Menu Close

Cái bang nhí ở Sài Gòn

Ngày 1 tháng 6, ngày Quốc tế thiếu nhi, năm nay lại đến! Các ông bố bà mẹ Sài Gòn hăm hở dẫn con đi mua sách, mua truyện, bánh kẹo, quần áo, máy games, xem múa rối, xiếc thú… Trong vườn Tao đàn, Sở thú, Cung thiếu nhi, đâu đâu cũng tràn ngập bóng dáng xinh đẹp, thơm tho của bọn trẻ hạnh phúc. Tiếng cười rộn rã……   

    Nhưng không phải trẻ em nào cũng có “Ngày thiếu nhi” như bọn trẻ Sài thành. Con số thống kê gần 200,000 học sinh từ tiểu học đã bỏ học trong niên khóa 2007- 2008 mà theo Tiến sĩ Mai Ngọc Luông- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học- Tâm lý Sài Gòn thì “Học sinh bỏ học nhiều vì các em cũng như gia đình các em thấy rằng đi học không giúp ích được gì cho cuộc sống… Ở vùng khó khăn thì trường lớp xập xệ, tạm bợ, xuống cấp, học sinh quá nghèo, cơm không đủ no, sau giờ học phải đi làm kiếm sống, đường đi học quá gian nan”.

Không hề “cọp dê” ý kiến của nhà khoa học Mai Ngọc Luông nhưng  các bà mẹ ông bố quê Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi đều phát biểu tương tự. Cái lý của họ là “Học tốn kém cả chục năm trời, làm không ra tiền, học ích chi”.

Nghỉ học vì nhà nghèo. Là một trong những lý do chính đáng. Nhưng nghỉ ở tuổi lên năm, lên mười để lên nương rẫy, vào rừng đốn gỗ lậu, đi đào vàng…đều chưa đủ sức. Vậy làm gì ra tiền?

Nhiều bậc phụ huynh “nẩy ra sáng kiến” gửi con ra Hà Nội, vào Sài Gòn hành nghề “lạy ông đi qua, lạy bà đi lại”.

Một em bé tại nhà trẻ Củ Chi. Trước em bình thường, nhưng bị các bà mẹ giả biến hai tay em thành khèo để dễ xin ăn

 

Cái bang nhí

    Hiện Sài Gòn có độ 10,000 trẻ em xin ăn. Một phần ba trong số đó là trẻ Campuchia. Chỗ còn lại, đa phần đến từ miền Bắc miền Trung. Những đứa bé ốm yếu như mèo hen, ngủ li bì trong lòng “mẹ”, hay bị phơi nắng trên vỉa hè như phơi cá khô.

Bọn trẻ ăn xin gốc tỉnh Xvay Riêng, năm 1996, từ Campuchia tràn sang Việt Nam, đã bị áp giải về bên kia biên giới. Nhưng hiện nay, mỗi sáng đi qua vòng xoay Lăng Cha Cả, kẻ viết bài vẫn gặp chúng, đen nhẻm, không nói tiếng Việt, len lỏi trong dòng xe cộ, chìa những chiếc ca nhựa xin tiền, thỉnh thoảng lấm lét nhìn “mẹ mình, ngồi giám sát cách đó không xa. Những bà bán bán thuốc lá đầu đường Cộng Hòa kể một “mẹ” Campuchia thường “chăn” ba cho tới năm “con”. Mẹ nào có giang sơn nấy, không xâm phạm địa bàn người khác. Trẻ đi xin chỉ quanh quẩn trong tầm mắt của mẹ. Vài tiếng đồng hồ phải về nộp tiền một lần.

    Khác với cánh ăn xin Campuchia xấu mã, lầm lì, ở Sài Gòn còn nhiều chiêu ngoạn mục. Smith – người Mỹ – kể một lần anh từ văn phòng đại diện ở đường Nguyễn Huệ về nhà, ngang công viên Chi Lăng gặp ba cô bé mũm mĩm dễ thương, mặc áo đầm, nhảy dây, hót tiếng Anh như chim, khiến anh rất có cảm tình, nhưng khi anh mới  xoa đầu chúng là nghe câu “give me money, please”,  khiến anh choáng váng. Vài du khách người Nhật, theo tầu biển cặp cảng Sài Gòn, lên thăm chợ Bến Thành thì lại gặp trẻ ăn xin bám theo dai dẳng, chìa những bàn tay bẩn thỉu đụng vào người. Chừng thoát được vòng vây của chúng, thì ví tiền, điện thoại, kính mắt đã bị “bay hơi” hết.

Bỏ học đi làm ruộng


Nhức nhối và bất lực

    Đi vào thế giới ăn mày mới thấy muôn mặt. Nhằm đánh vào lòng trắc ẩn của người cho tiền, nhiều người biến những trẻ lành lặn thành tật nguyền bẩn thỉu, hôi hám, dạy chúng học thuộc những câu xin tiền, cả cách xin, điệu bộ xin. Một lần vào quán bún bò quán Đông Ba trên đường Nguyễn Du, kẻ viết bài đang ăn bỗng…nghe nhột ống chân. Giật mình nhìn xuống, thấy một bàn tay nhỏ xíu khều khều. Chưa kịp định thần, đã thấy đứa bé thì thụp lạy như tế sao. Đành móc ví lấy ra tờ mười ngàn…

    Về huyện Quảng Xương – Thanh Hóa, hỏi thăm các trường phổ thông xã Quảng Khê, Quảng Nham, Quảng Lợi… mới biết trường nào cũng có học sinh bỏ học nửa chừng. Trong đó riêng xã Quảng Lợi là có nhiều học sinh bỏ học nhất. Thầy cô chỉ nghe nói “Cháu nó học kém quá, xin nghỉ, vào Nam thăm họ hàng ít tháng” qua lời phụ. Cho tới khi công an đem trả về xã bọn trẻ “đi thăm họ hàng ít tháng” nọ, mọi người mới té ngửa. Những đứa bé ốm o, câm nín, những thân hình tàn tật, ghẻ lở kia từng là những học sinh hồn nhiên chạy nhảy chơi đùa trước đây.

    Mẹ em Xuồng ôm lấy con khóc nức nở “Có biết là con bị hành hạ cho mù, cho què như vậy đâu. Họ gửi năm trăm ngàn một tháng, nói tốt nói lành”

Sau 33 năm “giải phóng”, điều nhà cầm quyền đương thời làm được, làm tốt là nâng cao đời sống của một số người có quyền, có chức, giúp con em, cháu chắt của họ được vị trí cao, những chỗ “ngon ăn” trong mọi ngành nghề, công sở, bất kể tài năng. Các cán bộ thi nhau gởi con, gởi cháu sang du học châu Âu, châu Mỹ. Cán bộ A ở công ty X “đề xuất” con cán bộ B du học Hoa Kỳ, thì cán bộ B ở công ty Y lại “kiến nghị con cán bộ A tu nghiệp ở Thụy Điển… Người dân đen, ở những địa phương từng là “thành trì của cách mạng trước đây cũng không kém cạnh, cũng thi nhau gởi gắm con, cháu của mình đến những thành phố lớn để xin ăn, như bài phóng sự bạn vừa đọc.

XH