Menu Close

Mùa phóng sinh

Liên tiếp mấy ngày liền, Sài Gòn khổ sở vì tháng Tám bị mấy cơn hồng thủy. Nhà cửa trôi nổi bồng bềnh. Đường lớn hẻm nhỏ, ổ gà, hố voi… nước chảy cuồn cuộn. Xe cộ chết máy hàng loạt trong giờ tan sở. Ai cũng đội mưa đau khổ, chỉ đám trẻ tắm mưa là vui. Nhưng vui nhất có lẽ là những người… bán cá đồng vì từ đây tới hết tháng Bảy âm lịch là mùa bán cá phóng sinh. Nước càng lên to, bán càng chạy.


Thả chim

Đã thành lệ, bước vào tháng bảy âm lịch, những người theo đạo Phật, đạo ông bà, thậm chí không theo đạo nào, đều hướng về ngày Rằm tháng Bảy – ngày xá tội vong nhân, báo hiếu cha mẹ. Ngoài chuyện cài hoa hồng lên áo, đi chùa lễ Phật, bày mâm cúng cô hồn các đảng, người ta còn mua chim cá phóng sinh lấy phước, đồng thời coi như hình thức hồi hướng công đức cha mẹ.

Nhiều năm trước, khi Sài Gòn chưa đông đúc, ao hồ sông lạch chưa ô nhiễm, đường phố còn rợp bóng cây xanh, vùng Gò Vấp, Hóc Môn, Bà Điểm còn nhiều vườn ruộng, thì việc mua và thả chim cá dịp Rằm tháng Bảy rất dễ dàng. Người mua sau khi cầu nguyện, thả cá xuống sông, thả chim lên trời, có thể yên tâm trăm phần trăm chim cá đều sống và phát triển tốt. Nhưng chục năm trở lại đây, việc phóng sinh, về ý nghĩa vẫn còn nguyên giá trị nhưng trong thực tế lại chẳng mấy thành công.

Hỏi chuyện những người bán chim phía trước chùa người Hoa Chợ Lớn như  chùa Bà, chùa Oâng Bổn, và chùa người Việt ở quận 3, quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp, Tân Bình…như chùa Vĩnh Nghiêm, Vạn  Hạnh, Phổ Quang, Già Lam… kẻ viết bài được biết hầu hết chim bán cho khách đều là chim sẻ, đã bị bắt đi bắt lại ít nhất một lần. Bắt bằng cách nào, đó là bí mật.
Khi khách cần mua, người bán thò tay vào lồng, kéo từng con chim ra, đếm nhanh nhẹn. Vừa đếm vừa nói chuyện kiểu ‘con này tươi, mười một…con này tốt…hai mươi…’ Khách mua trả tiền, cầm lấy lồng, mở ra, tung lên trời những cánh chim được quảng cáo là tươi tốt, lâm râm cầu nguyện… Một chục chim sẻ đầu tháng bảy chưa đắt, khoảng sáu bảy chục ngàn tới trăm ngàn. Bà bán chim ngoài cổng chùa Phổ Quang bảo ‘Phải qua mùng trở đi. Lúc đó, bán không kịp đếm. Nói bao nhiêu người ta mua bấy nhiêu. Hết tháng Bảy, bán ít gì cũng năm bảy trăm con một ngày’.



Phóng sinh chim chùa Phổ Quang

 

Thả cá

‘Thả chim hay ho gì! Chung quanh toàn cao ốc bít bùng, dây điện các loại giăng mắc như thiên la địa võng. Thêm xe cộ ầm ầm, khói bụi mù mịt. Làm sao nó bay nổi. Thả cá hay hơn’, hai phụ nữ kẻ viết bài gặp ở vựa cá nước ngọt chợ Hòa Bình đã nói như vậy. Cần nói thêm, nếu chợ Phạm Văn Hai là chợ đầu mối thịt heo của toàn Sài Gòn thì chợ Hòa Bình là chợ đầu mối cá. Cá biển cá đồng, cá sống cá chết, muốn loại nào, bao nhiêu, giá nào, giao ngày giờ nào… cứ đến chợ Hòa Bình là có. Tại chợ Hòa Bình, trong tháng bảy, cá đồng loại nhỏ, sống dai như cá rô, cá bống, cá trê được ưa chuộng. Nhiều bạn hàng lấy cá chợ Hòa Bình không đủ, phải tự tìm nguồn hàng xa hơn, kể cả việc xuống miền Tây.

