau đũa thìa bằng khăn giấy xong vứt luôn xuống đất. Chủ quán không hề quét dọn. Muốn đánh giá phẩm lượng quán ăn, người đi đường có thể căn cứ vào mớ khăn giấy nhiều hay ít trên vỉa hè để xếp lọai.
Nắng lên, thành phố bắt đầu hối hả vòng quay một ngày. Vỉa hè đông dần những chợ tự phát. Đặc biệt ở những góc đường gần khu dân cư. Các bà nội trợ xúm xít quanh những tấm nilon bày đầy rau tươi, trái cây, thịt cá, đồ gia dụng. Ưu điểm của lọai chợ mini này là tiện lợi, không đắt, lại được phục vụ nhanh chóng. Nhưng cảnh sát bảo tụ tập vậy là cản trở lưu thông, mất mỹ quan đô thị. Phải cấm! “Ba đời Chủ tịch phường 4 trước đây đã phải thua cái chợ đầu xóm này, không biết đời ông Chủ tịch mới lên dẹp nổi không”, một bác lớn tuổi nhìn tấm băng rôn treo tổ bố với nội dung cấm tụ tập căng ngay khu vực tuần trước còn sầm uất bán buôn “cảm thán” như vậy. Cánh đàn bà không thèm cảm thán gì hết. Họ có cách “chống càn” riêng. Tám giờ cảnh sát đi “ruồng bố thì chợ đã kịp giải tán trước đó nửa giờ. Anh V. cảnh sát khu vực rất cay cú, nhưng chưa lần nào “vồ được những mụ bán rau bán cá chạy nhanh như dân ma- ra- tông thứ thiệt.

Mười một mười hai giờ trưa, vỉa hè hết bị hàng quán chiếm dụng thì lại trở thành đường cho xe gắn máy các loại lưu thông. Giới trẻ ban đầu hơi áy náy khi leo chạy trên lề. Sau quen. Cứ đèn đỏ, kẹt xe là tự nhiên lái luôn lên vỉa hè, bất chấp người đi bộ hay hàng hóa bày lỉnh kỉnh trên đó. Đứng trên cao ốc nhìn xuống con đường Lê Quang Định, Nguyễn Kiệm, Điện Biên Phủ, Cao Thắng…vào giờ tan sở, thấy vỉa hè chìm lỉm dưới dòng chảy như thác lũ của xe cộ. Kể cũng là cảnh hay mắt! Chả trách nhiều khách du lịch Đông – Tây rất “kết” vỉa hè Sài Gòn. Góc đường nào cũng thấy các “ông tây bà đầm” háo hức “chộp” hình anh bán châu chấu bằng lá dừa, bà cụ ăn xin, hay cô họa sĩ vẽ truyền thần, ông lão ngồi xe lăn bán vé số, mấy chị ve chai lúi húi phơi bọc nilon…
Ban đêm, thành phố Sài Gòn bày ra bộ mặt khác hẳn. Dọc “đường nhậu” Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Thi Sách, Phan Xích Long là những làng nướng, phố ẩm thực, phố đi bộ họat động tưng bừng rôm rả. Xe cộ đậu kín vỉa hè. Chỗ nào cũng bàn nhậu vui vẻ ngả ra, khói thịt nướng chen lẫn tiếng hô hào hứng nhịp nhàng một, hai, ba, dô! của các nghệ sĩ, doanh nhân, nhà báo, dân chơi đêm. Chỉ riêng khu “cờ tây” chợ Ông Tạ là kém hẳn “khí thế. Cả “đặc khu” bún riêu, bún măng, bún ốc đường Trần Huy Liệu và vành đai sân bay Tân Sơn Nhất cũng ỉu xìu hiu hắt. Chung qui vì thiếu…mắm tôm quốc hồn quốc túy. “Chả biết dịch tả (ở Việt Nam gọi là tiêu chảy cấp) ở miền Bắc dính líu thế nào với mắm tôm, mà mắm tôm bị cấm bán gay gắt. Người trong Nam cũng đâm ra sợ bóng sợ gió, tẩy chay mắm tôm. Thịt chó, các loại bún có nước lèo đều phải kèm mắm tôm mới đúng điệu. Bây giờ không có mắm tôm, doanh thu sụt hết quá nửa”. Một chủ tiệm thịt chó bảy món trên đường Ông Tạ đã than như vậy.

“Làm” không được
Mỏi mệt với việc dẹp loạn vỉa hè hàng ngày, dân phòng và cảnh sát phường xã cho biết nói bó tay, chịu thua cũng không hẳn, nhưng đúng như là vậy. Anh L, công tác lâu năm ở quận T.B thở dài. Anh phân trần: “Thành phố có 24 quận, huyện. Mỗi dịp lễ tết mới đồng loạt “tém dẹp”.Còn ngày thường ít khi phối hợp. Mạnh ai nấy lo. Mới có chuyện phường A làm tới nơi tới chốn nhưng phường B lại tà tà. Dân vỉa hè bị bên A truy đuổi, chạy sang B tiếp tục buôn bán tỉnh bơ. Nói lý thuyết vậy, song trên thực tế, chẳng ai muốn truy quét dân vỉa hè lương thiện. Thứ nhất không đủ lực lượng. Thứ hai toàn người quen trong xóm, lại nghèo, dầm mưa dãi nắng cả ngày cực khổ. Dân nhập cư càng tội nghiệp. Từ quê lên thành phố kiếm ăn. Nhiều người khuya về ngủ luôn trên xe ba gác hay gối lên gánh hàng rong.
Anh L. ngập ngừng nói tiếp nạn vỉa hè còn tồn tại một phần do người buôn bán biết cách “chạy thuốc”. Ví dụ, dân vỉa hè quận 1, quận 5, quận 3 làm kho bãi, chỗ mua bán, giữ xe…không bị ai “hỏi thăm sức khỏe” trong khi bà nọ chỉ “lỡ dại” đậu một gánh chè xuống vỉa hè là công an, dân phòng đuổi chạy có cờ.
Vỉa hè! Khuya là thế giới chợ đêm. Tảng sáng là cà phê, điểm tâm. Giờ tan sở hóa thành đường. Tối thành chỗ giữ xe, quán nhậu lộ thiên. Khuya thì tùy – “khách sạn ngàn sao” hay bãi rác – đều được.
Xét cho cùng vỉa hè chính là tâm hồn lộn trái của thành phố. Mọi cảnh đời buồn vui sướng khổ, mọi ảo ảnh cuồng điên hão huyền nhất đều có thể tìm thấy ở vỉa hè. Bước đi của lịch sử mọi thời, đều phải dẫm trên vỉa hè trước khi đi vào trang sách. Và tâm hồn người Sài Gòn xa xứ chắc cũng thế, cũng ít nhiều in bóng trên tán lá, tia nắng vỉa hè thân quen nào đó, trước khi phiêu bạt góc biển chân trời.
Vỉa hè! Đành rằng phải xếp sắp lại cho mỹ thuật, gọn gàng, phù hợp với bước phát triển của đô thị lớn nhất nước. Nhưng không thể nào dẹp, càng không thể đàn áp, cấm đoán bằng văn bản lạnh lùng, vô cảm, thiếu tính khả thi. Trừ phi chơi trò bắt cóc bỏ dĩa!