Menu Close

Điện cúp, xăng lên, Sài Gòn bối rối

Xăng lên

Nói xăng lên giá, ai cũng nghĩ ngay tới xe cộ. Xăng lên, chắc chắn không có chuyện xe gắn máy, taxi, xe tải, xe đò bình chân như vại. Xe cộ chen nhau để được đổ xăng giá cũ lần cuối ở các cây xăng trước 10 giờ sáng ngày 21 tháng 7. Tới 10 giờ, hiện tượng này chấm dứt. Các cây xăng trở thành…chùa Bà Đanh.

Để trấn an dư luận đang xôn xao, bất mãn chung quanh xăng tăng giá, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng an ủi: “Xăng Việt Nam vẫn rẻ hơn thế giới, rẻ hơn các nước trong khu vực như Thái Lan (20,220đồng/lít), Campuchia(23,253đồng/lít), Singapore (27,129đồng/lít)”. Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh Vũ Văn Ninh ấp úng giải thích lý nếu cứ giữ giá cũ, sáu tháng tới nhà nước sẽ lỗ gần 45 ngàn tỷ. Gánh nặng bù lỗ xăng vượt quá mức chịu đựng của chính phủ. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng trưng ra con số tổng nguồn thu nội địa năm 2008 chỉ khoảng 200,000 tỷ. Nếu bù lỗ cho xăng dầu thì khoảng 38% nguồn thu này sẽ hao hụt. Cho nên…

Thời trang “cúp điện”

Người dân nghèo Sài Gòn đón nhận sự giải thích của các đại diện Nhà Nước với vẻ bình tĩnh, dửng dưng. Họ tính toán, thu xếp để tự cứu mình. Kết quả, sau một tuần xăng lên giá, một số hiện tượng sau được ghi nhận:

Nhiều xe đạp điện, xe đạp địa hình, cả xe đạp rỉ sét ho hen “năm một ngàn chín trăm hồi đó” xuất hiện trên đường phố với lý do “Không tốn xăng. Không mũ bảo hiểm nóng nực. Tiền gửi xe mất có hai ngàn. Mưa lại không chết máy”. Các cụ già thêm “Vừa nhẹ, vừa chậm, hợp với mắt kém tay run. Đi nó, có ngã cũng không đến nỗi chết”. Hậu quả của cách tính toán này giúp các tiệm bán xe đạp ở đường Võ Thị Sáu phất lên trông thấy. Anh nhân viên tiệm xe đạp Martin 107 khoe mỗi ngày bán gần chục chiếc. Chỉ tay vào những chiếc xe đạp điện với nhiều kiểu dáng bắt mắt xếp thành hàng anh khuyên “Mua bây giờ đi. Có năm triệu hai, xe Trung Quốc tốt lắm. Để tuần sau, chắc không còn giá này'”.

 

Chờ đổ xăng

 

Xe bus, ngày thường bị chê ỏng chê eo vì đủ thứ tội. Từ hôm xăng lên, đâm ra được chiếu cố tận tình. Các tuyến đường từ ngoại thành vào Sài Gòn và ngược lại, đông khách bình dân hẳn lên. Người đi kiên nhẫn chờ đợi, chịu ép chật như cá hộp, chịu cả những lời mắng mỏ nạt nộ của nhà xe. Họ an ủi nhau: “Từ Thủ Đức, Hóc Môn, Nhà Bè xa trên hai chục cây số so với đi xe gắn máy, xe bus ‘kinh tế” hẳn. Thôi thì qua sông lụy đò một chút!”

Cùng một tâm lý “lụy đò” là cánh bạn hàng. Tại bến xe Miền Đông, Miền Tây, giá vé xe của một số doanh nghiệp bắt đầu nhích lên từ 10% tới 30%. Lượng heo gà vịt, rau củ trái cây từ miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ về các chợ đầu mối, tỏa xuống các chợ lớn nhỏ trong thành phố, đều lấy cớ giá chuyên chở tăng để tăng giá theo. Báo chí đăng tin lạm phát đã bớt, chỉ số giá tiêu dùng tháng bảy chấp nhận được, các mặt hàng lương thực thực phẩm trong các siêu thị đã giảm….Các bà nội trợ phẩy tay, họ biết trong thực tế, chả giảm gì hết.


