Menu Close

Ơn nghĩa lục bình

Chị Phước, nông dân Đồng Tháp kể “Lúa bị sâu rầy thất bát mấy vụ liền. Muốn kiếm nghề khác làm ăn nhưng không có vốn. Ngày nào cũng có người đòi nợ. Thối chí, hai mẹ con ra sông phía sau nhà, tính nhảy xuống, nhưng lục bình nhiều quá. Phải dọn bớt. Đang làm thì có người ở đâu tới hỏi mua lục bình.” Chị Phước bây giờ là chủ vựa lục bình ở thị xã Cao Lãnh- Đồng Tháp. Cứ  mua một tấn lục bình khô thì kiếm lời được chừng trăm rưởi hai trăm ngàn. Mỗi tháng chị cung cấp cho công ty Sao Mai chừng 10 tấn. Chưa kể trên Sài Gòn, Bình Dương cũng đánh xe xuống mua tại chỗ. Nhớ lại những ngày quẫn trí trước đây, chị Phước cười có vẻ mắc cỡ. Theo chị, vòng vòng mấy huyện Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh, chỗ nào cũng có người như chị, nghĩa là được lục bình ‘cứu mạng’, chẳng những đủ nuôi sống gia đình, mà còn có của ăn của để.



Lục bình trên sông

Từ Đồng Tháp, qua Tiền Giang, Bến Tre, An Giang đâu đâu cũng thấy những cơ sở lục bình ‘nở nồi’, những xóm làng rộn rịp người bán mua lục bình, những gia đình cả cha mẹ, con cháu quây quần đan lát lục bình. Xem ra nghề nuôi trồng, chế biến cây lục bình, thực sự đang là lối thoát cho nông dân Nam Bộ trong thời buổi đời sống khó khăn, đất đai bị thu hẹp, nông sản không theo kịp giá vật tư như hiện nay.
 

 Sản phẩm từ lục bình

 

Lục bình xuất ngoại

Lên trang web vatgia.com, gõ vào từ khóa ‘lục bình’, kẻ viết bài tìm ra được tới 84 mẫu  sản phẩm làm bằng lục bình. Từ chiếc đồng hồ treo tường giản dị, đôi dép đi trong nhà, bình hoa thô mộc, giỏ xách tiện dụng tới bộ bàn ghế công phu… Tất cả đều bằng lục bình, được đan thắt khéo léo, tận dụng mầu sắc tự nhiên.

Kẻ viết bài còn lâu mới dứt khỏi điệu buồn phương Nam, khi đi khắp Sài Gòn, từ các showroom tới nhà cửa bình thường, chẳng tìm được mấy hàng thủ công lục bình (chưa nói tới sản phẩm đẹp, cao cấp). Tại cửa hàng mây tre lá 125A Pasteur, hỏi lục bình, phụ trách cửa tiệm  nói có, rồi đưa ra giỏ xách bảy chục ngàn, bình bông năm chục ngàn, hộp có nắp một trăm ngàn… Toàn những thứ  ‘trời cho cái mẽ bề ngoài. Để che đậy cái sơ sài bên trong’. Nén tiếng thở dài chán nản, ghé một tiệm khác, tiệm Hy Lam Anh 244 Pasteur. Tại đây, cậu bán hàng moi trong mớ mây tre lá bụi bặm lấy ra một chiếc bóp làm bằng lục bình  đưa cho kẻ viết bài và “khai”: “Chỉ có vậy thôi! Đừng chê! Tụi Mỹ, tụi Châu Aâu nó thích vì lạ. Còn dân mình, nói thiệt, không bán được cho ai cái nào.”

XH