Đến với vùng trồng rau chuyên canh hàng trăm hécta, của huyện Châu Thành – tỉnh Tiền Giang, bạn sẽ trông thấy một mảng xanh rì của “vương quốc rau má. Không ai nhớ loại rau này có mặt trên đất Châu Thành từ bao giờ? Chỉ biết từ 30 – 40 ha (năm 1985), đến nay diện tích trồng rau má đã lên đến trên 400 ha Ruộng rau má bạt ngàn, chạy dài qua các xã: Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Tam Hiệp

Loại rau của người nghèo
Vào những ngày nắng, khi rau má hút hàng trên thị trường, giá tăng cao, cũng là lúc đồng rau tấp nập thương lái, chủ ruộng, tiếng máy tưới nổ giòn tan . Trò chuyện với tôi, các anh Hai Ước, Út Khởi cười: “Loại cây trồng này có “cơn” lắm. Khi thì đắt chợ, lúc rẻ như bèo”. Nhưng theo anh Út thì rau má đã làm cho cuộc sống của bà con nông dân đỡ hơn khi vùng đất này không thích hợp với cây lúa. Anh nhớ lại, mình vào nghề từ năm 1981. Mê nhất là mùa lũ năm 1996, nước dâng rất cao, gia đình anh cùng hai nhà nữa đắp đê bao, dùng máy tưới thoát nước ra, bảo vệ ruộng rau rộng 1 ha. Năm đó tất cả đồng rau đều ngập úng, chỉ riêng ruộng rau của họ còn nguyên. Với giá rau vọt lên trên 4.000 đồng/kg, họ thu lãi gần 30 triệu đồng.

Riêng Hai Ước, không giấu giếm, lúc nghề trồng rau bi đát nhất, đó là mùa mưa năm 1999, giá rau chỉ 100 – 150 đồng/kg. Nhiều chủ ruộng đã bỏ rau má – trồng lúa trở lại. Không ít người dùng thuốc xịt cỏ tận diệt rau má, để trồng những loại hoa màu khác. Các ông Bảy Sang, Ba Hoà, Một Y ở ấp Thân Hoà, Thân Cửu nghĩa bền chí hơn. Rau bán không được, họ cắt bỏ lớp rau già, bón phân, tưới nước chờ mùa sau. Thế là họ trúng đậm. Ai cũng biết qui luật cung – cầu và chuyện mưa nắng thương trường.
Nhiều nhà nông tận dụng đất mới lập vườn, trồng rau má và nuôi cá. Chú Tám Ngân trồng sa pô chê (hồng xiêm) trên mô, mặt liếp trống chú xen rau má. Anh Nguyễn Thành Ngọc lên mô trồng mận xanh đường, liếp trống anh cũng trồng rau má và tận dụng mặt nước của mương tưới, thả thêm ít cá con các loại. Với mô hình này, anh cho biết số thu nhân lên gấp đôi, ba lần, so với những người chỉ chuyên trồng rau.
Bức tranh đồng quê
Tôi trở lại “vương quốc rau má sau hơn năm năm. Vẫn sinh cảnh nhộn nhịp của ngày trước. Có điều Vùng Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp bây giờ thay đổi nhiều quá. Nhà xây dựng san sát. Nhiều ngôi nhà tôn, ngói mới mọc lên ngay trên những cánh đồng rau xanh mượt.

Hai giờ chiều, tiếng cười nói của những phụ nữ đi cắt rau bắt đầu rộn rã trên đồng. Ai cũng bịt khẩu trang kín mít. Nhìn đồng rau xanh ngút mắt, tôi chợt nhớ về vùng trồng rau ôn đới – miệt Đơn Dương, Đà Lạt (Lâm Đồng). Khí hậu ở đây ôn hoà, nên khi ra đồng chẳng thấy ai trùm đầu đuôi để bảo vệ sắc đẹp như ở ĐBSCL.
Rau má được cánh phụ nữ cắt, chất từng đống. Sau đó các thanh niên xếp thành những kiện hàng và xếp lên xe ba gác chở ra quốc lộ. Tại đây có thương lái chờ sẵn, dùng xe tải chở đi Sài Gòn và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nha Trang
Đến 7 giờ tối, mọi chuyện mua bán xếp rau lên xe xem như hoàn tất, những chuyến hàng ngược xuôi miền Đông, miền Tây, nối đuôi nhau đi trong đêm. Đây cũng là lúc “vương quốc rau” trở về với không khí đồng quê im ắng. Vẳng xa, bài hát “Chiều đồng quê phát ra từ chiếc tivi nhà ai, xen lẫn với tiếng trẻ con ngô nghê đánh vần, nghe mượt mà và tình tứ làm sao
TH