Menu Close

Theo phiên chợ nổi

Ghe chúng tôi len lỏi mãi mới vào được giữa chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) lớn nhất miền Tây. Chẳng ai biết chính xác có bao nhiêu ghe thuyền đang mua bán, ở đây vì người ta liên tục đến, đi. Chỉ có thể ước chừng cả đoạn sông lớn dài hơn 1 km ken đặc ghe thuyền, và ít nhất cũng có 400-500 chiếc thường xuyên có mặt trên chợ. Ngoài ra còn có hàng chục ghe thuyền bán tạp hóa, nước nôi, đồ ăn tới lui như con thoi để phục vụ dân thương hồ.



Thử trái cây trước khi mua

Mùa này trái cây miệt vườn đang rộ. Đủ loại dưa hấu, cóc, ổi, xoài, táo, măng cụt, chôm chôm, cam quít, dừa, khóm… bày bán ngồn ngộn trên sông nước dập dềnh. Cả một số ghe khẳm khoai, bí, mía cây từ miệt Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long cũng dồn về chợ. Hương nông sản hòa quyện với mùi sông nước, xăng dầu chạy ghe thuyền. Tiếng người cười nói, í ới hỏi hàng, đọ giá lẫn cùng tiếng máy nổ xình xịch. Tất cả tạo thành những hương vị, âm thanh riêng biệt khó lẫn vào đâu của chợ nổi trên sông.

Hôm nay, ghe gia đình Tư Hướng bán chạy hàng. Anh mua dưa hấu loại đầu giá 1.250 đồng/kg tại vườn, về bán ở chợ này kiếm 100 đồng/kg. Dưa nhỏ hơn giá 900 đồng/kg, nhưng bán cũng bộn nhờ người các chợ nhỏ mua về bán rẻ lại cho nông dân. Mỗi chuyến Tư Hướng trung bình lời 3-4 triệu đồng, thỉnh thoảng cũng có chuyến anh kiếm được 7 -8 triệu đồng bù đắp cho chuyến hòa vốn hoặc lỗ. Gần đó, ghe gia đình anh Hai Phương cũng bán sạch hàng. Rảnh việc, họ trét sơn lại vỏ ghe. Ở cuối chợ, chiếc ghe 16 tấn của chú Tám Tướng đã mua hàng gần xong. Anh bán ở chợ nổi Cà Mau, chạy ghe cả ngày lên Cái Răng để mua hàng về bán lại chứ không vào tận vườn như các ghe ở đây. Vừa ngồi trực tiếp chọn hàng, anh vừa nói với chúng tôi. “Mình ở miệt dưới, không rành trên đây. Nếu tìm vào vườn mua thì  chi phí cũng đội lên như mua lại ở chợ này mà còn cực công, mất thời gian hơn”.

Rời chợ nổi Cái Răng, chúng tôi về miệt lúa An Giang, ghé thăm chợ nổi Long Xuyên. Trời âm u mưa, nhưng mấy trăm ghe thuyền vẫn đang tấp nập mua bán. Chợ nổi này có lẽ chỉ nhỏ hơn Cái Răng một chút, hầu hết cũng đều mua bán sỉ. Dân thương hồ tứ xứ đổ về chợ để bán lại cho những người mua bán ở các chợ trên bờ An Giang, Kiên Giang. Thỉnh thoảng thương hồ hai chợ Cái Răng, Long Xuyên cũng chạy qua chạy lại, tùy lúc chợ này đông hay chợ kia vắng khách. Họ í ới hỏi thăm tình hình qua điện thoại.

 Những chiếc ghe đầy ắp hàng

Giữa sông Tiền mùa mưa gió, nhiều ghe phải neo lại thành từng chùm để nương tựa vào nhau, giảm bớt sóng gió. Ở giữa sông, vợ chồng anh Nguyễn Văn Liệt đã bán được khoảng 1/3 hàng khóm trên chiếc ghe 8 tấn. Mùa khóm rộ, giá rẻ, nhất là loại trái nhỏ. Chúng tôi ngồi nhìn họ đếm mỏi tay cả 100 trái mà chỉ bán được có 25 ngàn đồng. Chị Liên – vợ anh Liệt – vẫn tươi cười: “Không sao, Lúc này lúc kia mà. Phải chia sẻ nhau sống, chứ dân quê nghèo mà cứ giá cao thì làm sao mua bán nổi”. Lòng dạ thương hồ thẳng tuột, họ chẳng giấu nhau điều gì, kể cả chuyện lời lỗ. Vợ chồng chị chọn nghề lênh đênh sông nước mười năm cứ nghèo, nhưng họ vẫn hạnh phúc.

Ở chợ nổi Long Xuyên, đa số dân thương hồ chỉ chọn bán một loại hàng. Ghe chuyên bán khóm, ghe chuyên bán bí, dừa, khoai, chuối. Khách hàng tùy nhu cầu sẽ cặp ghe họ. Việc cạnh tranh bán phá giá hay xung đột hầu như không có. Khi chúng tôi cặp ghe vợ chồng anh Bé Năm, hàng khóm đã bán gần hết. Đôi vợ chồng đi ghe hơn mười năm có con gái, con rể cũng theo nghề ghe. Họ đã có ghe riêng bán ở miệt Thoại Sơn, Châu Đốc… Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tào – vợ anh Bé Năm – cho biết nghề thương hồ bây giờ vẫn sống được nhưng khó khăn hơn trước: “Người bán đông hơn. Một gia đình đi ghe lâu thế nào cũng có thêm một vài đứa con theo nghề, sắm ghe riêng. Chưa kể nhiều người quê bây giờ không đất cũng ráng sắm một chiếc ghe nhỏ kiếm sống. Rồi đường sá tốt hơn, nhiều khách hàng chuyển sang mua bán trên chợ cho tiện”. Tuy nhiên, đa số thương hồ vẫn nói sẽ không rời ghe, vì dù sao cũng dễ kiếm đồng ra đồng vô hơn làm ruộng.