Vợ chồng anh Dũng bán cá gần chục năm ở chợ Lò Đúc- Phú Nhuận kể tháng bảy, mưa nhiều, cá ruộng sinh sôi nảy nở mạnh, nhưng sinh bao nhiêu cũng không đủ cung cấp cho người Sài Gòn mua phóng sinh. Loại cá nào được chuộng nhất? Lòng tong, sặc bướm, cá cóc, cá lăng, cá chốt, cá linh… nhiều, nhưng lên khỏi nước chút xíu đãø chết, chưa nói vận chuyển xa. Vì vậy chỉ cá rô, cá trê, cá bống là ưu tiên một. Người mua phóng sinh không mua cá đếm theo con, mà mua theo ký. Bao nhiêu một ký? Đổ đồng bốn chục ngàn. Một người mua chừng ba ký. Đựng vô bao nilông hay thùng rộng, lựa chỗ có nước thông ra sông rạch, đem thả. Trường hợp mua chục ký trở lên, thì người bán chở dùm.

Vui buồn thả cá

Nếu phóng sinh chim không kén chỗ, thì phóng sinh cá có vẻ khó hơn. Giữa đất Sài Gòn nhà cửa san sát. Kênh rạch đen kịt hôi thối, cống rãnh bị nhà cửa xây bít, sông ngòi ô nhiễm nặng nề, thảy xuống nước là kết án tử hình cho chúng chứ phóng sinh gì nổi. Còn đem cá lên chùa thì chùa nào cũng nhỏ hẹp, chật chội. Các thầy không nhận, mà mách cho địa chỉ chùa Diệu Pháp.

Chùa Diệu Pháp, ở đường Nơ Trang Long, thuộc phường 13 quận Bình Thạnh, cách cầu Bình Lợi một đoạn xa. Ngoài chức năng là nơi thờ tự, xiển dương văn hóa Phật Giáo, còn là nơi bảo trợ, nuôi dưỡng 40 cụ ông cụ bà neo đơn, cơ nhỡ (người già nhất 96 tuổi), tiếp nhận phẩm vật cứu trợ của các cá nhân trong và ngoài nước, tổ chức các đợt công tác xã hội của Phật hội quận Bình Thạnh… Chùa nằm sát mé sông Sài Gòn, có bậc cầu thang dẫn xuống tận mép nước. Phóng sinh ở đây thật lý tưởng. Chỉ cần nghiêng thùng cho cá ra ngoài để chúng bơi đi, là xong.  Một người đến thả cá, nhiều người đến theo, dần dà Diệu Pháp được những người mua cá phóng sinh biết tiếng. Không cứ tháng Bảy mà quanh năm suốt tháng, vào ngày mùng một, ngày rằm, người mang bịch nilon, chở thùng nhựa, thùng thiếc đựng cá ra vào chùa tấp nập.
 

