Menu Close

Đổi Đời từ bãi rác

Từ sáng đến chiều, cứ bươi, tìm kiếm tất cả những gì bán được trong bãi rác Gò Dưa. Người thu mua ngồi giăng bạt trên miệng hố rác, người bới rác, chờ chuyến xe rác vào bãi là xông vào…

Đó là lời kể của Tâm, quê ở Thanh Hóa vào Nam được hai năm và cũng thời gian đó Tâm kiếm sống trên bãi rác Gò Dưa ở huyện Bình Chánh.

Miếng cơm

Tại bãi rác, những người mua phế liệu chờ mua ngay tại chỗ

   Tâm nhớ lại thời gian đầu mới vào Sài Gòn, trong túi chỉ còn có hai chục ngàn bạc, không biết ngày mai cuộc sống sẽ ra sao.  Trong lúc trú mưa cùng một phu xe rác, Tâm ngỏ ý xin đi theo phụ để kiếm cơm. Biết hoàn cảnh của Tâm, người phu rác bảo theo xe đến bãi rác Gò Dưa giới thiệu cho vào bãi nhặt đồ phế liệu.

   Ở bãi Gò Dưa có chừng chục người đủ mọi lứa tuổi. Lớn nhất là chị Mận 45 tuổi và nhỏ nhất là Thìn 12 tuổi. Tất cả đều là dân miền Bắc vào Nam kiếm sống. Mới nhập bọn, ban đầu Tâm cũng sợ tranh giành công việc, không ngờ, những kẻ nghèo hèn lại giúp nhau chí tình chí nghĩa.

   Tâm cho biết, ở bãi rác này không ai tranh giành người khác. Mỗi người tự quy định với nhau phần loại phế liệu mà mình thu lượm. Hôm nay người này kiếm bao nhựa, người khác giấy vụn bao bì carton, thì ngày mai đổi lại.

   Ở bãi rác Gò Dưa, mỗi con người nơi đây là một cảnh đời éo le.  Sau khi chồng chết vì tai nạn giao thông, gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, chị Mận dắt thằng Thìn vào Nam nhờ người quen đi trước giới thiệu vào bãi rác. Người nọ nối tiếp người kia. Từ sáng đến chiều họ hì hục, đào xới, bươi móc như bầy gà đi kiếm mồi. Quần áo lấm lem, hôi hám nhưng lại không thiếu tiếng cười.

Mỗi một chiếc xe rác vào bãi là niềm vui của người dân kiếm sống trên bãi rác


Mong muốn đổi đời

Tâm kể sẽ để dành tiền học nghề sửa xe honda. Tôi hỏi Tâm trong thời gian học nghề thì lấy tiền đâu ra để sống. Tâm nói phải thức sớm ra bãi làm đến trưa, chiều đi học việc đến tối. Chủ tiệm có hứa lo cho phần cơm chiều. Không phải chỉ có Tâm muốn kiếm cái nghề để thay đổi cuộc đời mà chị Mận cũng muốn cho thằng Thìn được trở lại trường học. Chị nói: “Đời tôi thất học đã đành, chẳng lẽ đến đời con suốt đời lặn ngụp kiếm sống trên bãi rác. Có lần tôi thấy nó nhìn chăm chăm lũ học trò đi học mà lòng tôi thấy xót xa”.

Hoàn cảnh chị Mận xem ra khó khăn hơn Tâm, chị phải nuôi con và cuộc đời của nó còn dài. Nhưng Tâm hứa, đến khi học nghề xong sẽ phụ với chị Mận lo cho thằng bé. Những ngày đầu vào Sài Gòn, chị Mận cũng đã giúp đỡ nó nhiều.

Một xe rác lại đến vừa trút xuống những đống rác bốc mùi hôi hám.  Ruồi nhặng bu đầy và chục con người giữa trưa nắng cũng bu vào dùng móc sắt nhặt nhạnh những thứ cho vào cái bao bên hông. Tâm nở nụ cười, giơ tay chào tạm biệt.

Bé Tâm và các bạn trên bãi rác Gò Dưa

NL