Một vài Việt kiều về thăm quê, sau đó trở thành “thương binh”, thậm chí có người không bao giờ còn dịp quay trở lại Mỹ nữa vì tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông ở Việt Nam xảy ra khá thường xuyên, một phần do dân chúng không tôn trọng luật lệ, hệ thống kiểm soát giao thông chưa đầy đủ và một phần khác do những người có nhiệm vụ bảo vệ giao thông sử dụng quyền lực của mình để moi tiền người đi đường và nhất là các tài xế xe khách, xe tải thay vì lo ổn định trật tự. Sáu tháng vừa qua, cả nước VN đã xảy ra 7.669 vụ tai nạn giao thông được thông tin chính thức, gây 7000 người chết và cũng gần chừng đó người bị thương…Bài viết này của Xuân Hằng như một lời nhắc nhở bạn hãy cẩn thận nếu có một lần nào đó cần phải về thăm quê nhà…
Vài tháng lại đây, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A, đặc biệt đoạn đi qua địa phận Đồng Nai, Khánh Hòa, đã xảy ra liên tục. Báo chí đồng loạt đăng tải trên trang nhất hình ảnh chiếc xe khách móp đầu, giơ bốn bánh lên trời, kèm con số mấy chục hành khách thiệt mạng lẫn bị thương, khiến dư luận bàng hoàng sửng sốt.
Tới Xa cảng Miền Đông, nơi xuất phát chuyến xe bão táp nọ, ghé phòng điều độ của Hợp tác xã xe khách Miền Đông, một trong vài hợp tác xã làm ăn hiệu quả nhất ở Xa cảng, kẻ viết bài mới biết: Xe Ford Transit 16 chỗ (có giá từ 35-40 ngàn đôla) thường chạy các tuyến đường ngắn 300 cây số đổ lại như Đồng Nai, Vũng Tàu, Đà Lạt….Chạy xa hơn, Bình Định, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế… thì xe Huyndai- Nam hàn, 46 chỗ (giá 100.000 đôla trở lên). Dù loại xe nào thì niên hạn sử dụng cũng chỉ 15 năm. Sáu tháng phải đem xe đi xét định kỳ một lần. Tất cả những bộ phận bị hỏng hóc- thắng không ăn, còi không kêu, đèn không sáng, bánh xe cũ… nhất nhất đều phải thay mới.
Hợp tác xã Miền Đông có hơn 300 đầu xe Nam Hàn mới “cáu cạnh”. Khách leo lên xe, ghế bật êm ru, máy lạnh mát rượi, khăn lạnh, nước khoáng, phim ca nhạc, cải lương, tấu hài…tất cả đều miễn phí. Do miền Trung nhiều đèo dốc, mưa bão liên miên từ tháng 6 tới tháng 10, nên tài xế dù có bằng lái xe loại nào- dấu D (cho phép lái xe dưới 30 chỗ) hay dấu E ( từ 30 chỗ- 50 chỗ) đều bắt buộc phải thuộc đường. Xe mới, đường tốt, tài xế giỏi, lơ nhanh nhẩu, chủ xe xông xáo, chịu “làm luật” đúng điệu, cảnh sát và thanh tra giao thông “tuần tra” liên tục…Nói tóm lại tất cả đều lý tưởng. Nhưng tai nạn giao thông vẫn xảy ra, ngày càng nhiều và thảm khốc.
Lý do tại sao?
Có ở trong chăn mới biết chăn có rận
Bước chân vào khu vực bán vé của Xa cảng Miền Đông, nhiều người phải ngợp mắt trước khuôn viên hai tầng to rộng, sạch sẽ. Tầng một bán vé. Tầng hai siêu thị. Đối diện với quầy vé là các dãy ghế dành cho hành khách ngồi đợi xe. Vài anh bảo vệ đi đi lại lại.
Buổi sáng ngày 7- 8, trời mưa dữ dội. Đài báo cơn bão số 3 đang gây tổn thất nặng nề cho miền Trung. Lượng hành khách Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đà Lạt giảm hẳn. Trong các quầy bán vé, nhân viên ngồi ngáp dài, lâu lâu mới bán được một vé. Chị chủ xe tuyến đường Sài Gòn- Bình Định tính toán Tiền xăng dầu một chuyến từ đây ra ngoải ba triệu rưởi. Một triệu cho tài và lơ. Năm trăm mua vé cầu đường, “chung chi” này nọ. Hết đứt năm triệu. Mười phút nữa chạy mà mới bán 4 vé. Điệu này chắc chết!
