Trong ký ức nhiều thế hệ học trò, hình ảnh ngày khai trường là bầu trời mùa thu trong sáng êm dịu với lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi, dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…Nhưng, theo thời gian, ở Sài Gòn bây giờ, ngày khai trường đó đã khác vô cùng.

Kẹt xe khủng khiếp
Hôm nay, ngày 5 tháng 9, trên phạm vi toàn cõi Việt Nam, những tiếng trống trường sẽ đồng loạt vang lên trang trọng, báo hiệu chính thức bắt đầu một năm học mới, năm học 2007-2008. Nhưng trong thực tế, từ giữa tháng tám, các trường đã tiếp phụ huynh tới xin học cho con, đóng học phí, mua đồng phục, đồng thời tổ chức cho học sinh cũ làm vệ sinh trường lớp, ôn kiến thức, ổn định sĩ số, bầu “cán bộ khung” (lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng…). Ngày 5 tháng 9, ngày khai trường, từ lâu chỉ còn mang tính chất hình thức.
Từ mờ sáng, ngoài đường đã thấy nhiều xe gắn máy lưu thông hối hả. Người cầm lái phía trước đội mũ bảo hiểm, người phía sau, quần áo mới tinh, lưng đeo cặp sách, dụi cái đầu nhỏ xíu vào lưng người ngồi trước, mặt ngái ngủ. Đi sớm cho khỏi kẹt xe. Chở con đi khai giảng. Xong tới sở làm luôn. Người bạn cùng đường đã giải thích lý do đi sớm như vậy.
Có mặt ở cổng trường Tân Sơn Nhất, Lê Văn Tám, Việt Uùc, Á Châu… từ sáu giờ sáng tới bảy giờ sáng, kẻ viết bài liên tục nghe tiếng kêu khổ của tài xế các loại xe “lô ca chân”, xe đạp, xe gắn máy, xe hơi 4 chỗ, 16 chỗ (đưa rước học sinh theo tháng), xe bus…Tất cả kẹt cứng sau khi đã cố giành giật từng thước đường với nhau ở trước các cổng trường. Học sinh như đàn bướm, vô tư chạy len lỏi trong các dòng xe, băng qua đường, í ới đùa giỡn rất vô tư, mặc cho tiếng người chung quanh quát thất thanh cẩn thận, coi chừng xe đụng…Chị Thanh, bán hàng ăn trước trường Primary School Tân Bình lắc đầu Trường sát mặt đường, không có chỗ đậu xe. Phụ huynh muốn dừng cho con xuống, hoặc đậu xe chờ rước con, đều không có chỗ, phải tràn đại xuống lòng đường. Ngày nào sáng chiều cũng đủ loại xe bu đen trước cổng trường. Ở xa trông lại cứ tưởng đám đánh lộn ..

