Làng bánh tráng
Lau lắm rồi tôi mới có dịp ghé qua xã Hiệp Phước – nơi trước đây nghe nói có nhiều nhà làm nghề bánh tráng bỏ mối cho các chợ ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Trước năm 1975, hơn phân nửa dân sống ở đây sôáng bằng nghề làm bánh tráng. Ngày nay, làng nghề này đã dần mất đi nghề truyền thống do một phần diện tích bị thu hẹp do việc phát triển dân cư và các khu công nghiệp.
Bánh tráng hiện diện khắp mọi miền. Miền Bắc gọi là bánh đa, có rắc mè, miền Trung thì có bánh tráng ruốc, mè. Miền Nam thì có bánh tráng phơi sương để cuốn thịt ba rọi, rau sống, hoặc chiên chả giò.
Bánh tráng để bao lâu cũng được. Không bị mốc hoặc hư hao, có thể cất trong tủ bếp dự trữ như một thứ lương khô, khi cần đãi khách, có ngay.

Bánh tráng Hiệp Phước làm bằng thứ bột gạo pha nước. Bí kíp pha trộn là bột gạo và thêm tí bột mì sẽ giúp bánh khi nhúng nước dẻo nhưng cầm không dính tay. Bà Tư Trầu có hơn 40 năm làm nghề bánh tráng ở Hiệp Phước cho biết: “Mỗi ngày lò của bà chỉ làm ra 20 kg bán cho các chợ ở huyện Củ Chi. Ngày nào cũng vậy cứ 6 giờ sáng là có người đến lấy hàng. Bán ít nhưng đều đặn mỗi ngày cũng có tiền chợ, tiền thức ăn cho hai con bò sữa”. Bà cho biết thêm: “Làm nghề này chỉ sợ những ngày mưa không có nắng để phơi bánh tráng, chứ cũng chẳng cực nhọc gì. Bao nhiêu năm quen rồi, ngồi không cũng thấy buồn tay. Làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

Đi dạo quanh xã Hiệp Phước, vài nhà đang đem giàn bánh ra phơi trên mặt lộ dựa mé rạch. Vài nhà khác đang nhóm lửa bập bùng chuẩn bị bột gạo trong các diệm sành to bằng cái thúng. Một người thoăn thoắt tráng, một người dỡ bánh thả lên giàn lưới tre cho ráo nước trước khi mang ra phơi nắng.
Khó cứu nổi nghề
Ông Chín Quới nhà ở cuối đường làng tâm sự: “Dẫu biết bỏ nghề của ông bà truyền lại là không phải, nhưng làm ăn mà không kiếm được bao nhiêu lại bị con cái cằn nhằn mãi. Trong khi đó, khu công nghiệp mới xây ở cách xã có chừng cây số, lại có phòng cho công nhân thuê ở, kiếm được đỡ hơn và không phải vất vả gì cho dù mưa hay nắng”. Ông nói: “Trước đây ông có hơn mẫu đất làm đậu phộng. Chia cho các con xong ông còn được một công. Xây dãy nhà 5 phòng kiếm được triệu rưỡi mỗi tháng, chi dùng cũng đủ cho hai vợ chồng già. Còn đất chia cho mấy đứa con thì tụi nó bán trụi hết bỏ lên thành phố làm ăn. Tụi nó lớn rồi, biết tính thì sướng không biết thì khổ. Cha mẹ chỉ cho con cái được như thế cũng là may mắn hơn nhiều người.”
Không khác hoàn cảnh của ông Chín Quới, chị Thơm, anh Thìn cũng bỏ nghề làm bánh tráng hơn năm nay: “Muốn duy trì được nghề, thì phải kiếm đủ tiền nuôi sống mình. Giờ làm thì cực mà kiếm chẳng đáng là bao. Hơn nữa, bánh tráng thì nhiều nơi như Hốc Môn, Bến Lức người ta cũng có làm. Chỉ chống chọi với sự cạnh tranh cũng đủ mệt rồi, còn đầu óc đâu để mà ngồi cả ngày tráng bột”.

Hơn nữa bánh tráng giờ đã có nhiều lò bán công nghiệp sản xuất để xuất cảng và tiêu thụ nội địa. Bánh tráng này được sấy khô không cần phải phơi nắng. Vừa vệ sinh lại vừa mau, giá rẻ hơn.
Xã Hiệp Phước hiện nay chỉ còn hơn chục gia đình làm bánh tráng theo lối cổ truyền. Nhiều khu nhà trọ của công nhân mọc lên khắp nơi thay thế dần những lò bánh tráng và có lẽ chẳng bao lâu nữa, những chiếc bánh tráng Hiệp Phước, to bản, dẻo ngon nổi tiếng một thời chỉ còn trong ký ức.