Menu Close

Vịt Chạy Đồng

Một chàng trai hai mươi tuổi, từ bỏ những cuộc vui nơi phố thị, chọn nghề nuôi vịt làm kế sinh nhai.

Đồng xa

Gắn bó với nghề suốt hai mươi tám năm, anh Nguyễn Văn Mặt (Tám Mặt), ở thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân( An Giang) kể: “Gia đình tui bảy anh em, đều theo nghề chăn vịt chạy đồng.”. Nhà anh Mặt có năm nhân khẩu. Hai đứa con nhỏ lo học. Anh cùng vợ và đứa con trai lớn, quanh năm rong ruổi trên đồng, chăm chút đàn vịt để mưu sinh.

Hằng năm, bắt đầu cuộc hành trình sang đón đồng thu hoạch tại tỉnh Đồng Tháp, đàn vịt của anh Mặt được lùa xuống ghe, di chuyển gần 40 km đường sông đến huyện Tân Hồng, nếu không cho ăn đủ, thì lượng trứng thu hoạch sẽ không đều. Và có đi đón đồng, mới hy vọng thu được khoản vốn đầu tư và có tiền lời. Chồng con ra đồng chăn vịt, vợ lo  bán trứng, mang cơm, nước uống ra phục vụ tận nơi.

Vịt thả trong rạch

 

…Gặp vợ chồng anh Mặt đang “cầm vịt” tại xã biên giới Tân Hội Cơ (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp). Tôi thật sự thấy cảnh lam lũ và sức chịu đựng của họ. Ngoài đồng, lúa hè thu chưa trổ bông, anh phải thuê một thửa đất trống có ao, tạm giữ đàn vịt 5,000 con, (dân địa phương quen gọi: nhốt vịt vô “rọ”). Tám Mặt nói: “Những ngày chờ đồng lúa bước vào vụ thu hoạch, là khoảng thời gian lo rối cả ruột”.

Vịt đang độ tuổi đẻ trứng, nên không thể cắt giảm thức ăn. Mỗi ngày thu được khoảng 4,000 trứng, số tiền bán trứng đều dành để mua thức ăn.

…Theo tính toán của nhiều chủ nuôi vịt đẻ, vốn đầu tư nuôi mỗi con giống, đến lúc “rớt hột” (trên dưới 6 tháng) khoảng 50,000 đồng. Vị chi đàn vịt 5,000 con, cộng cả vốn ban đầu và khoản tiền bù lỗ mua thức ăn, nằm chờ đồng… anh Mặt đã chi ra 400 triệu đồng. Anh lo ngại, giá bán trứng đang ở mức thấp, trong khi giá thức ăn cứ tăng liên tục. Điều này khiến dân nuôi vịt đẻ lỗ sặc gạch. Nếu dịch cúm gia cầm phát tán ở một vài địa phương, thì chuyện tiêu thụ trứng còn thê thảm hơn,

Nên cơ nghiêp…

Tám Mặt không giấu giếm, nuôi vịt đẻ tuy bấp bênh, nhưng gặp êm xuôi thì lời to. Lỗ trăm triệu, nhưng lời có khi vài trăm triệu/năm. Có lẽ nhờ vậy mà anh chẳng chịu từ bỏ nghề, dù lỗ tơi tả vào những năm có dịch cúm, (do không bán được trứng). Mỗi năm anh nuôi ít cũng vài nghìn con vịt. Năm 2008, nhiều nhất với 5,000 con, nhờ có tiêm ngừa, nên chưa một lần bị nhiễm bệnh.
 

Chăn vịt trên sông

 

Trong cánh anh em, cháu của Tám Mặt, tham gia nghề nuôi vịt – khoảng chục người, ai cũng nên cơ nghiệp, từ đàn vịt chạy đồng 1,000 con, đến vài nghìn con. Xây dựng một ngôi nhà khang trang, là mong muốn đầu tiên. Nhưng mục tiêu quan trọng, họ luôn hướng đến đó là: đất. Phải tích lũy, “tậu” cho được vài thửa ruộng, đến lúc sức khỏe không còn cho phép lội đồng nữa, thì có của để “dưỡng già”.

Tám Mặt được tôn là “Vua vịt”, nhờ bền chí và rất bạo gan trong nghề. Và anh đã thành công. Ở vào tuổi 48, có cơ ngơi đất đai bề bề, anh có thể từ giã nghề, để về nhà thuê công làm ruộng, hưởng nhàn. Nhưng theo anh: “Mình vẫn còn đủ sức để tiếp tục lội ruộng mà!” Không gì thú bằng, giữa trưa ngồi nhìn bầy vịt tản ra, kiếm ăn trắng xóa trên đồng, trong những tiếng kêu quàm quạp…

…Bắt tay tạm biệt chúng tôi, Tám Mặt hết nhìn ra đồng lúa, lại hướng về phía chòi vịt, nói: “Tài sản của tôi là bầy vịt này, thắng thua gì cũng chỉ trông chờ vào chúng mà thôi”.
 

Anh Nguyễn Văn Mặt và vợ

Thanh Huy