
Người Chăm sinh sống ở Bình Thuận và Ninh Thuận giữ lại cho mình hai làng gốm đất nung nổi tiếng là Bàu Trúc (Ninh Phước, Ninh Thuận) và xóm Gọ (Phan Điền, Bình Thuận). Nếu Bàu Trúc lừng danh với những chiếc lu gốm to đựng nước đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm; thì ở xóm Gọ cả nghìn năm nay công việc vẫn trôi chảy đều đặn. Những đồ gốm Chăm ở đây bán khắp mọi miền không sợ thiếu người mua. Mọi người vẫn quen gọi đây là gốm Bắc Ninh (Bắc Bình là tên huyện cũ – nơi xóm Gọ tọa lạc – thời Ninh Thuận và Bình Thuận còn được gọi chung là tỉnh Thuận Hải).
Nghề gốm nung

Từ chợ Lầu, cậu thanh niên ở một quán nước đã chỉ đường cho tôi thật rành rẽ: “Anh đến trường Tiểu học Phan Điền, có con đường đất nhỏ rẽ vào là tới. Nơi đó nhà nào cũng làm gốm”. Xóm Gọ làm gốm dễ chừng đã nghìn năm. Đời này nối tiếp đời kia, nhưng chỉ có những người con gái lớn lên mới tập tành nhồi đất, còn đàn ông thì đi lấy đất, nhào trộn. Đất lấy cách đó khá xa, nơi có tên Xuân Quang. Đất sét ở đây không cần sàng sẩy, khi trộn với nước là biến thành một màu đỏ hồng. Gốm chưa nung lửa đã có màu đẹp. Giữa trưa nắng chói chang, tôi hỏi người phụ nữ gánh gốm: “Khi nào thì nung gốm hả chị?”. “Cứ một giờ chiều, gió lên mới nung được”. Tôi men theo một con đường của những người gánh gốm đến một con đê, nơi đủ loại gốm đã được xếp sẵn. Người đàn ông chất gốm đốt lò, giải thích cho tôi cách thức: “Cứ một lớp gốm là một lớp củi. Đợi gió lên là đốt”. Để tạo màu đen, dùng nước vỏ thị hắt lên khi gốm còn nóng rực.
Giá mỗi chiếc chừng 1,000đ., nồi vụ lớn 8,000đ. Nếu nung chín, bán 2,500đ, nồng vụ 25,000đ. Người giàu mua gốm theo giá không thay đổi bỏ cho vựa, người cần mẫn lại chở gốm đến mọi miền đất nước để bán. Gốm Chăm xóm Gọ chưa bao giờ ế hàng!
Những người phụ nữ

Có 3 người phụ nữ làm gốm ở xóm Gọ này từng sang Nhật. Không phải đem những mặt hàng gốm đất nung Chăm đi trưng bày, mà họ sang Nhật để giới thiệu nghề làm gốm. Họ là bà Đinh Thị Bậu (66 tuổi), Định Thị Sánh (65 tuổi) và Đinh Thị Hiệu (62 tuổi). Đó là vào năm 1966, họ đến Nhật ba tháng để làm gốm đất nung và dạy nghề nung gốm. Đó là niềm tự hào cho họ, 3 người phụ nữ xóm Gọ đã tạo ra những sản phẩm gốm nung chỉ bằng đôi tay khéo léo của mình mà không phải ai cũng làm được.
Tất cả những người phụ nữ ở xóm Gọ đều biết làm gốm, dẫu theo họ nói thì chẳng thể nào giàu được với nghề. Chị Bá Thị Lớn (37 tuổi) cho biết tuổi nghề của chị đã được 30 năm. Mẹ chị là bà Ba Thị Ngửi đã 70 tuổi cũng đang làm gốm. Bà Ngửi cùng với các bà: Minh Thị Hồng, Nguyễn Thị Hồi, Đinh Thị Bồi, Đơn Thị Hiện, … đều đã trên 70 tuổi vẫn gánh gốm theo những chuyến xe đến tận hang cùng ngõ hẻm rao bán.
Khác ngày xưa chăng là bây giờ nhiều người đàn ông trong nhà không còn gắn bó với gốm mà lại tha hương mọi miền bươn chải kiếm sống. Còn những người đàn bà thì học vừa đủ biết mặt chữ, lại tiếp tục gắn đời mình với gốm ở xóm Gọ nhỏ bé này.