
Tìm nhà ông Vy
Từ Sài Gòn, vượt hơn 1200 cây số, mất gần 27 tiếng đồng hồ ngồi xe đò, kẻ viết bài xuống cầu Mỹ Trung, cách Đồng Hới – Quảng Bình hơn 20 cây số, hỏi đường vào thôn Long Đại – xã Hiền Ninh nơi gia đình ông Vy đang sống.
Đường về Hiền Ninh rất xa, hai bên đồng ruộng bát ngát, thôn xóm hiền hòa. Trong thôn khá nhiều nhà gạch na ná một kiểu như nhau. Ngoài cùng là ao, rồi tới sân gạch, phía sau là cây rơm, nhà ở vị trí chính giữa, có ít cây trái, rau cỏ xanh tươi vây quanh. Thôn này nối với thôn kia, xã này nối xã nọ, bởi những con đường lát đá, hay đắp đất nện phẳng phiu. Nếu không nhờ anh xe ôm là người địa phương làm hướng đạo thì dù địa chỉ cầm tay, vẫn không tài nào tìm ra nơi muốn đến. Vì trong thôn nhà nào cũng giống nhà nào, đã vậy còn không có số nhà.
Sau một buổi vòng vèo qua nhiều đường ngang ngõ tắt, cuối cùng tôi cũng tới được nhà ông Vy. Tiếp khách ở gian nhà giữa, đồ đạc sơ sài, ông Vy vì nặng tai một bên, nghe khó khăn nên ông nhường cho bà vợ nói chuyện. Bà Vy kể sinh sáu con, thì con cả – Nguyễn Hữu Uy, 43 tuổi, con gái thứ Nguyễn thị Thuần, 34 tuổi và con gái út Nguyễn thị Liên 17 tuổi đều bị mù bẩm sinh. Ba người con còn lại thì phát triển bình thường, hiện đã dựng vợ gả chồng, ra ở riêng. Nhà chỉ còn hai vợ chồng già – chồng 67 tuổi, vợ 65 tuổi, nuôi ba người con mù nọ. Về sinh kế hàng ngày, gia đình lãnh 6 sào ruộng. Năm không lụt bão thì tạm đủ ăn. Ngoài ra, chỉ thêm một sào đất, vừa làm nhà ở, vừa trồng rau đậu chung quanh, nuôi thêm đàn gà.
Ông Vy làm chân phụ việc thôn mấy chục năm liền. Tới tuổi 60 về nghỉ, không có tiền hưu bổng gì vì theo quy định thì chỉ cán bộ xã trở lên mới có chế độ hưu trí.
Cũng cần mở dấu ngoặc để nói thêm, những trường hợp gia đình có con cái bị dị tật, hoặc người già sống đơn độc dưới mức nghèo khổ, không cứ thôn Long Đại – xã Hiền Ninh mà hầu như xã thôn nào ở Quảng Bình cũng có. Khi biết kẻ viết bài xuống thăm gia đình ông Vy, nhiều người đã tìm tới, mách nhiều địa chỉ khác mà theo họ cũng rất thương tâm, cần giúp đỡ.
Từ một bài báo

Trả lời thắc mắc tại sao gia đình ở nông thôn, không quen biết ai, lại được nhiều tấm lòng hảo tâm khắp xa gần tìm tới, ông Vy bảo ở Việt Nam trước cũng có một viết một bài về cảnh ngộ khó khăn của gia đình ông, đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 13 tháng 3 năm 2008. Sau khi báo đăng, một số độc giả tìm tới tận nhà cho tiền, hoặc gửi tiền qua bưu điện. Kẻ viết bài hỏi “có ai là người nước ngoài hoặc Việt kiều Mỹ không?” Ông bảo có, trên dưới hai chục người. Có người cho một hai trăm đô, người năm chục đô. Mỗi lần có tiền, bưu điện lại gọi đi lãnh. “Tiền lãnh về làm gì, để chữa bệnh hay cho các con học hành?”. Học hành thì cũng có nghĩ tới, từ lúc chúng còn nhỏ. Nhưng xã không có trường lớp riêng cho người mù. Gửi học xa trên tỉnh thì tốn kém, lại không ai theo trông nom. Đành để ở nhà, chịu hai cái mù- mù mắt lẫn mù chữ. Nghĩ tới lúc mình chết, bỏ con lại chẳng biết ai lo, buồn và lo lắm, nhưng không biết làm cách nào. Tự dưng bây giờ được nhiều người thương, cho tiền, gia đình đem gửi tiết kiệm hết, mỗi tháng lấy tiền lời nuôi các con.