Tới bốn giờ, tài nhất bắt buộc phải nhường chỗ cho tài nhì dù chưa bán được vé nào hay mới được vài ba vé. Tới năm giờ, tài nhì lại nhường chỗ cho tài ba…Tài nào khi xuất bến cũng chỉ có mấy người khách loe hoe. Không lẽ bỏ ra hết năm triệu sở hụi rồi chạy xe không về ngoải, lỗ sặc máu? Bắt buộc phải rước khách dọc đường để vớt vát. Không riêng xe chị, xe nào cũng đói móp ruột. Đói với đói làm sao nhường nhau? Chị chủ xe ngưng nói, nhưng hậu quả của “đói với đói làm sao nhường nhau” là những tai nạn thương tâm, mới đây là tai nạn ngày 16-7 tại huyện Thống Nhất- Đồng Nai: chết 7 người, 40 người bị thương.
Chú Kên, có hai chiếc xe chạy tuyến Sài Gòn- Ban Mê Thuột, vừa là chủ xe kiêm tài xế thừa nhận: Làm ăn ngày càng khó, cạnh tranh dữ dội. thêm xe bus, xe dù chạy cùng tuyến, cướp hết số khách vốn đã ít ỏi. Tài xế muốn hay không đều phải đua quyết liệt. Ngày nào cũng rong ruổi năm bảy trăm cây số, thường xuyên đấu trí, đấu sức. Trong vài năm cầm lái, sơ sẩy một hai vụ va quẹt, đụng lật là thường. Ai cầm vô lăng giỏi mấy, kinh nghiệm mấy cũng vậy…
Kẻ thù số một
Nguyên nhân sâu xa gây tai nạn trên tuyến đường 1A thì đã rõ. Nhưng nguyên nhân cụ thể do đâu – Bị rải đinh, nổ vỏ xe. Bị cây cối, nhà cửa cản trở tầm nhìn. Bị xe tải ép, bị rơm rạ ngô thóc phơi lấn đường…? Có đủ hết, nhưng không phải thủ phạm chính. Thủ phạm chính là… là xe gắn máy.
Kẻ viết bài xin theo xe Sài Gòn- Đà Nẵng để được tận mục sở thị. (vì lý do an toàn của các đối tượng cung cấp tin, tất cả số xe, tên xe, tên người trong bài này đều bị lược bỏ hoặc đã thay đổi).
Ra khỏi bến, chiếc xe khách biển số … lăn chậm chạp, vài hành khách ngồi co chân, lơ đãng ngắm phố phường. Chủ xe cẩn thận nhắc lơ đóng chặt cửa vì hôm qua thằng 53N….mới rề lại đón khách. Mở cửa nhảy xuống là bị “tụi nó liền. Hết bảy trăm ngàn! Xe qua Thủ Đức, vào địa phận Biên Hòa-Đồng Nai, số khách lên xe nhiều dần. Có người chỉ quá giang chừng trăm cây số, hành lý nhỏ gọn. Gần tới Hà Nội, Hố Nai, Trà Cổ, Dầu Giây, hai bên đường chợ búa, trường học, trạm xá, quán ăn… đông vui san sát. Từ hẻm đất đỏ ngoằn ngoèo, những xe gắn máy chở đôi, chở ba mang vác cồng kềnh xẻng cuốc, xà beng, cây sắt, bó tre nứa, quang gánh, bao tải ngô sắn, rau cải… lao ra. Người chạy xe gắn máy vô tư nói chuyện, giữ nguyên tốc độ, vọt ngang lộ, sang bên kia đường. Tài xế đạp thắng, xe khựng lại. Hành khách chúi nhủi, chửi thề ỏm tỏi.