Hột mít lăn bốn mắt
Các học sinh tiểu học, tuy cùng mang nhãn mác Sài Gòn như nhau, nhưng sống rải trên 24 quận huyện nội ngoại thành, nên tầm vóc, diện mạo, trang phục của các em vì thế cũng có nhiều khác biệt.
Quận 1, quận 3, quận Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh sở hữu nhiều sĩ tử “bốn mắt”, quần áo bảnh bao, mặt mũi trắng trẻo và béo phì nhất thành phố. Số “vịt bầu” được cha mẹ “phò tới tận cổng trường, vừa bế bụng đi lạch bạch vừa đẩy gọng kính trên sống mũi, lôi theo chiếc cặp to đùng có bánh xe đẩy (va ly có tay kéo) từ vài năm trở lại đây đã tăng rất nhanh, bất chấp lời cảnh báo từ các cơ quan y tế về khả năng bệnh tật nghiêm trọng của nạn “thừa cân thiếu mắt”.
Ra khỏi Sài Gòn vài chục cây số, đến huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, dạng học sinh “vịt bầu” hầu như rất ít. Thay vào đó toàn là “vịt đẹt” còi cọc, thấp bé, quần áo nhếch nhác, cũ kỹ. Không khỏi chạnh lòng khi biết cùng một tuổi thơ nhưng học sinh vùng sâu vùng xa chịu quá nhiều thiệt thòi. Bác Tư Thân, xã Phú Mỹ- Củ Chi đưa con tới trường trên chiếc xe ôm- cần câu cơm của cả gia đình- xong là tấp xe vào lề đường rước khách luôn. Bác bảo chạy lo ăn thôi đủ mệt. Cho đi học vậy cũng phước đức rồi. Vòng vòng lối xóm đây thiếu gì tụi còn phải bỏ học, ở nhà phụ cha mẹ làm ra đồng tiền.
Nhiều trường chất lượng cao
Bên cạnh những trường công lập xưa nay nổi tiếng về truyền thống dạy giỏi học giỏi như trường Lê Hồng Phong (Petrus Ký cũ) Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long cũ), Nguyễn Du, Marie Curie…, thì từ năm 2000 trở đi, Sài Gòn đã mọc lên hàng loạt các trường dân lập và trường quốc tế.
Trường dân lập tức là trường do dân lập ra, xưa gọi là trường tư thục. Ban đầu dân Sài gòn cứ tưởng loại trường này là túi rác, chuyên đựng bọn đầu bò đầu bướu, bọn ăn chơi dốt nát lưu ban do trường công thải ra. Thật là sai lầm! Thử đến thăm trường dân lập Trương Vĩnh Ký nổi tiếng cả nước về qui mô, chất lượng, kỷ luật; cả trường dân lập Ngô Thời Nhiệm, Hồng Đức, Nguyễn Khuyến… nữa, xem có còn au bảo trường dân lập là xoàng? Cổng trường nào cũng lính gác cẩn mật, trang nghiêm, tường cao rào kín. “Công dân” các trường đều theo “chế độ bán trú (trưa ăn ngủ tại trường, học tiếp tới chiều mới về). Nhất cử nhất động đều có camera, thầy cô giám thị theo dõi chặt chẽ. Máy tính được sử dụng tối đa trong sinh hoạt dạy và học. Các môn học không phân chính phụ đều do dàn giáo viên giỏi dạy đầy đủ, kỹ lưỡng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cao nhất thành phố (gần 100%), số học sinh giỏi, đậu đại học, đi du học đều ngất ngưởng… Anh Nguyễn An Tuấn, trưởng một văn phòng đại diện công ty quảng cáo Thái Lan cho biết Lớp sáu mà hơn trăm đôla tiền học một tháng. Lại phải học bạ khá giỏi trở lên mới nhận. Tuy đắt gấp ba bốn trường công, nhưng chất lượng bảo đảm. Cũng chấp nhận được.
Đắt khách không thua trường dân lập là hệ thống trường Quốc tế. Do thấu hiểu tâm lý của bộ phận thị dân thu nhập khá, muốn cho con được “du học tại chỗ trước khi du học chính thức ở bậc đại học, khá nhiều trường Việt Mỹ, Việt Uùc, Việt Anh đã được thành lập. Đọc quảng cáo của các trường này trên báo, hứa hẹn cung cấp cho học sinh chương trình học tập, sinh hoạt hoàn hảo, lý tưởng “y hệt nước ngoài”, các bậc phụ huynh có tầm nhìn xa và túi tiền lớn đua nhau cho con theo học trường quốc tế. Thầy cô người nước ngoài có bằng cấp sư phạm không, chương trình dạy có đúng với quảng cáo không, học sinh học xong có nên trò trống gì, có nói tiếng tây giỏi “như Tây”…. thì không ai dám chắc, nhưng cái khoản học phí cao “như Tây” ai cũng dám giơ tay bảo đảm.

Có mặt trước trường Primary school Tân Bình vào ngày khai giảng, mới thấy hãi vì phong trào sính trường ngoại của dân Sài Gòn. Người đông gạt ra không hết. Đường vào trường ngày thường yên vắng, trật tự nghiêm ngặt, hôm nay toàn ông bà dắt cháu, cha mẹ bế “cục cưng”, anh chị lôi thằng em “vịt bầu” xềnh xệch… Anh Ph. bảo vệ của trường, mồ hôi loang ướt chiếc áo đồng phục màu xanh đang mặc, sau cả giờ đồng hồ hò hét, tả xung hữu đột trước cổng để chặn xe cộ lưu thông, rước các em học sinh từ bên kia đường sang. Đáp lại cái nhìn ái ngại của kẻ viết bài, anh cho biết Công việc chỉ vất vả mấy ngày đầu năm, còn ngày thường không đến nỗi. Lương được gần hai triệu một tháng.
Nắng lên cao, tám giờ sáng, sự hỗn loạn trước các cổng trường bớt dần. Bên trong sân trường học sinh đã chỉnh tề đứng sắp hàng theo đơn vị lớp, lắng nghe thầy cô hiệu trưởng phát biểu. Vẫn là những ý sáo mòn, cũ kỹ của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu “thắng lợi của ngành ta”, nước ta trên trường quốc tế, kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức hoàn thành nhiệm vụ “dạy tốt học tốt”, xứng đáng là…”con cháu Bác Hồ… nhưng được “biên tập” chút ít cho phù hợp với tình hình cụ thể của từng trường.
Bên ngoài cổng trường, nhiều phụ huynh vẫn đứng nán lại, hưởng ké không khí khai trường, hồi tưởng thưở còn đi học xa xưa. Bỗng… tùng… tùng…tùng! Những tiếng trống trầm ấm như có cánh, nối nhau thong thả bay lên, tỏa rộng, hòa vào nắng thu, báo hiệu năm học mới.
Năm học mới- như cánh đồng khổng lồ đã cày ải, chờ đón hai mươi hai triệu thợ cày trẻ trung gieo hạt “Bốn Không”: không tiêu cực, không chạy theo thành tích trong thi cử, (học sinh) không ngồi nhầm lớp, (giáo viên) không sa sút đạo đức….Một cánh đồng lý tưởng như thế, ai dám bảo không phải là cánh đồng vàng, dù chỉ ra khỏi thành phố, theo con đường thiên lý A1 ngược ra Bắc hay xuôi về nam là bắt gặp dễ dàng những lớp học trống trơ, xiêu vẹo và những đám trẻ lặn hụp mò cua bắt ốc trên những cánh đồng xơ xác, tối tăm.