“Thảo bạt” có nghĩa là “lều cỏ, là cái lều tranh phông phênh chìm trong hoa cảnh thiên nhiên nơi thôn dã của kẻ sĩ ẩn dật ngày xưa. Ngay như đến thời Lê, Nguyễn Trãi đã từng ở “góc thành Nam, lều một gian”, hay đến triều Nguyễn, cụ Tam nguyên Yên Đỗ cũng đã rất thích ngôi nhà cỏ của mình “Năm gian nhà cỏ thấp le te”. Và xem đó là cách sống thanh cao không cầu danh lợi “lều tranh đọc sách cạnh hoa chơi…”

Tải qua các thời Lý, Trần, Lê, đến thời Trịnh-Nguyễn và cả các vua đầu triều Nguyễn với chiều dài gần ngàn năm lịch sử, bộ mặt nhà ở có vài thay đổi nhưng không nhiều. Từ chiếc lều cỏ một gian đến căn nhà ba hoặc năm gian nhưng chủ yếu vẫn bằng vật liệu đơn sơ và sẵn có. Thật ra, từ thời Lý Nhân Tông, nhà vua đã cho phép người dân nung ngói lợp nhà. Nhưng sau một thời gian ngắn thì cấm, vì địa vị độc tôn của kiến trúc tôn giáo đình, chùa bị kiến trúc mái ngói sân gạch của người dân lấn át. Kiến trúc dân gian trở lại với nhà gỗ mái tranh hoặc nhà tranh tre nứa lá. Đến thời Trịnh-Nguyễn nhà ở dân gian được lợp ngói, nhà dựng bằng gỗ nhưng không được chạm khắc cầu kỳ.
Tuy nhiên vào đời vua Thiệu Trị trở về sau, luật lệ xây cất trở nên thoáng hơn và cho phép người dân có điều kiện cất nhà cao cửa rộng, chạm khắc tùy thích. Những người thuộc tầng lớp quí tộc và trung lưu cũng như kẻ sĩ ra làm quan đều có nhà rộng ba gian, năm gian nhưng vẫn không quên dùng nhà “thảo bạt” làm thú vui tao nhã bên vườn hoa khóm trúc, làm chỗ ngâm thơ đọc sách, hoặc uống trà đàm đạo chuyện văn chương. Cũng trong thời gian này việc khai phá đất phương Nam phát triển mạnh, dần hình thành nên làng xã, thị tứ. Cái “thảo bạt” được những vị bá quan văn võ miền ngũ Quảng mang theo vào Nam với đội quân mở đất. Và từ cái “thảo bạt” tách biệt bên ngoài ngôi nhà gỗ của tầng lớp trung lưu, quan lại đã hình thành một nét kiến trúc mới trong thời gian Pháp thống trị toàn Đông Dương. Đó là sự kết hợp mà nói đùa là cuộc “se duyên” của nhà “thảo bạt” với nhà truyền thống dân gian. Một sự kết hợp khá hợp lý khi người ta muốn sử dụng công năng của nhà “thảo bạt” mà không làm mất đi vẻ mỹ quan của không gian thôn dã chung quanh. Kiểu kiến trúc mới đó gọi là nhà “lai” nở rộ ở một số nhà giàu và quan lại làm việc cho Pháp như một phong trào kể từ sau Chiến tranh thế giới I.

Nhà của lãnh binh Phan Văn Năng dưới trướng Quốc công Nguyễn Huỳnh Đức vào Nam chỉ huy đội quân khai phá vùng đất Cai Lậy-Cái Bè ngày nay là một ví dụ. Đó là ngôi nhà truyền thống ba gian hai chái, nằm ở xã Hòa Khánh, Cái Bè, cất năm 1860, rộng 425 mét vuông, toàn bằng gỗ quí. Nhưng đến năm 1921, con là Trần Quang Huy (từ họ Phan đổi thành họ Trần để tránh sự o ép của Pháp về mặt chính trị) làm cai tổng lúc ấy cất lại tường bằng gạch. Phần trước hiên nhà gỗ được tháo bỏ cột hàng ba, xây dựng sảnh nối tạo không gian xuyên suốt dành làm nơi tiếp khách. Phần sảnh này chính là nhà “thảo bạt” ngày xưa biến cách cho phù hợp với bộ mặt kiến trúc “lai Tây” theo thời cuộc.
Kiến trúc nhà “lai” hay có người gọi là nhà Tây. Gọi nhà Tây thật ra không chính xác về kiểu cách kiến trúc. Nhà được bổ sung phần sảnh có hàng ba theo phong cách Tây từ bên trong có trần bằng gỗ lát cho đến sàn nhà sử dụng gạch bông. Tường được xây gạch và mặt tiền được che chắn bằng gạch và cột giả có trang trí hoa văn. Việc kết hợp kiểu thức xây dựng bằng cách thay đổi vật liệu bền hơn, an toàn hơn và sử dụng vôi màu để làm căn nhà sáng sủa hơn.

Phần nội thất bên ngoài căn nhà gỗ truyền thống thay đổi, buộc phải thay đổi cả những đồ dùng trang trí nội thất như đèn, đồ gỗ, màu sắc, hoa văn. Đặc biệt hoa văn màu nước, bạn có thể bắt gặp ở bất kỳ nhà “lai” nào ở miền Nam đều do các họa sĩ của trường Mỹ thuật Đông Dương về miền Nam thực tập trước năm 1940. Đó là những mảng hoa văn, chim thú theo phong cách cổ điển châu Âu trên tường, vách. Bàn ghế đa số đều theo mẫu ghế Louis, đôn gỗ hoặc khung gương, tủ rượu theo kiểu Pháp. Đồ đồng cũng có rất nhiều chủ yếu là đèn chùm treo trần…
Bên cạnh sự xuất hiện những ngôi nhà kiểu thuộc địa chính thống (nhà Tây) thì sự kết hợp của nhà “thảo bạt” và nhà truyền thống dân gian đã tạo nên nét kiến trúc mới đồng loạt khắp miền Nam. Những nhà này theo một motif trang trí và cùng một kiểu dáng đã tạo nên nét đẹp riêng biệt trong cách nói nôm na là “trong cổ ngoài tân” cũng góp phần làm đa dạng bộ mặt kiến trúc ở miền Nam.