Điện cúp

Cần nói ngay, cúp điện không phải là hiện tượng. Không phải chỉ mới năm nay. Nhưng chính bởi vì sự quái chiêu, lộng hành của ngành điện. Ở tỉnh, không địa phương nào không khổ vì thiếu điện. Lâm Đồng tính ra một tháng cúp điện 350 lần. Bệnh viện đa khoa cũng tối thui. Những cơ sở sấy trà Bảo Lộc hỏng bét. Đà Nẵng thì than sắp chết khát vì không có điện, nhà máy cấp nước cho tỉnh ngừng hoạt động. Nhưng kêu ca thảm thiết nhất phải nói các khu chế xuất, các doanh nghiệp tư nhân rải rác khắp nơi ở Sài Gòn.

Từ khi “dịch cúp điện” hoành hành đến nay, danh sách số doanh nghiệp nhỏ “nghỉ hưu tự nguyện” dài ra hàng ngày. Một chủù tổ hợp may gia công bỏ mối cho chợ Tân Bình, có cơ ngơi ba chục máy may công nghiệp và vài vệ tinh ở quanh Ngã tư Bảy Hiền, anh Nguyễn Lộc, cho kẻ viết bài biết từ đầu tháng sáu, khi điện đóm thường xuyên phập phù, cơ sở anh đã tạm ngưng hoạt động, chuyển sang mua thủy sản từ Miền Tây lên, bỏ mối lại cho quán nhậu, nhà hàng thành phố. Mỗi lần cúp điện, trong khi quán cà phê, tiệm thuốc tây, nhà hàng đồng loạt chạy máy phát điện làm náo động cả con đường Sầm Sơn thì anh Lộc cho thợ may dời ra lề đường làm việc, vừa rộng vừa thoáng đãng, sáng sủa. Bản thân anh cũng kê bàn tiếp khách ngoài lề đường “coi thằng điên nặng điện làm gì được tui cho biết”.
 

Bán rau lưu động

 

Bên cạnh “đại bản doanh vỉa hè” của anh Lộc, mọc thêm một chợ lưu động. Người bán bảo ngồi trong chợ không có điện, vừa tối, vừa nóng, không có khách, phải chất hàng lên xe, ra đường đứng bán. Nhiều sáng kiến của các chị bán rau, bán cá phải nói là tài tình. Các chị bán rau thuê làm những sọt lớn bằng sắt buộc vào sau xe gắn máy. Trong sọt chất các loại rau bó sẵn.

Cũng đồng thời dùng xe, nhưng xe của nhà cá không giống nhà rau. Nhà cá lót nilon lên xe ba gác, thành hồ cá. Thả vào đó những rô, trê, lóc bơi lội tung tăng. Ai mua thì vợt cá lên cân, làm vi vảy cá tại chỗ.

Ngoài rau cỏ cá tôm, chợ thời cúp điện không thể thiếu vắng xe bán than. Người ngồi trong nhà thò tay vẫy vẫy “cho trong này một bao nhé”. Anh bán than vâng dạû. Anh nói nhỏ “Các mợ sĩ diện lắm. Không đun ga, chuyển sang đun than. Nhưng không dám ra mua, sợ hàng xóm biết nhà mình “đuối”. Tiệm ăn thì khỏi nói, đều trở lại than tổ ong 100% . Đun gaz có mà lỗ chỏng gọng…”


Buồn vui điện cúp

Mới một thời gian ngắn điện chập chờn, xăng tăng giá, Sài Gòn đã phảng phất không khí thắt lưng buộc bụng. Người dân bớt hẳn tiêu xài, mua sắm. Mãi lực ở siêu thị, chợ lớn chợ nhỏ giảm hẳn. Tình hình kinh doanh ở khu vực lương thực, thực phẩm, hàng ăn uống… tiêu điều thấy rõ. Các bà các cô “chừa” bớt thú ăn hàng vì ‘bánh cuốn từ 12,000 vọt lên 20,000. Phở 30,000 lên 40,000. Ăn xong xin ly nước trà tráng miệng nhạt thếch bị đòi thêm 7,000″. Mấy ông tín đồ cà phê cũng tố khổ “Gọi cà phê đen, thêm cái bánh mì ốpla. Chả biết có tính sai không mà những 40,000”.

Tiếng than thở của người sản xuất, người tiêu dùng cứ thế nối tiếp nhau vang lên, như tiếng đồng hồ đều đặn gõ nhịp trần thế buồn vui.

XH