Ông Hai Quới, chủ một nhà dệt có đến hơn 10 khung gỗ chạy bằng mô-tơ cho chúng tôi xem một mẫu hàng lãnh Mỹ A còn lại trong đợt giao hàng vừa rồi. Tấm vải khổ rộng mét sáu được trải lên bàn khách. Màu đen tuyền óng ả và mềm mại khi cầm trên tay. Thử hai nếp vải ép vào nhau, rồi dùng hai ngón tay cái và trỏ chà sát qua lại vài lần, rồi đưa chỗ vừa chà lại gần đầu biên vải còn lơ thơ những sợi tơ, đúng là hàng thiệt, không pha nylon.
Ông Quới nói: – Tôi làm nghề này hơn năm chục năm rồi. Cái nào dệt tơ ra tơ, cái nào dệt tơ pha nylon rõ ràng cả. Hầu hết tôi làm hàng theo đơn đặt hàng do khách yêu cầu. Hơn tám mươi phần trăm hàng của tôi được mang ra nước ngoài. Ngay cả màu nhuộm cũng bằng trái mặc nưa. Hàng lãnh khi nhuộm bằng loại màu thiên nhiên này cho màu đen bóng, càng giặt càng đen, và?để lâu không bị nứt mục đường gấp xếp như hàng nhuộm bằng dà, chàm hay thuốc nhuộm hóa chất.
Trước hiên nhà, chị người làm đang kéo những sợi tơ ngâm nước quấn trên một tay quay tự chế bằng vòng niềng bánh xe đạp. Tơ tằm ngâm vào nước ấm để kéo không bị đứt. Công việc thật đơn giản nhưng không dễ. Ông Hai Quới cho biết, tơ này không phải từ Tân Châu mà mua tơ thô ở Quảng Nam. Vùng trồng dâu nuôi tằm ở Tân Châu đã mất hẳn từ khi ông tóc còn để chỏm. Khi đó, sợi tơ nhân tạo đã bắt đầu xuất hiện, giá rẻ, dễ dệt va hợp với thị hiếu của khách hàng. Tuy thế, lãnh Tân Châu vẫn là hàng dệt được ưa chuộng.
Lãnh và tơ

Lãnh là loại dệt chỉ tơ dày, không dày không mỏng gọi là lụa và loại mỏng hơn gọi là lượt. Tơ lại còn được dùng dệt ra nhiều mặt hàng khác. Tơ sợi to làm ra vải tussore dày nhưng mặc mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông Tơ xấu hơn dùng để dệt nhiễu, trừu, the, ỷ, sô, xuyến, cấp, đoạn, đũi… Cấp, đoạn, đũi có người gọi là sồi, nái, đũi – một loại vải làm bằng chỉ tơ thứ phẩm, nhưng cũng đã là loại khá sang ở thôn quê miền Bắc. Đọc bài “Chân quê” của thi sĩ Nguyễn Bính, ta thấy đọng lại sự tiếc nuối “… Nào đâu cái yếm lụa sồi /Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân/Nào đâu cái áo tứ thân/Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen…”.
Vào thời gian cuối thập niên 60, tơ lụa Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn khi hàng vải nhập từ Nhật Bổn, Pháp, Anh ồ ạt vào. Vải rẻ, đẹp, khổ rộng mà đa dạng nên đã làm khuynh đảo ngành sản xuất tơ lụa trong nước.
Trái mặc nưa

Chúng tôi theo con gái ông Hai Quới đi một vòng các nhà dệt và đi coi cây mặc nưa mà nhà nhuộm dùng làm chất nhuộm. Nó đã bị đốn hạ gần hết, bây giờ chỉ còn một vài nhà còn giữ một vài cây trước sân nhà. Chỉ có phía bên cù lao miệt trên còn trồng n để bán cho vùng lụa Tân Châu.
Trái mặc nưa tròn như viên bi nhỏ, không cần đợi chín, người ta có thể ngắt xuống để làm thuốc nhuộm. Trái được xay nhuyễn ngâm nước. Ban đầu nước có màu tím nhạt dần dần chuyển sang đen như than. Dùng nước này để nấu nhuộm các tấm lãnh lụa. Tân Châu khi xưa có hơn hai trăm nhà dệt, nhưng ngày nay chỉ còn hơn chục nhà làm nghề này. Nhưng không phải nhà dệt nào cũng dệt lãnh Mỹ A, vì giá thành lãnh tơ tằm khá đắt, nên nhà dệt phải làm hàng tơ nhân tạo.
Có lẽ vì thế ngành lụa Tân Châu chỉ dệt cầm chừng. Phụ nữ trung niên cũng như những cô gái “Chân quê” của Nguyễn Bính ngày nay vẫn thích những tấm vải mới, đủ màu rực rỡ của nước ngoài!
