Qua phà Cao Lãnh theo tỉnh lộ 942 đi Mỹ Luông, lên phà gỗ qua sông Tiền, là đến cù lao Giêng. Đường này có gần trăm năm và theo lệ thường ai đi Chợ Mới, Tân Châu đều phải đi theo con đường tỉnh lộ này. Đi riết rồi thuộc lòng từng cua quẹo, từng gốc cây, dãy phố, và người ta lấy đó làm đặc điểm nơi mình muốn đến. “Lên xe Chợ Mới, cứ nói với bác tài là xuống bến phà nhà thờ Ven”, bác Tư gần nhà biết tôi đi cù lao Giêng, nên dặn đi dặn lại. Ông là cả một kho tàng chuyện cổ tích về vùng Bảy núi An Giang. Ông 90 tuổi rồi mà còn mạnh khoẻ, nghe nói tôi đi An Giang thì mắt cứ sáng lên như chàng trai hai mươi.

Trong chuyến đi An Giang lần này, cù lao Giêng là nơi đến đầu tiên. Tôi không theo đường nhựa đã có mà tự vạch cho mình một con đường khác từ bên mạn phải sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp, cắt sang bằng ghe đến cù lao Giêng. Mấy anh Honda ôm nói chắc như đinh: “Không có con đường nào đến được cù lao Giêng, chỉ có ngã phà Cao Lãnh”. Đúng vậy, tôi băng qua toàn đường làng, có lúc vượt qua bờ ruộng, thửa vuờn để ra đến bờ sông, rồi đi ghe.
Cái tên Giêng của cù lao có người bảo là cù lao Ven, có người bảo Ven hay Giêng cũng là một.
Cù lao khá lớn, chiều ngang khoảng 7 cây số, dài chừng 15 cây số. Nghe kể lại, khoảng trước cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, nơi đây đã xuất hiện một dòng tu Công giáo do những giáo sĩ truyền đạo người Bồ Đào Nha đã vào đây lẫn trốn dựng nên một nhà thờ tạm. Đến năm 1878 nhà thờ “Ven”, trại Cô nhi nuôi trẻ em và người bệnh hủi cùng một Tiểu chủng viện Thánh Francisco và một Nữ tu viện được xây lại bằng gạch bề thế trên một khuôn viên rộng nhiều hécta. Lúa, bắp, đậu được giáo dân, tu sĩ trồng quanh cù lao để phục vụ nhà thờ và cũng là hậu phương chu cấp tài chánh và lương thực cho Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn trong thời gian xây dựng (1891) cho đến Chiến tranh Thế giới lần II bùng nổ. Trong thời gian này Đức cha Anton Nguyễn Văn Thiện – người trước đây đã vào tu chủng viện Cù lao Giêng – được bổ nhiệm về làm Cha sở cù lao Tây. Sau này về làm Giám mục Vương cung thánh đường Sài Gòn đầu năm 1961.

Giữa không khí dân dã, mộc mạc, nhà thờ Ven nổi bật với kiểu xây dựng theo kiến trúc Gothic, tường dày, mái vòm nhọn cao, từ bên bờ sông đã nhìn thấy nóc giáo đường sừng sững trên bầu trời xanh thẫm. Trại nuôi trẻ mồ côi và người già là những toà nhà dài lớn ba tầng xây bằng gạch, mái lợp ngói, sân lát gạch đỏ. Theo bác Tư kể thì trẻ mồ côi được nuôi ở đây đông lắm, cứ chiều xuống là mấy đứa nhỏ được các Sơ đưa ra bãi sông tắm. Hiện nay nơi đây vẫn còn nuôi trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, nhưng không còn nhiều như xưa vì các tòa nhà đã xuống cấp trầm trọng.
Đi bằng Honda cả hai tiếng đồng hồ vẫn chưa giáp hết cù lao. Người lạ chưa lần nào đến, vào đây cũng giống như lọt vào “mê hồn trận” không có lối ra. Từ xã này qua xã kia cách nhau bằng những đường bộ vòng cung và liên kết với nhau bằng những nhịp cầu. Cù lao có ba xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân với số dân đông đến hơn 70.000 người. Có thể nơi đây “đất lành”, nên dân chúng về tụ cư sinh sống nhiều hơn bên cù lao Tây (nay thuộc Đồng Tháp). Nhiều ấp có cái tên như trong tryện kiếm hiệp như Tây Thượng, Tây Hạ, Đông Châu, Trung Châu… Trên cồn người dân làm lúa, trồng hoa màu và vườn cây trái. Chợ búa nơi này mua bán rộn rịp vào buổi sớm mai không thua gì ở đất liền.
Tu viện nữ Quán Phòng
Đi giáp một vòng cù lao mà tôi không thấy những nhóm thanh niên tụm năm tụm ba ngồi nhà… nhậu. Nhậu là chuyện thường nhật của ở nông thôn miền Tây vào bất cứ lúc nào từ sáng-trưa-chiều-tối. Có một điều nói thêm, tuy là Công giáo xuất hiện ở cù lao Giêng rất sớm nhưng giáo dân lại không nhiều. Trên cù lao còn có cả đạo Tin lành, chùa Phật giáo, Hào Hảo, Cao đài… Cuối cồn hiện nay vẫn còn ngôi chùa ông Đạo Nằm. Ông Đạo nằm, uống nước đừa mấy chục năm, rồi “nằm” luôn! Chùa cũng có người tu và khách thập phương khắp nơi vẫn đến viếng chùa. Chuyện tôn giáo tín ngưỡng ở An Giang thì nhiều lắm, bởi thế người ta ví miền đất An Giang là vùng đất tâm linh huyền bí.
Ngồi xem lại mớ ảnh vừa chụp trong khi chờ phà đưa qua Mỹ Luông để tiếp tục chặng đường về Tân Châu. Mây đen bỗng chốc vần vũ trên đầu. May mà khi trời còn nắng, tôi kịp ghé tu viện nữ Quán Phòng chụp mấy tấm ảnh đem về tặng bác Tư. Có lẽ ông già sẽ rất vui khi gặp lại hình ảnh này – một khoảnh trời riêng của cù lao Giêng một thời mà ông yêu mến.