Menu Close

Cổng xứ Huế

Ngọ Môn chỉ là một trong số vô vàn những chiếc cổng (còn gọi là cửa) của xứ Huế cổ kính. Có lẽ không nơi nào trên đất Việt Nam này sánh được với Huế về sự phong phú, đa dạng của các loại cửa cổng: cửa ải, cửa kinh thành, cửa hoàng cung, biệt cung, cửa vườn thượng uyển, cửa phủ đệ, cửa dinh thự quan lại, cửa đình, chùa, miếu… với đủ hình dáng, kiểu thức kiến trúc – từ quan ải, tam quan, khuyết môn, dịch môn, tới lâu môn, nguyệt môn, phường môn… Âu cũng là điều dễ hiểu, bởi Huế là cố đô cuối cùng và duy nhất của Việt Nam vẫn còn giữ được diện mạo của một kinh đô thời vua chúa. Hơn nữa, về lịch sử kiến trúc Huế chính là một ví dụ điển hình cho một sự chuyển biến, tích hợp uyển chuyển của một đô thị kinh đô thời Trung đại qua Cận đại đến Hiện tại.

Cổng Ngọ Môn

Muốn vào kinh đô Huế bằng đường thiên lý, nếu từ phía Bắc người xưa phải vượt qua Hoành Sơn Quan, sừng sững trên đèo Ngang; còn nếu từ phía Nam lại phải vượt qua Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan trên đỉnh Hải Vân. Đây chính là chiếc cửa đáng chú ý nhất trên đường thiên lý xưa của người Việt; cả hai đều được vua Minh Mạng cho khắc hình tượng vào cửu đỉnh đặt trên sân Thế miếu.

 

Cổng vào một nhà vườn Huế

Nhưng phải vào giữa thành phố Huế mới thấy hết sự đa dạng của các loại cổng, cửa!

Trước hết là 10 chiếc cổng kinh thành, cao hơn 17m, vượt lên hẳn độ cao của vòng trường thành uy nghi cao hơn 6m và dài đến 10,000m. Cửa thành và tường thành là một sự kết hợp tuyệt vời giữa phong cách kiến trúc thành Việt Nam truyền thống với kiến trúc quân sự của châu Âu thời Trung đại-kiểu kiến trúc thành Vauban do người Pháp du nhập vào. Sự kết hợp khéo đến nỗi ta khó bề tách hẳn chúng ra, cái nào là của ta cái nào là của người.

Rồi Ngọ Môn, chiếc cửa chính của Hoàng thành Huế với bình diện hình chữ U như một vòng tay đón khách. Dù nhìn từ chính diện hay một bên, Ngọ Môn vẫn có vẻ đồ sộ như một tòa lâu đài. Có lẽ những ai từng đến thăm Cố cung Bắc Kinh, từng ngắm nhìn Ngọ môn chính-cửa chính của Tử Cấm Thành Trung Hoa thì mới thấy hết vẻ diễm lệ của Ngọ môn Huế. Nổi bật giữa bóng cây xanh, hoa cỏ và mặt nước, Ngọ môn Huế luôn gợi cho người ta một cảm giác thư thái và yên bình. Có lẽ vì thế mà thật tự nhiên, hình ảnh chiếc cửa này đã trở thành biểu tượng cho xứ Huế.

Bước ra khỏi Ngọ môn, tản bộ trong lãnh địa của Hoàng thành, rồi Tử Cấm thành ta sẽ có được cái cảm giác ngạc nhiên, thích thú khi ngắm nhìn các cổng, cửa với đủ loại hình.

Hai phường môn đúc bằng đồng đặt ở hai đầu cầu Trung Đạo trông đơn giản mà tinh tế. Kiểu phường môn này ta có thấy ở lăng Minh Mạng và lăng Thiệu Trị. Tuy cùng kiểu “giá chiêng” như các phường môn làm bằng đá ở phía trước phần tẩm thờ lăng Thiệu Trị, hay đắp vôi vữa như các cửa Nhật Tinh, Nguyệt Anh sau lưng điện Thái hòa, nhưng các phường môn đúc bằng đồng luôn có một vẻ thanh mảnh, rất cuốn hút.

Các kiểu tam quan hay nguyệt môn xây gạch và đắp vữa trang trí của các miếu thờ trong Hoàng thành như Triệu miếu, Thái miếu, Thế miếu, Hưng miếu kể cả các biệt cung như cung Diên Thọ, cung Trường Sanh… lại có vẻ mộc mạc và gần gũi với kiểu cổng làng của các đình chùa vùng đồng bằng Bắc bộ.

Trái lại, các tam quan có môn lâu làm bằng gỗ, dù đồ sộ như Đại Cung môn (cửa chính của Tử Cấm thành), hay thanh mảnh như các cửa Sùng Công, Tuấn Liệt (cửa bên của Hiển Lâm các) đều được xây rất công phu, tỉ mỉ. Những chiếc tam quan gỗ tại lăng các vua Nguyễn như cửa Hiển Đức (lăng Minh Mạng), cửa Hồng Trạch (lăng Thiệu Trị) cửa Khiêm Cung (lăng Tự Đức)… cũng thuộc dạng thức này, tuy có kém một chút về mức độ trang trí.

Nhưng điều đáng nói là dù về hình thức có vẻ như đối nghịch như các loại hình cửa, cổng trên khi đặt bên nhau lại rất hòa hợp và dường như chúng bổ sung cho nhau để vẻ đẹp của kiến trúc Huế thêm đa dạng.

Đầu thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp, ông vua mê kiến trúc Khải Định (1916-1925) đã cho ra đời những công trình xây bằng bêtông gắn sành sứ khá độc đáo. Những chiếc cửa được xây theo hình thức này như cửa Hiển Nhơn (cử phía Đông của Hoàng thành), cửa Trường An (cửa chính của cung Trường Sanh), cửa chính cung An Định, … đều là những công trình có giá trị. Có thể người ta chỉ thấy hết những vẻ đẹp lộng lẫy của chúng mỗi khi ánh dương ban mai hoặc hoàng hôn đùa giỡn lung linh trên từng mảnh sứ.

Ngoài các cổng, cửa của kinh thành, hoàng cung, còn phải kể đến vô số các cửa, cổng của phủ đệ, dinh thự, đình chùa, đền miếu, thậm chí là các cửa, cổng nhà bình thường trong dân gian Huế, mà dường như mỗi cái đều có một vẻ đẹp riêng.

Vậy thì mỗi khi đến Huế, xin bạn hãy dừng lại đôi chút trước một cổng, cửa của xứ này!

PTH