Menu Close

Thực phẩm Trung Quốc – Những chuyện không ngờ

Trái cây Trung Quốc- Sợ lắm nhưng mà…

Có thể nói không ngoa chỗ nào có chợ, có sạp bán trái cây là có mặt táo, lê Trung quốc. Táo đỏ ửng, bóng mượt. Lê thuôn thuôn, phớt vàng, không chút tì vết. Một ký bốn trái, mười lăm ngàn. Đi thăm bệnh, đi tết thầy cô, cúng ngày rằm mùng một trên chùa chỉ mua trăm ngàn đồng trái cây Trung quốc, để trong giỏ tre đan, tết nơ, thêm cái thiệp là vô cùng “hoành tráng”, lịch sự. Người đi cho lẫn người nhận quà đều hoan hỉ. Nhưng nếu chịu khó theo dõi họ, bạn sẽ thấy người cho dừng lại ở quầy cam quít, chọn mua cam Cái Bè về ăn. Còn người nhận thì mau mắn “bán cái” giỏ trái cây “hoành tráng” sang nơi khác. Đất Sài Gòn này khối người làm như họ. Nghĩa là biếu xén bằng táo lê Trung Quốc. Ăn thì mua trái cây nội địa. Chị Hoa, chủ sạp trái cây ở góc đường Cao Thắng, vừa thâu lại ba giỏ toàn lê táo, quít Trung Quốc chất khéo như những chiếc tháp nhiều màu vừa nghe phân trần Người ta mừng sinh nhật thằng cháu. Hôm qua trông thấy đã phát chán. Từ nay tới mai, chắc còn phải tải ra đây mấy giỏ nữa Chị chịu mua hộï, bác mừng rồi. Ít nhiều, đắt rẻ, thế nào cũng được. Bác cháu mình mà

Người xưa đi thăm nhau chỉ mang chục cam, nải chuối, rổ trứng gà, con cá tươi, chai mật ong, mấy hộp sữa, ký đường vừa thực tế, vừa thực thà quê kiểng. Thời bây giờ, cũng nội dung ấy, nhưng khác hẳn. Càng biện lễ vật sang trọng càng tốt, nhất là khi đi nhờ vả, xin xỏ việc gì. Hạng nhất là chai rượu ngoại vài trăm đô. Nhì thì thùng bia, giỏ cam nho táo Mỹ. Tệ hơn mới đến hộp bánh ngọt, táo lê Trung Quốc…

Có đến chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền mới thấy hết sức sống mạnh mẽ của trái cây Trung Quốc. Từ một hai giờ sáng trở đi, những xe tải, xe lạnh đã nối đuôi nhau vào chợ, mang theo gần ngàn tấn rau củ quả các loại. Ở khu vực trái cây, lố nhố bạn hàng sỉ lẻ chờ sẵn. Những thùng gỗ đóng kín, nhỏ khoảng hai ba mươi ký, to khoảng năm mươi ký vừa tuôn xuống, đã lập tức được bốc lên các phương tiện chuyên chở khác nhau, rồ ga, phóng hối hả vào thành phố. Phần lớn trong đó đều là trái cây Trung Quốc.

Thực phẩm TQ tràn lan

Chị Hai, thâm niên trong nghề buôn trái cây chợ Bến Thành tiết lộ, có bán hàng Thái, hàng Úc, Mỹ, nhưng vẫn thương “thằng Trung Quốc” nhất ở cái “nết” để cả ba tuần không hư. Sáng chưng lên, phơi nắng chang chang, tối bán ế cất vô. Mai mang ra. Cứ điệp khúc này hoài mà táo vẫn đỏ tươi, lê mơn mởn, trong khi cam quít xứ mình chừng hai ba bữa là xụ mặt héo queo. Một thùng táo Trung Quốc khui ra bán ba giá. Ngày đầu giá hai chục ngàn/ký. Tuần sau còn mười hai ngàn. Sau đó nữa là tám ngàn. Tháng giêng, tháng tư, tháng bảy âm lịch, Noel, tết tây, tết ta thì hốt bạc. Còn ngày thường cũng sống khoẻ. Người ta mua nhiều. Dĩ nhiên mua biếu, còn ăn thì chôm chôm, vải thiều, sầu riêng, ổi, xoài của Việt Nam mình.