Tuy thế, hôm ở chợ nổi Gành Hào miệt Bạc Liêu, chuyện anh Mười Đủ làm tôi nhớ mãi. Anh muốn con cháu anh rời khỏi kiếp sống thương hồ. Cuộc sống cần phải thay đổi thì mới khá hơn. 10 năm lênh đênh sông nước đã không mang lại cho anh những gì mình ao ước. Con cái không chữ không nghĩa thì làm sao có thể hơn đời cha chú. Vì hoàn cảnh mà anh phải đóng ghe mua bán trôi theo con nước lớn ròng. Cuộc đời rồi cũng chừng ấy thôi, vốn liếng không nhiều thì làm sao thoát cảnh nghèo được.

Giờ thì anh đã thực hiện được ước mơ lên bờ và cảm thấy con đường mình chọn là đúng. Vâng, đúng trong hoàn cảnh của anh. Mỗi người mỗi cảnh – tôi nói như lời ủng hộ cho anh. Thế hồi anh còn là người thương hồ, anh muốn bán ghe thì anh treo chiếc ghe lên à? Câu hỏi cắc cớ của tôi làm anh Mười Đủ cười ha hả.

Cũng nhờ anh Mười Đủ mà tôi biết thêm một chuyện có dịp để bắt bí bạn bè. Anh Mười nói, thường thì dân thương hồ ít khi chịu lên bờ sống. Cả đời họ sống dưới ghe, quen rồi. Ghe là nhà, là cả vốn liếng, và trở thành cái nghề mà người ta gọi là “thương hồ sông nước. Tuy cuộc sống bập bềnh, lênh đênh nhưng không đến nỗi khổ. Chỉ có số ít người như tôi mới nghĩ chuyện phải lên bờ. Vì tương lai con cái. Lên bờ thì phải  có mái nhà. Tấm lá chầm biểu trưng cho mái lá nhà quê, nên ghe ai treo tấm lá chầm lên là biết người ấy muốn bán ghe bỏ nghề sông nước. Quả thật tấm lá chầm mang nhiều ý nghĩa.

 

Hầu hết dân thương hồ mà chúng tôi được gặp ở các chợ nổi đều có cuộc sống trung bình. Sau mỗi tháng lênh đênh, họ chỉ dư được vài triệu đồng đủ đắp đổi qua ngày hoặc nuôi cha mẹ già, con nhỏ đi học trên bờ.

Buổi chiều ở chợ nổi Long Xuyên, anh em Hai Xế ngồi nhâm nhi rượu đế với mấy con khô nướng trên mui ghe được bọc inox sáng choang và không giấu sự tự hào về thương đoàn của gia đình đông nhất chợ: “Dân đi ghe miệt này ai cũng biết đoàn ghe Hai Xế, vì bảy chiếc ghe của chúng tôi lúc nào cũng cặp kè và chỉ bán dưa hấu với bí rợ”. Hai Xế kể cách nay 25 năm, lần đầu tiên anh bước xuống chiếc ghe nhỏ xíu chỉ để thoát cảnh nghèo trên bờ?. Rồi sự siêng năng và đầu óc biết tính toán đã giúp họ phất lên, nâng cấp được xác ghe có tải trọng gần 30 tấn. Mấy người em Năm Lân, Kim Lợi, Chí Nhọn, Út Tài… cũng lần lượt theo chân anh xuống ghe và khấm khá dần với nghiệp gạo chợ nước sông.

Người em nhỏ nhất là Út Tài mới 32 tuổi đã 13 năm kinh nghiệm đi ghe cho rằng buôn bán trên sông nước bây giờ khó hơn trước, nhưng nếu giỏi chuyển đổi vẫn sống được. Anh em Út Tài thuê xe tải ra tận Quảng Ngãi, Đắc Nông, Bình Phước tuyển hàng “ngon” đưa về bảy chiếc ghe chở đi bán. Các thương hồ có một hai ghe khó làm được như vậy vì không chịu nổi chi phí. Út Tài bế đứa con nhỏ xíu trong lòng, cười sảng khoái: “Người già nhất có mặt trong đoàn ghe chú tôi 68 tuổi, nhỏ nhất thì còn ẵm ngửa. Chưa tính ông bà già đi ghe đến năm 88 tuổi mới lên bờ”.

Anh em Hai Xế cưa cạn chai rượu, cho hay họ muốn dâu rể tương lai theo nghiệp chợ gạo nước sông, “vì dù sao nó cũng tự do, thoải mái hơn nhiều nghề trên bờ”. Sóng dập dềnh trên sông Tiền đầu mùa lũ làm những người đang bàn chuyện làm ăn trên mui ghe lắc lư theo tiếng cười hào sảng. Hôm nay họ bán ế vì mưa gió ảm đạm, nhưng họ tin ngày mai mặt trời sẽ sáng rạng hơn”.

NT