Thả cá trên sông Sài Gòn

 

Kẻ viết bài có mặt ở chùa Diệu Pháp vào ngày Mùng Một tháng Bảy. Bến sông gió mát rượi, khắp sân chùa rộng thênh thang là những ghế đá, bồn hoa, tượng phật Quan Aâm trang nghiêm. Rải rác có những biển cắm nhắc nhở ‘giữ sự trang nghiêm’, ‘yêu cầu không phóng sinh rắn rết…’. Vài cô gái, có lẽ mới đến lần đầu, nhìn quanh bỡ ngỡ. Các em hỏi đủ thứ, nhất là về tục thả cá nhân mùa Vu Lan. Không thấy sư cô sư thầy nào, kẻ viết bài giảng đại. Rằng: Vu Lan là nói tắt của Vu Lan Bồn – dụng cụ đựng đồ thọ trai, dâng cúng. Từ tích của ngài Mục Kiền Liên hiếu thảo với bà mẹ đã khuất… tới việc cúng thực phẩm (thí thực) cho thập loại oan hồn. Ở những nước theo Phật Giáo, Phật tử dùng nước chúc phúc (tục té nước ở Thái, Lào) thả cá xuống nước cầu phúc (Việt, Hoa, Aán) có từ lâu đời, hoàn toàn mang tính chất tượng trưng và tự nguyện…  Một chị bán vé số xuất hiện, sốt sắng hỏi một câu ‘ngay chóc’: “Muốn phóng sinh mà chưa sẵn cá chớ gì.  Lại đây chỉ cho!”

Chả phải đi đâu xa, gần bậc gạch dẫn xuống mé sông, để sẵn từ bao giờ vài thùng sắt đựng cá, cả bàn cân, vợt bắt cá. Lập tức người bán có mặt (trước đó ngồi trên ghế đá giả như khách vãn cảnh chùa). Chuyện giá cả, bắt cá cân, cho mượn đồ đựng…diễn ra nhanh chóng, thành thạo. Nhìn xuống sông, thấy có những thanh niên tắm táp, đùa giỡn, bơi lội rất gần bờ. Khi các em gái khệ nệ thùng cá bống ra mép nước, vừa đổ xuống sông xong quay mình đi lên, đám bơi lội đã ào ngay lại. Chị bán vé số – kiêm dắt mối cá – cho biết ‘Mấy tụi nó một ngày kiếm cả trăm ngàn. Đám cá mới thả đó, không bị bắt hết, thì ra mé ngoài, cũng dính lưới hay bị chích điện. Nói chung ít con nào thoát’. Hai bạn đi chung với người viết bài nhận xét ‘Phóng sinh mà như vậy quá bằng phóng tử!’. Có cách nào để cá thả xuống là thoát, không bị bắt, bị điện giựt không? Có, nhưng phải tốn tiền thuê ghe máy ra giữa dòng sông, chọn chỗ sâu, nước xiết, neo ghe lại, trút xuống. Theo cách đó, gần hai ký cá trê của người bạn đã tung tăng bơi theo con nước Mùng Một an toàn. Người đàn ông lái ghe máy nói mộc mạc: ‘Ghe của chùa. Xăng của tui. Mấy cô đi thì tui đưa ra. Trả công bao nhiêu tuỳ hỷ.

Hai tiếng đồng hồ ở bến cá chùa Diệu Pháp, kẻ viết bài đếm hơn một chục khách tới phóng sinh. Người lái ghe khuyên vài người trong đó ‘thả cá nên tự mình đi, đừng nhờ người khác. Càng không nên ngồi một chỗ gọi điện tới vựa cá quen hay tới chùa, đưa tiền, nói tên tuổi, mục đích thả cá, rồi khoán mọi việc cho người ta. Làm vậy khác gì mặc cả với cõi trên. Mất phước, mất thiện hết!’

 

Cá chuẩn bị phóng sinh

Tục phóng sinh, dù nhìn từ góc độ nào, cũng là hành động hướng thiện, tốt đẹp. Tự bản thân hành động đó đã hàm chứa niềm vui. Những ai từng phóng sinh, hẳn trải nghiệm qua cảm giác này. Ai chưa từng phóng sinh, cũng nhân tháng Bảy, thử một lần cho biết. Có điều, khi phóng sinh, chớ cầu mong đền trả, mà hãy phóng sinh vì đơn giản đó là điều nên làm.

XH