Menu Close

Nghề mới ở Đất Mũi

Nghề quàu cua

Đến Đất Mũi, sẽ bắt gặp một nghề rất lạ là quàu (cào) cua. Mới sáng sớm, con kinh Rạch Vàng ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau đã tấp nập xuồng ghe qua lại. Tiếng gọi nhau hòa trong tiếng máy đuôi tôm vang động cả một vùng. Chỉ cần chậm một chút là ngoài bãi bồi đã đông nghẹt người, ai đi trễ sẽ trắng tay. Hành trang gồm vợt và thùng đựng cua, còn người đi quàu thì nam phụ lão ấu, đủ cả.

Ngoài dân địa phương, còn có cả người từ nơi khác trôi dạt đến. Người ta quàu cua giống bán cho các chủ nuôi. Nghề này mới ra đời khoảng 5-6 năm nay khi phong trào nuôi cua biển hồi sinh. Có lúc dân quàu cua thất nghiệp vì người ta đổ xô nuôi tôm. Mấy năm nay, tôm chết nhiều khiến người ta quay lại nuôi cua biển, dân quàu cua lại có việc làm.

Lê Văn Bình, 29 tuổi, dân Đồng Tháp cho biết, em chuyên làm thuê, đến đây cưới được vợ nên ở lại luôn, không đất đai nên kiếm cơm bằng nghề quàu cua. Nghề này phải lội trong bùn nhão từ sáng đến tối cả chục cây số. Ai có quàu cua mới thấu như thế là đau lưng nhức gối lúc đêm về. Người ta quàu cua bất kể nắng mưa, cứ 5 giờ sáng là dân quàu cua phải dậy đi lùng bắt lũ cua con. Khi phong trào nuôi cua mới nổi, giá một con cua lên đến 2,000 đồng, nay chỉ còn phân nửa. Lội bùn từ sáng đến tối, mỗi người kiếm được khoảng 30,000 đồng. Trong khi đó giá cua trên thị trường luôn từ 45,000 đến cả trăm ngàn đồng 1kg. Dân buôn cua có mánh khóa là dùng dây cột cua để cân cho nặng.

Anh Lê Văn Bình cùng gia đình cả thảy 4 người đều đi làm nghề quàu cua ở khu vực rừng mắm này nói rằng, cực chẳng đã mới đi làm nghề này. “Tôi quê gốc Cà Mau, nhưng lại không có đất làm ruộng hoặc nuôi tôm. Mỗi ngày đi bắt cua kiếm tiền mưu sinh. Ở đây cua đẻ nhiều lắm, cứ triều xuống là bọn chúng bò lổn ngổn, chỉ có việc nhanh tay là tóm gọn. Trước đây có ai làm nghề này đâu, nhưng biết làm sao, nhà bốn miệng ăn mà trong tay không có đất, không có lấy một nghề.

 
Nghề bơm bùn, hốt cát

Từ ngày dân đồng bằng sông Cửu Long sắm ghe, mua máy đi… quậy đáy sông bơm cát vào các công trình, có thêm một nghề mới ra đời. Nghề này hễ ai có vốn lớn thì dễ làm ăn hơn. Người vốn ít, chỉ kiếm sống qua ngày bằng việc đi bơm bùn cho người ta lấp đìa, mương để trồng trọt hoa màu.



Bơm bùn, hốt cát

Anh Tư Hạnh, làm nghề bơm bùn cho nhiều người ở huyện Ngọc Hiển hai năm nay kể chuyện với phóng viên trong khi chị vợ đang giữ ống xả bùn sang mương cạnh bên. Người ta đi bơm cát ở sông chớ có mấy ai bơm bùn. Ban đầu anh Hiển chỉ định lấp cái đìa nhỏ trước nhà để nuôi tôm, nhưng lấy đất đâu mà lấp, thấy mấy con mương có nhiều bùn, nên đặt ống bơm thử. Hàng xóm thấy vậy cũng mướn anh làm. Riết rồi thấy “dễ ăn” có thêm vài người làm theo.

Còn ở Rạch Gốc, xã Tân Ân huyện Ngọc Hiển, Cà Mau thì người dân ra bãi bồi hốt cát vô bao vác về bán lại cho mấy nhà thầu xây cất để đắp nền nhà.

Từng đoàn, lũ lượt vác cát từ sáng đến tối. Có gia đình cha mẹ xúc, con vác. Dĩ nhiên, dân vác cát đều thuộc hạng nghèo không nghề, không vốn, không đất và có khi không cả hộ khẩu. Mỗi khối cát được trả 40.000 đồng, muốn có một khối cát phải xúc và vác 25 bao từ bãi bồi vào chợ Rạch Gốc. Sáu Linh, cả nhà gồm vợ chồng và 2 cậu con trai quần từ sáng đến tối được 2 m3 cát.

Cát là của trời cho, nuôi sống hàng trăm gia đình ở Tân Ân. Nhưng trên nền bãi bồi ấy, cây đước, cấy mắm ngày ngày nhú mầm mọc lên, việc lấy cát như thế sẽ dẫn đên việc gây lở bờ sông…

Nhưng biết sao được khi mà mỗi năm có hàng ngàn người đổ xô đến vùng bờ biển Cà Mau mưu sinh. Dân địa phương thì đầy nhóc người nghèo, nên thấy gì làm ra tiền thì cứ làm. Làm được ngày nào hay ngày ấy. Cuộc sống của những người ở nơi cùng trời cuối đất cứ thế mà trôi.

TH