Câu chuyện với chị Hai khiến người viết bài này thắc mắc, làm sao mà táo lê Trung Quốc để cả tháng vẫn tươi. Bí quyết ở chỗ nào??? Đem câu hỏi tới cuộc họp tổng kết “Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2006” thì được Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm thuộc Bộ Y tế giải thích, trái cây Trung Quốc tươi lâu do sử dụng thuốc bảo quản. Trong 26 mẫu ngẫu nhiên thu từ các chợ khác nhau, qua test nhanh thấy tới 75% là có dư  lượng thuốc bảo vệ với tỷ lệ cao. Nói chung, mẫu táo lê Trung Quốc có dư lượng hóa chất bảo quản Carbendazim lên tới gần 50% (chính xác là 45,8%). Bác sĩ  Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế còn “hù thêm Vẫn chưa xác định trái cây ngoại nhập xử dụng hóa chất gì để bảo quản và tác hại của chúng đối với con người thế nào. Thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật và Viện Vệ sinh y tế công cộng ở TPHCM cũng đồng loạt lắc đầu biết chết liền!

Đến thế thì…huề! Cả Sài Gòn, thành phố hiện đại nhất nước, với máy móc và nhân sự tầm cỡ thế mà còn không khui được bí mật trong trái táo nhỏ xíu, im lìm đến từ nước bạn, thì nói chi người tiêu dùng bình thường. Báo chí đăng bài, kèm những lời kết luận có cũng như không của giới hữu trách, lâu dần cũng không còn làm người đọc sợ “vãi linh hồn” như thuở ban sơ. Người ta triết lý, sống chết có số. Chết còn không sợ, sợ gì táo Trung Quốc cho nó hèn con người!


Nào chỉ có trái cây

Ở chợ đầu mối Thủ Đức ngoài trái cây Trung Quốc được tiêu thụ mạnh, còn cả đồ “lê ghim” Trung Quốc. Dưới ánh đèn điện sáng trưng, những bao tải, sọt tre, thùng gỗ vừa qua cuộc hành trình dài hơn hai ngàn cây số, mới chất xuống nền chợ, đã bị xâu xé, giành giựt. Toàn cà rốt, hành tây, gừng, tỏi… Tất cả đều tươi hồng, được kỳ cọ, “cạo râu tóc” đàng hoàng.

So với cà rốt Đà Lạt, cà rốt Trung Quốc suông sẻ, đỏ au, to đều. Tất cả lá cành đều được tước bỏ sát gốc. Gừng cũng mỡ màng, không nhiều mắt nhánh nhỏ. Mỗi củ gừng nặng trên hai trăm gam, vàng bóng, trong như đường phèn. Tỏi còn đẹp hơn, tròn trĩnh, tép to bằng ba bốn tép tỏi Phan Rang, Quảng Ngãi. Đã vậy, còn được bóc hết lớp áo tứ thân bên ngoài, chỉ chừa… cái yếm lụa mỏng vàng phớt. Khiêu gợi “đếch” chịu được!

Cũng như lê táo Trung Quốc, đồ lê ghim Trung Quốc bán thấy mà mê. Các chợ lớn chợ nhỏ, chợ cóc chợ tạm, cả hệ thống siêu thị, đều đỏ ối cà rốt Trung Quốc. Vẫn với điệp khúc để bao lâu cũng tươi. Có dư lượng thuốc bảo quản cao, nhưng không biết là chất gì, có tác hại gì. Trong khi nhà hàng, quán cơm rất “kết” cà rốt, tỏi, gừng Trung Quốc vì rẻ, dễ gọt dễ bóc…thì nhà vườn Đà Lạt nhiều người lại thâm thù huyết hận với  rau trái Trung Quốc. Nhà ông Hội, hai đời gắn với ruộng rau ấp Hà Đông, bà Lạc, chị Sa chuyên canh bắp cả, súp lơ, su hào ấp Đa Thiện, tất cả đều buồn rầu vì thương lái trước còn đánh xe tải vào tận vườn năn nỉ ỉ ôi, đặt tiền trước cả tháng. Bây giờ hàng mình làm sạch, gánh đến tận nơi, vẫn bị chê, bị ép giá. Đến chết với thằng cà rốt, súp lơ, khoai tây Trung Quốc!!

