Cách đây hơn 50 năm, tại bến đò ở vườn hoa Lạc Hồng, đã có món hủ tiếu đặc sản. Hồi đó khách đi đò máy từ miệt Bình Đại, cồn Tàu (Bến Tre), cồn Cả Thu (Gò Công), Cái Bè, Cai Lậy mỗi khi đò cặp bến, cạnh nhà ga xe lửa Mỹ Tho đi Sài Gòn, việc đầu tiên là sáp vô quán, “quất” một tô hủ tiếu cho thiệt đã cái bụng, sau đó mới tính chuyện mua bán.

Một quán hủ tiếu Mỹ Tho bình dân
Người Mỹ Tho đi xa, thường kháo nhau: “Vì sao chỉ có hủ tiếu Mỹ Tho mới được truyền tụng và hấp dẫn ?”.Thứ nước lèo nấu toàn bằng xương heo (xí quách), lại thêm tôm khô, mực tươi, gia vị tiêu, hành cay xè mà ngọt lịm cùng với cọng hủ tiếu dai dai. Một tô hủ tiếu Mỹ Tho chính hiệu thời đó, có đầy đủ gan, tim, xương heo, mực và một con tôm lóng tách vỏ đỏ au. Rau sống ăn với hủ tiếu có đủ loại, nhưng không thể thiếu cần tàu, quế thơm, cải xà lách và giá trụng, kèm theo miếng chanh giấy, ba lát ớt sừng xắt mỏng
“Hủ tiếu Mỹ Tho bây giờ đã mất “zin” rồi, đi đâu cũng gặp. Mỗi người mỗi kiểu. Có nơi chỉ vài ba lát thịt, cọng hủ tiếu bở rệt, nước lèo bằng đường hoá học, vẫn đề bảng hiệu Hủ Tiếu Mỹ Tho chính hiệu” – Ông Cao Nguyên Anh một người cao tuổi sống tại đất Mỹ Tho, giọng buồn buồn: “Thật ra trên miền đất Nam bộ này, nơi nào cũng có hủ tiếu. Song ngày xưa, món hủ tiếu ngon nhất chỉ có trên đất Mỹ Tho mà thôi. Bởi đây là nơi xuất xứ của nghề làm bánh hủ tiếu (bột phơi khô xắt thành cọng) đầu tiên. Nó ngon nhờ loại gạo dẻo, thơm. Và cũng càn cả kinh nghiệm.
Theo thời gian, món hủ tiếu xuất phát từ vài quán ăn nơi phố thị, đi sâu vào các vùng nông thôn. Có thể nói bây giờ khắp các hẻm hóc, đường thôn, chợ quê, chợ huyện đều có món hủ tiếu bày bán. Để tìm ra quán hủ tiếu ngon, đúng khẩu vị ngay tại đất Mỹ Tho hôm nay, chỉ còn có nước đoán mò, thấy quán nào đông vui là “xáp” vào.
Chúng tôi tìm gặp bà Bảy Sẩm tại thị trấn Chợ Gạo (Tiền Giang). Bà ở trong nghề sản xuất bánh hủ tiếu gần 60 năm.
Bà Bảy Sẩm kể năm 17 tuổi bà đã đi làm công, học nghề tại lò Hai Nhất nổi tiếng ở Mỹ Tho. Tám năm sau, bà về quê mở lò đến tận bây giờ. Ngày xưa toàn thủ công, phơi bánh chỉ trông nhờ thời tiết. Hiện nay, có thiết bị máy móc trợ giúp, nên công việc dễ dàng hơn.
Tại một quán hủ tiếu
Bà cho biết: làm bánh hủ tiếu nói thì dễ, nhưng bí quyết để làm ra cọng hủ tiếu ngon, thật ra không đơn giản.
Gần đây, thành phố Mỹ Tho quyết định sẽ đưa loại đặc sản hủ tiếu Mỹ Tho trở thành thương hiệu hàng hoá, bằng cách, đóng gói hủ tiếu ăn nhanh, cùng tham gia thị trường mì gói, cháo, phở, miến ăn liền. Làm cách nào để sản phẩm hủ tiếu Mỹ Tho ăn liền có hạn sử dụng lâu, hương vị đậm đà, có đủ mực khô, ngò tây, thịt heo xắt lát sấy khô ?
Hy vọng một ngày không xa, sản phẩm sẽ đáp ứng nhu cầu thực khách.