Xuống xe ở Ngã ba Dầu Giây nơi quốc lộ 1A tẽ làm hai nhánh- đi thẳng là Phan Thiết, Nha Trang, quẹo vào quốc lộ 20 là Long Khánh, Lâm Đồng- kẻ viết bài đứng ngắm nghía trạm gác từng nổi tiếng ăn hối lộ dã man, trắng trợn. Nhớ lại chuyện bác tài Kên kể… Trạm Dầu Giây này, tôi bị rồi. Hồi chở gỗ thuê từ Bình Phước. Bị trển phạt tội chở quá tải. Lái về được tới đây cũng gần 12 giờ đêm. Thằng Th. ngoắc lơ vô trạm, viết trên giấy con số 500. Thằng nhỏ sợ quá ra kêu tôi. Hai cha con phân trần mới nộp phạt trên Bình Phước, hết tiền. Xin bớt xuống ba trăm ngàn. Nó cầm ba trăm giục (vứt) xuống đất, lấy giầy chà lên, lạnh lùng viết biên bản phạt. Cầm miếng giấy phạt, trước sau chưa nghe nó mở miệng nói tiếng nào. Thằng này ác ôn, ăn bạo có tiếng. Cô cứ viết thẳng tên nó, tui làm chứng cho…
Chặng đường từ Dầu Giây lên Đà Lạt, địa hình đồi dốc, đất đỏ với những rừng cây cao su, cây giá tị, chen với rẫy bắp, khoai mì, chuối, đậu các loại. Tiếp tục chợ búa, nhà thờ, trụ sở ủy ban, hàng quán ken dầy hai bên đường. Tiếp tục đạp thắng, bóp còi, đập thùng xe la khan tiếng dô, dô máy ơi, đạp ơi, dô! Một lái buôn chuyến đi quen đường 20 này cho biết Gia Kiệm, Gia Tân, Tân Phú, Định Quán hầu như không tuần nào không có tai nạn. Họ chạy xe gắn máy ngang lắm. Tài xế chạy kỹ cỡ nào cũng “bị. Tháng trước xe chú Sáu hư cái gạt nước, dừng cho lơ xuống sửa. Bất ngờ hai thằng ở đâu “bang” vô, bật ngửa. Lỗi nó rành rành. Vậy mà dân địa phương xúm lại làm dữ, đánh chú Sáu. Xe bị giam. Chị Hóa chủ xe phải vô bệnh viện hầu hai thằng cô hồn. Nghe nói bưng bô, mua cơm nước, thuốc men…hết đứt hơn hai triệu. Nó mới chịu bãi nại.
Kẻ viết bài ngạc nhiên. Chủ xe đâu phải dân dễ bắt nạt. Cứ trông cách họ quát lơ, trả treo với khách đi xe thì biết. Chủ xe Út Nhỏ cười giải thích, một ngày xe bị giam, là một ngày đói. Bởi vậy, bằng mọi giá phải lấy xe ra. Mà muốn lấy xe ra, phải không có thưa kiện, phải “vuốt” công an thụ lý hồ sơ và thằng chạy xe gắn máy đang nằm nhà thương. Nếu không, dù thằng này chịu viết giấy bãi nại, nhưng “thằng kia” cứ hẹn nay hẹn mai, không xử, hành chủ xe từ Sài Gòn đi cả trăm, vài trăm cây số hầu nó, cũng chết!
Hai tội dễ bị thổi nhất là chạy quá tốc độ qui định và dừng xe không đúng chỗ. Bị thổi thì vừa bị phạt tiền, vừa bị bấm một lỗ trên bằng lái- tương đương thẻ vàng trên sân bóng tròn. Tái phạm lần hai, bằng lái lãnh thêm một lỗ nữa- tương đương thẻ đỏ. Bị tới lỗ thứ ba thì nghỉ đá, phạt treo giò một năm, học lại từ đầu, thi lấy bằng lái mới. Thời gian ngồi nhà, biết làm gì nuôi vợ con? Bởi vậy, nghe bấm lỗ, tài xế dù gan lì gai ngạnh cỡ nào cũng rét run.
Sau khi kẻ viết bài “tuyên thệ không nêu tên, không đưa số xe, vài bác tài từng được chủ xe cho tiền “vá lỗ mới chịu “vạch áo” cho “xem lưng”. Móc ra tấm bằng lái đã bị “dính một phát đạn”, anh Chín chạy tuyến đường Phan Thiết cho giá cụ thể: Nếu chưa bị lần nào, “còn gin” thì vá hai “chai” (triệu). Như tôi, rách một lỗ rồi thì cao hơn, phải bốn chai, năm chai. Cò kè xin bớt một hai “xị (trăm ngàn) không bao giờ được. Tôi già hơn năm mươi tuổi, bàn thờ ông bà ở nhà có khi chưa lạy nhưng ở trạm K. tôi với cô D. chủ xe đã phải quì xuống lạy. “Tụi nó đếm thấy đủ tiền, mới tha cho đi. Hành khách trên xe thấy hết. Người ta vá áo quần là rách rồi mới vá. Còn nhà xe phải vá trước khi rách.