Cách Đà Lạt cả ngàn cây số, nông dân đồng đất Bắc Bộ cũng than vì cà chua, su hào ta bị nó bóp chết. Các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh… giáp biên giới với “nó càng than tợn. Cửa khẩu qua lại dễ dàng. Công an hai bên quen nhẵn mặt bạn hàng. Xe thồ- dài gấp hai ba xe thồ dưới xuôi- kìn kìn trẩy hàng từ Trung Quốc về. Đổ xuống toàn trái cây, rau cỏ. Mùa nào thức ấy, tươi ngon. Chưa kể đủ thứ kẹo bánh, gia vị, thức uống, dược thảo

Có mặt ở cửa khẩu Hà Khẩu- Lào Cai đầu tháng sáu qua, người viết bài bắt gặp từng dãy xe hàng xuôi Nam, phủ bạt kín mít, từng tiểu đội xe đạp thồ- kiểu xe thồ thời đi chiến dịch Điện Biên Phủ- thồ nông sản Trung Quốc về chợ Cốc Lếu- Lào Cai với khí thế hào hứng như đi trẩy hội.

 

Cà rốt và rau TQ

Sang chợ Đông Kinh- Lạng Sơn cũng một cảnh như vậy. Mặt tiền chợ là những dãy hàng bán thực phẩm khô, gia vị Trung Quốc án ngữ. Trong nhà lồng san sát hàng điện tử, đồ chơi, đồ gia dụng Trung Quốc. Hai dãy phố chính chen chúc những quán ăn theo khẩu vị nửa tầu nửa ta. Đến độ, trong Nam có ai đi công tác, đi du lịch đất Bắc mà nghe lên Lạng Sơn, Lào Cai là thế nào chị em cũng gửi mua đồ lót Trung Quốc, anh em gửi mua đồ kim khí, điện máy Trung Quốc, trẻ con cũng “ké đồ chơi Trung Quốc vì nghe nói trên đó đồ Trung Quốc giá chỉ bằng phân nửa so với Sài Gòn.

Người Lạng Sơn ăn nước tương, bột canh (gói bột cho vào nước, thành nước súp, để nấu lẩu, canh), đồ chua, cam táo, mận, quít Trung Quốc, mặc quần áo may sẵn bằng vải Trung Quốc, khoác áo vét, đi giày dép, che dù, đắp chăn bông, uống chè bằng phích nước, ấm chén Trung Quốc… Trả lời câu hỏi có đọc báo, có biết những nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn trong đồ ăn thức dùng Trung Quốc không, chị Hồng quê Nam Định, vừa xếp lại chỗ nấm đông cô khách chê không mua trên sạp hàng, vừa cười nói hồn nhiên Nguy cơ đâu mà nguy cơ. Đây ai cũng ăn. Chưa thấy ai lăn ra chết cả. Đồ nó “rẻ, lại tốt”.

Quảng Ninh bên Đông Bắc cũng đậm đà phong vị Trung Quốc không thua xứ Lạng Tây Bắc anh em. Vì bên này là chợ trời Móng Cái. Bên kia là thị trấn Đông Hưng- Trung Quốc. Dân Quảng Ninh nhiều người gốc Trung Quốc, qua lại mua bán hàng tiểu ngạch rất thường. Đi về trong ngày chỉ cần có chứng minh nhân dân, 4 tấm ảnh, đưa làm thủ tục. Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Quảng Ninh.

Ngay vịnh Hạ Long, giữa trời bể nên thơ kỳ ảo là những hòn núi đá vôi hình con gà, lư hương, cánh buồm do bị nước biển xâm thực. Khách du lịch trong lúc say sưa ngắm cảnh vẫn có thể bị những thuyền bán hoa quả tươi, bánh kẹo, nước ngọt đuổi theo chèo kéo. Toàn những thứ bánh trái “made in China” tương tự như trên Lạng Sơn, Lào Cai, hay trong Thanh Hóa, Sài Gòn, Cần Thơ, Châu Đốc.

Thuốc bảo vệ thực phẩm Trung Quốc- hiểm họa khôn lường

Những người cẩn thận, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đã chọn con đường “ba không”- không ăn, không uống, không xài đồ Trung Quốc- bụng chắc mẩm thế là thọ tới trăm tuổi như chơi. Nào ngờ bàn tay Thần Chết vẫn có cách tóm lấy họ như thường. Không trực tiếp từ đồ ăn, đồ dùng, mà đơn giản hơn, khó thấy hơn, qua những gói thuốc trừ sâu, những tube, những ống thủy tinh be bé in nhằng nhịt chữ Trung Quốc.

