Hình thành làng vải vụn
Theo các trưởng lão địa phương, xóm vải vụn này thành hình từ năm 1998. Ban đầu chỉ vài ba người từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tiền Giang đi mua rồi về đổ vải vụn nhờ trước vỉa hè các nhà trong khu để phơi và phân loại rồi đem bán cho các tiệm sửa, rửa xe honda trong thành phố. Dần dần kiếm sống cũng được, những người này thuê mướn nhà để mở mang thêm và lập thành “làng vải vụn”.
Anh Trần Hoàng Dũng quê Tiền Giang cho biết: “Việc khó nhất khi mở cửa hàng kinh doanh vải vụn là tìm được nguồn hàng phế phẩm từ các công ty may. Nhu cầu về vải vụn hiện nay khá hút, nhưng nguồn cung ứng lại khó khăn, nhất là đối với người mới vào nghề.
Anh nói thêm, để có được những lô vải vụn đẹp, đôi khi phải nhờ đến các “cò môi giới. Tuy nhiên, những lô hàng như vậy bị đội giá cao nên không có lời, chỉ khi nào cần gấp lắm mới nhờ “cò, còn thường thì chỉ lấy công làm lời.
Người viết gặp chị Ngọc Lan, chủ một cửa hàng vải vụn. Trong một căn phòng rộng chừng 30 m2, có 5 người đang ngồi lựa chung quanh một đống vải vụn như núi đổ ngổn ngang trên sàn. Chung quanh là những bao vải xếp chồng lên nhau cao đến nóc nhà.
Chị Lan cho biết: “Phân loại các thứ riêng ra là đã mệt lắm rồi. Tôi mua vải vụn từ các công ty rồi phân ra làm nhiều loại kích cỡ khác nhau bán lại cho những người làm giẻ lau, thảm lau hoặc xay tơi ra dồn vào thú nhồi bông…Riêng những tấm có kích cỡ lớn nhiều màu sắc sẽ để lại bán ký lô, cho những cơ sở may quần áo trẻ em, may nón và khẩu trang…”.
Người làm vải vụn thường phân loại theo kích cỡ và chất liệu.Nhiều lúc gặp may, mua được bao vải có giá trị, gồm vải Kate hay Cotton to bản có thể bán được vài chục ngàn một ký. Có lúc phải dở khóc dở cười vớ phải bao vải có quá nhiều “tạp phẩm” như giấy vụn, carton, nylon… Gặp phải trường hợp như thế chỉ còn nước đổ vào sọt rác.
Giao hàng
Vốn ít lời nhiều
Muốn mở cửa hàng kinh doanh vải vụn không cần nhiều vốn, từ 10-20 triệu là được. Đôi khi chỉ 500 ngàn đồng cũng đủ. Những người quê ở tỉnh thường mướn nguyên căn nhà nhỏ độ 20-30 m2 vừa để ở vừa mua bán. Cửa hàng kinh doanh nào muốn giới thiệu thì treo thêm tấm bảng như: Sơ-Vải vụn, Trung Trấn chuyên vải vụn, Hồng Trang mua bán vải vụn các loại…Thậm chí có cửa hiệu không hề cần bảng hiệu mà giữ nguyên bảng của chủ kinh doanh vàng, may mặc, hớt tóc trước kia…
Chị Cẩm Hồng (Quảng Ngãi), làm nghề này đã 7 năm nay cho biết: “Ba đứa con còn nhỏ của tôi ở lại ngoài quê với cha chúng để đi học. Ngoài ấy còn 3 công ruộng và căn nhà thờ ông bà nên phải gìn giữ.” Để có vốn vào đây mở cửa hàng mua bán vải vụn, hai vợ chồng chị đã bán hết hai công ruộng của ông bà. Làm lụng miệt mài cộng với sự tằn tiện, chị gởi về quê được chút đỉnh để giúp chồng trang trải các chi phí. Còn hơn ở quê làm ruộng “đầu tắt mặt tối” mà chẳng thấy dư đồng nào. Nhớ con, nhớ chồng lắm nhưng phải chịu, hai ba năm mới dám về thăm nhà một lần, chứ năm nào cũng về thì chỉ có nước cụt vốn làm ăn…”
Chị Hồng tuổi ngoài 30 nhưng trông già hơn tuổi, cho biết thêm, nhiều khi quá mệt mỏi, muốn thuê mướn thêm vài ba người phụ nhưng không chịu nổi chi phí.
Ở một cửa hiệu không tên tuổi khác, hỏi thăm hai cụ già đang ngồi lựa vải thì được biết, con của các cụ là chủ cửa hiệu đã chạy đi mua vải vụn ở xí nghiệp may. Hai cụ phải giữ nhà và lọ mọ lựa vải giúp con.
Anh Hui, chủ cửa hàng kế bên kể mấy năm trở lại đây thị trường vải vụn trở nên nhộn nhịp, nhờ các thương lái Trung Quốc sang săn lùng mua các loại vải vụn nguyên chất cotton với giá cao. Mỗi ngày những cửa hàng ở đây bán được từ 100 đến 150 ký cho các thương lái này. Chính vì thế con đường Phú Thọ Hòa này trở nên đông vui hơn.
Nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp
Nguy cơ sức khỏe
Làm công việc này có nguy cơ bệnh phổi vì bụi. Nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp ở đây cao hơn cả chục lần các nơi khác. Trong đó bệnh phổi nhiễm bụi xơ vải là khó điều trị hơn cả. Thế nhưng người ta vẫn phải làm. Hỏi một anh làm ở đây có bao giờ đi khám phổi định kỳ không, anh lắc đầu nói: “Nhiều lúc thấy tức ngực, khó thở, mắt nhìn đồ vật bị mờ…nhưng tiền đâu mà đi khám, nói chi đến khám định kỳ. Thôi, khi nào đau nặng hẵng hay.”
Ngoài ra còn một số bệnh liên quan cột sống, thần kinh tọa, thị lực giảm…cũng là những thứ đe dọa mà ai cũng biết. Một người thú nhận: “Tụi tôi hiểu rõ bệnh tật hết đấy, nhưng biết làm sao được vì tiền kiếm chỉ đủ sống mà thôi.”