Tú thật tôi ít khi để ý gì cho lắm ba cái vụ gạo thóc. Khi nghe đó bảo gạo nào nấu cơm dẻo thơm ngon tôi thường mua về ăn thử. Nào là Tài Nguyên, Thơm Lài, Thơm Thái, Nàng Gáo, Chợ Đào… Tưởng mình cũng đã là người sành về hạt gạo, cho đến hôm vợ chồng thằng bạn đến nhà ăn cơm. Tôi đãi nó gạo Nàng Thơm chợ Đào nóng hổi ăn với ba khía trộn đu đủ kiểu Thái Lan. Vừa xới chén cơm, bạn tôi liền nói: “Gạo này không phải Nàng Thơm chợ Đào nghe mậy”.
Tôi hơi “quê! Té ra hắn sành hơn mình. Mang tiếng là dân gốc miền Tây, rồi còn là người rong ruổi khắp cả miền Tây, thưởng thức không ít đặc sản nông thôn mà vẫn bị “gạt”! Mấy hôm sau, nhân lúc rảnh việc, tôi xách xe dông về chợ Đào nơi trồng ra loại gạo Nàng Thơm có tiếng gần nửa thế kỷ nay thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An để tìm cho cho ra nguồn ngọn.
Cầu Kinh Đào đây, rẽ vào xã Mỹ Lệ, có chợ Đào ngay ở đầu đường. Ngôi chợ nhỏ vắng vẻ buồn thiu trong làn mưa chiều lâm râm dẫn vào con đường đất lầy lội. Gài số hai, xe nảy tưng tưng như cưỡi ngựa, vượt qua những trũng nước đi sâu vào đường làng thấp thoáng ẩn hiện những thửa ruộng sau vài mái nhà ven xóm. Ruộng hè thu, cây lúa lên xanh, một màu xanh tươi mát. Trên đồng có những mái nhà đơn sơ nép mình bên hàng dừa mờ ảo trong mưa. Những ngôi mộ cổ xưa nằm kề bên vài ngôi mộ mới (có lẽ được quét vôi lại hôm tiết Thanh Minh). Đó là mồ mả ông bà con cháu của người nông dân nơi đây được chôn trên chính mảnh ruộng của mình. Đất lề quê thói của người miền quê là vậy. Tập tục chôn người chết trên ruộng nhà thường thấy ở miền Nam, với ý nghĩa “chết nhưng vẫn sống cạnh kề con cháu”. Đây đó trên cánh đồng, từng tốp hai hoặc ba người xắn quần tới gối, lom khom nhổ cỏ.
Nhìn túi gạo Nàng Thơm Chợ Đào trong bao nylon hàn kín tôi mua ở vựa chà ngay đầu cầu Kinh Đào nằm gọn trên sườn xe, tôi thấy mắc cười. Tự dưng đi xuống đây, đến tận nơi trồng nên hạt lúa gạo này, mua bịch gạo mang theo ra ruộng chẳng khác gì “chở củi về rừng”! Thế nhưng, cái sự ngớ ngẩn đó đôi khi lại có ích. Và nhờ đó tôi biết thêm ra nhiều điều thú vị về hạt gạo Nàng Thơm.
Đồng ruộng miền Tây
Tình cờ chú Năm đi đồng về gặp tôi loay hoay trên bờ bèn mời tôi về nhà uống nước chơi. Nhà chú là căn nhà gỗ thưa, có rào giậu bao quanh, hai cây gòn đan cành tạo thành vòm cổng trông khá ngộ nghĩnh. Căn nhà này là căn nhà khi nãy tôi vừa lướt qua, có một chút gì đó quạnh quẽ và nghèo khó nhưng lại toát lên một vẻ thanh nhã và phóng khoáng. Căn nhà mộc mạc, dân giã, tách biệt với những căn nhà gạch có cửa kiếng khung sắt chung quanh, rào sắt đóng im lìm trông thật lạc điệu giữa không gian của chốn mênh mông đồng ruộng!
Bên trong nhà chú Năm cũng giống như bên ngoài, chỉ mỗi cái bàn tròn tiếp khách. Chú Năm nghe thắc mắc của tôi xong, vừa rót trà vừa nói: “Gạo Nàng Thơm làm cực công hơn các loại khác, tính ra không bằng gạo Tài Nguyên. Tuy nhiên ai cũng muốn trồng ít Nàng Thơm để có gạo ngon ăn tết, phần thì biếu xén”. Một trong những lý do không bằng giống lúa khác là do Nàng Thơm sản lượng kém.
Làm một bài toán đơn giản, tính ra lúa Nàng Thơm chỉ đạt chừng hơn ba tấn một hécta. Thấp hơn nhiều so với những loại lúa khác, nên Nàng Thơm mỗi năm làm chỉ một vụ xen kẽ nếp mùa. Đến khoảng đầu tháng bảy thì lúa Nàng Thơm mới được bà con gieo mạ và cấy giữa tháng để trung tuần tháng chạp lúa chín.
Cả xã Mỹ Lệ này, ruộng đất vài trăm mẫu duy chỉ có hơn bốn mươi mẫu có thể trồng được Nàng Thơm. Long An tuy là vùng đất nông nghiệp của mười ba tỉnh miền Tây nhưng lại không nằm trong hệ thống đồng bằng sông Cửu Long mà lại thuộc đồng bằng sông Vàm Cỏ. Cần Đước nằm ngay hạ nguồn của hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nhập lại đổ ra biển Đông. Do địa thế như vậy nên mùa nắng, vùng đất này ít nhiều bị nhiễm mặn. Mùa mưa lại nhiễm phèn từ thượng nguồn Mộc Hóa đổ về. May đó là thứ phèn không gây hại các loại cây trồng.

Đặt bịch gạo tôi mua lên bàn, chú Năm săm soi từng hạt gạo như thể một người đang xem độ tuổi của những viên ngọc quý. Gạo Nàng Thơm, hột dài, trong, đặc biệt ở giữa có hạt lựu trắng như sữa cong khuyết trên mình hạt gạo. Chính những hạt sữa này khi nấu chín sẽ cho một thứ cơm dẻo nhưng không dính đũa, lại có vị ngọt và mùi thơm phức. Chú bảo đây đúng là gạo Nàng Thơm nhưng không phải gạo chính gốc. Hạt gạo có hạt lựu nhưng không đều, gạo Nàng Thơm đúng thiệt chợ Đào mười hột thì bảy tám hột có hạt lựu trắng ngần. Một điều dễ hiểu, cả ấp chợ Đào này mỗi năm tính ra chỉ khoảng bảy, tám chục tấn gạo không đủ bán trong mùa tết thì lấy đâu để bán quanh năm?
Chú Năm vào bếp mang ra cái thùng thiếc, mở nắp lấy túi vải chìm trong mớ lá chuối khô lùng nhùng. Chú bốc ra một nắm gạo cho tôi xem, rồi thả lên mặt bàn xong chỉ cho tôi từng đặc điểm của hạt lựu trắng như bông dưới ngón tay thô ráp, móng tay đóng phèn vàng nhẻm, đang dí dí trên hạt gạo bé xíu.
Tất nhiên tôi trở về với những “hạt ngọc” Nàng Thơm của chú Năm để dành trong bao. Đành mắc nợ chú Năm, đợi đến mùa gặt năm sau vậy.