Anh Lê văn Bé Tư  nông dân ở Tân Hương- Tiền Giang, chỉ đám đất trồng hành lá xanh mướt khoe, có người đặt cọc rồi, tuần sau nhổ. Lời hơn trồng lúa. Cả hai công đất trồng rau thơm phía trên cũng trúng đậm. Nhờ phun thuốc. Cái gọi là “thuốc” của anh Bé Tư  chỉ là ống thủy tinh đựng chút nước vàng khè, giá ba ngàn, mua ngoài… tiệm tạp hóa. Đổ chung với tám lít nước, xịt sâu là “bá chấy”. Ai biết thuốc gì. Thấy người ta xài “có lý”. Tui xài theo. Đám dưa leo, đậu bắp, “cà tô mách” cũng xịt thứ này, hay cấp kỳ.

Dân Thủ Đức, Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn ở Sài Gòn cũng nhiều người “chơi” thần dược “vàng khè ấy. Ngoài ra, để phù phép cho rau trái lớn nhanh, tốt mã, nông dân cũng phải nhờ “anh” Trung Quốc. Lại năm ngàn một gói thuốc không biết tên. Hòa nước phun vào rau trước khi thu hoạch hai tuần, một tuần cho lá to, xanh bóng, không gẫy dập. Rau ăn lá như mùng tơi, rau dền, cả rau má, rau lang, bí đỏ, hành lá, ngò gai… đều thế. Cắc cớ hỏi thế có ăn “dau” ngậm thuốc Trung quốc không, đám con gái đang làm cỏ cho liếp cải xanh ở Gò Vấp thật thà lắc đầu nhà có nuống (luống) dau diêng bác ạ. Dau bán nà không ăn. Còn ăn nà không bán.

Ngoài người trồng rau thì người viết phóng sự các báo, người thanh tra y tế đều quá biết lý do xanh tươi của rau trái. Biết, nhưng chỉ thở dài. Cùng nữa là đánh động dư luận nhằm thức tỉnh lương tâm người chăn nuôi, trồng trọt, cảnh cáo người bán thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi. Còn người tiêu dùng- trong đó có họ- thì đành thôi. Vì hàng ngày, nhìn đâu cũng thấy ô nhiễm, mất vệ sinh. Hàng xuất đi Nhật Mỹ bị chê có dư lượng độc chất này, độc chất nọ, bị trả về. Nhưng hàng nhập vào ta hoặc do ta sản xuất lại gần như được thả nổi. Độc chất hàn the, phèn chua, formol, Sudan, 3MCPD… biết là có trong giò chả, dưa món, bánh phở, trứng gà vịt, nước tương nhưng vẫn phải ăn vì không ăn thì biết ăn cái gì? Cái gì mà chẳng thế!

Người đọc nước ngoài có lẽ sẽ “bức xúc” vì pháp luật để làm gì mà cho “tụi nó lộng hành dữ vậy. Họ chê luật pháp Việt Nam”hiền” quá. Đúng là hiền thiệt! Vì ngay trong vụ nước tương chứa độc tố 3MCPD có thể gây ung thư rùm beng mới đây ở Sài Gòn, trong số 17 cơ sở sản xuất nước tương chứa 3MCPD vượt ngưỡng cho phép (1mg/lít) có cơ sở Nosafood vượt hơn bốn ngàn lần (chính xác là 4202,90), xí nghiệp Nam Dương hơn hai ngàn lần (chính xác là 2343,20). Vậy nhưng hai ông chủ nước tương “bẩn” này ngoài việc nộp phạt 10 triệu, phải thu hồi “của nợ” về tiêu hủy thì chả bị hình phạt nào nữa cả. Từ vụ nước tương bẩn, tới vụ rau bẩn, vụ trái cây, đồ gia dụng Trung Quốc có hóa chất tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cao… những hồi chuông cảnh báo không ngớt vang lên khẩn thiết. Nhưng từ nghe tiếng chuông, tới làm gì đó để thay đổi hiện trạng, là một khoảng cách diệu vợi.

XH