Nạn xe dù
Xe dù là xe… nhảy dù tự do, không ai quản lý, không bến bãi, không bán vé, không mua bảo hiểm, không đăng kiểm chất lượng xe…Nói chung là không tất tật. Địa bàn hoạt động của xe dù không cố định, như cóc muốn nhảy chỗ nào thì nhảy nên gọi là bến cóc. Bến có thể là cây xăng, quán cơm, hay lề đường nhưng thường là sát nách bến xe để đón lỏng những khách bình dân, dễ tính. Hỏi tại sao không vào bến mua vé cho chắc ăn, anh sinh viên tên Nguyên, quê Bình Định, nói, xe dù rẻ hơn bến cả năm bảy chục ngàn. Biết “truyền thống” sang khách, bỏ khách dọc đường nhưng vẫn ưng đi.
So với xe khách cá mập kềnh càng 46 chỗ, xe dù 16 chỗ nhỏ gọn, chạy nhanh, bắt khách giỏi. Lắm “cá mập” xuất bến đói meo, chạy cả buổi, không săn được mồi. Trong khi chạy trước đó xa xa, chiếc xe dù đu đeo lủ khủ “mít chín” (khách), còn nhấn còi trêu tức. Thâm thù giữa xe dù, xe khách là chuyện chén cơm bị bể, rất dữ dội. Từng nhiều vụ xô xát đẫm máu xảy ra cũng vì thế.
Bây giờ làm sao
Xem ra ngành vận tải xe khách đường dài đã đánh mất niềm tin của hành khách quá nhiều. Đến nỗi nói tới xe khách, người ta ác cảm, e sợ gọi là hung thần, sát thủ. Giới chủ xe, tài xế, lơ xe, nhân viên điều độ, cấp lệnh, bảo vệ bến…những người trong cùng một ngành bị gọi vơ đũa cả nắm là tụi bến xe, bọn nhà xe…
Một một cuộc “trưng cầu dân ý” chớp nhoáng của người viết về việc làm sao tránh được nạn xe khách sát thủ. Kết quả thu được như sau:
Thứ nhất – Cấm khách đón xe dọc đường. Không có khách, xe sẽ không có đối tượng để giành giựt, khỏi đua tốc độ gây tai nạn, đặc biệt ở những đoạn đường dân cư đông đúc.
Thứ hai – Cấm xe dù hoạt động. Không được “đóng hụi chết” hàng tháng cho công an giao thông để tự do cướp khách, giựt khách của xe trong bến.
Thứ ba – Cấm cảnh sát vòi vĩnh “làm luật”, cố tình gây khó khăn để nhận tiền tháng, tiền chuyến. Phạt nặng các trung tâm dạy lái xe mua bán bằng lái…
Thứ tư – Chận đứng việc hối lộ mua tuyến đường, tranh tài, thuê bảo kê của một số chủ xe…
Nhưng trong thực tế, buồn thay, người đón xe dọc đường vẫn rất đông. Phần vì nhà sát đường. Phần khác, cả tỉnh lắm khi có một bến xe, người ở rải rác khắp tỉnh. Ra bến mua vé và ra đường vẫy xe, cách sau vừa nhanh vừa rẻ. Mỗi dịp tết lễ xong, dân Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình đứng vẫy xe vào Sài Gòn, dầy đặc vệ đường cả ngày lẫn đêm. Và không xe khách nào đủ can đảm từ chối những “trái mít” này.
Sáng ngày 10 – 8, trời vẫn mưa bão, đường về miền Trung, Tây nguyên đang bị cắt khúc, sạt lở, chìm trong bùn… Ra Xa cảng Miền Đông, kẻ viết bài lại thấy từng chiếc “high class” (cao cấp) tuyến đường Sài Gòn- Quảng Ngãi đói meo xuất bến. Cả chủ xe lẫn tài xế nét mặt đều ưu tư. Ngoài cây xăng gần cầu Bình Triệu, dăm người khách vẫn đứng đó với túi xách, va li. Xa xa vẫn lởn vởn bóng xe dù, và dĩ nhiên cả dăm cảnh sát giao thông.
Tất cả đều “vũ như cẫn”.