Nhìn trong cuốn vở học trò, bên cạnh tên ân nhân trong nước, thấy những tên ân nhân sống ở Mỹ như Hồ Ngải, Phạm Hữu Đông, YM, Hiền Tùng, Minh Phương D.O, Nguyên Thảo, Tuyết, Hoàng Chi, Phương Uyên Se, Vân, Kim Huỳnh, Anh, Lang- Phụng, Nguyễn Vinh, Nguyễn Mai, Đào Bạc, Thạnh được ông Vy viết trang trọng, ngay ngắn. Sau tên họ là ngày nhận tiền, số tiền, nơi gửi tiền.
Lấy ra số tiền ba trăm đô la do tòa soạn báo Trẻ ủy thác lần đầu, kẻ viết bài nói vắn tắt “của bạn đọc và tòa soạn báo Trẻ ở Dallas- Texas gửi giúp các em”. Bà Vy mừng rỡ, vào trong dắt ba con ra chào. Anh cả Nguyễn Hữu Uy lí nhí mấy câu cám ơn. Hai em gái trắng trẻo, yếu ớt, vóc dáng như trẻ lên mười, không nói gì, chỉ ngồi yên. Ông Vy kể em út Nguyễn Thị Liên, năm 12 tuổi ngã xuống giếng tưởng chết. Khi vớt lên, suốt 5 năm nay, ai hỏi gì, bảo gì cũng không nói được, cứ ngơ ngơ ngác ngác. Cô chị, Nguyễn Thị Thuần, thì đỡ hơn một chút.
Nói về ước mơ, Uy nói nhỏ nhẻ như con gái, ước có cái radio tốt. Vì radio mua ở đây, toàn bị “hàng đểu”, dùng ít lâu đã hỏng. Còn ước mơ của Thuần? Khó khăn lắm em mới nói được ba tiếng rời rạc “coong – muốn – học”. Liên thì vẫn im lìm. Với tuổi mười bảy ngây dại của em, hai chữ “ước mơ từ lâu đã hóa thành vô nghĩa.

Chơi với Uy và Thuần một lúc, kẻ viết bài cầm tay hai em đặt lên mặt mình, “hai em sờ mặt đi, để hình dung ra người nói chuyện với mình” Bàn tay Thuần trắng, mềm héo, ướt mồ hôi. Bàn tay Uy cũng mỏng, gầy. Hai bàn tay thận trọng lướt trên mắt mũi, trên tóc, trên vai kẻ viết bài . Tấm ảnh chụp hai em, chụp toàn gia đình ông Vy trước hiên nhà, được chụp rất nhanh.
Tấm hình cho thấy ở vị trí đáng lẽ là đôi mắt mở lớn, đôi đồng tử tinh anh, đôi rèm mi cong duyên dáng của ba anh em Uy, Thuần, Liên, lại chỉ là những vết lồi lõm, dính kín. Bà Vy bảo đẻ ra, thấy mắt mũi con thế, chỉ biết đấm ngực khóc. Người ta nuôi con vất vả một, mình vất vả hai ba. Không dám rời con ra một bước. Cho ăn, tắm rửa, rồi đặt ngồi một chỗ. Từ bé đến giờ vẫn vậy. Chỉ có mỗi lần, quên trông chừng, để Liên một mình lần ra vườn, ngồi trong nhà, nghe tiếng nấc, tiếng quẫy, chạy vội ra giếng nhìn xuống chỉ thấy chút tóc đen đen Tới giờ, hai vợ chồng già, hàng ngày vẫn phải cơm nước, chăm chút ba đứa con. Đứa thì yếu ớt, đứa ngơ ngẩn còi cọc, đứa lại mất trí hẳn. Được cái chúng không biết đòi hỏi, không phá phách
Kết thúc chuyến đi. Từ biệt mảnh đất Quảng Bình nóng hơn 38 độ, lại vượt 1200 cây số, về lại Sài Gòn, ngồi “tường trình” cho độc giả những tin tức về gia đình ông Nguyễn Hữu Vy, và chuyển lời cám ơn của ông Vy tới những tấm lòng vàng tuy ở xa, chưa từng quen biết, nhưng lại vô cùng đáng quý. Ông nhờ thưa rằng: “Tất cả những gì các độc giả gửi tặng, gia đình đã nhận đủ, và hứa sẽ sử dụng một cách thận trọng, đúng việc”.