
Hóa chất melamine, trong sự hiểu biết của người Sài Gòn, chỉ để sản xuất loại chén melamine, không ngờ còn có thể ‘giúp tăng lượng protein trong sữa lên’. Càng không ngờ 50,000 trẻ em Trung Quốc, hầu hết đều dưới 24 tháng tuổi, khi uống loại sữa này, đã bị tổn thương thận ở những mức độ khác nhau, thậm chí có vài em tử vong.
Tại sao người ta lại cho vào sữa loại hóa chất vốn dùng trong kỹ nghệ sản xuất đồ nhựa? Ngoài công ty Tam Lộc ở thành phố Thạch Gia Trang – Hà Bắc – Trung Quốc, còn bao nhiêu công ty áp dụng “kỹ thuật” tân tiến như vậy? Hậu quả là 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ kỹ tính như Châu Aâu, Mỹ, Nhật tới dễ tính như Châu Phi, Việt Nam, đều đồng loạt tẩy chay sữa made in China.
Người Sài Gòn lo lắng
Tin về sữa có hóa chất melamine Trung Quốc xuất hiện trên báo chí suốt mấy tuần qua đã làm người Sài Gòn thực sự lo lắng. Nhất là các nữ công nhân nuôi con nhỏ bằng sữa ngoài. Hầu hết các bà được nghỉ bốn tháng sau khi sinh, khi đi làm lại, phải gởi con cái cho các cơ sở tư nhân, hay các trường mầm non công lập trông nom. Cô M. Kh, trông trẻ ở trường Mầm Non 3 – một trong những trường mẫu giáo có tiếng ở quận 10, qua điện thoại cho kẻ viết bài biết ‘hôm qua, phụ huynh đã chính thức lên tiếng yêu cầu trường ngưng cho con em họ dùng sữa trong bữa sáng và giữa bữa. Mặc dù sữa trường dùng cho các bé là sữa Abbot. Bánh kem, bánh flan cũng ngưng luôn mặc dầu do các cô trong trường làm lấy rất vệ sinh và không bao giờ dùng sữa TQ…”.

Khu chợ sữa Nguyễn Thông, Tôn Thất Đạm vốn chuyên mua bán sữa tiệt trùng, sữa bột, đã ngưng bán hoàn toàn các loại ‘sữa xá’ (sữa bột Trung Quốc không nhãn mác, vô bịch từng kílô). Siêu thị, chợ búa, tiệm tạp hóa, quán giải khát cũng liên tục từ chối không nhận hàng hoặc có dẹp các nhãn sữa, bánh kẹo bị báo chí lên tiếng nghi ngờ có melamine. Khách hàng nghiêng về sữa nội hoá như Vinamilk, Lothamilk, Vixumilk, khi hàng loạt ‘hung tin’ về sữa và các sản phẩm từ sữa của Nestle, Fonterra Brands, Dutch Lady bị tịch thu, cấm nhập vì ‘có vấn đề ở Singapore, Hong kong…
Đối diện với phản ứng gay gắt của dư luận, Bộ Y tế Việt Nam đã kiểm tra công ty Hà Nội Milk. Dù ban Giám đốc khăng khăng họ chỉ nhập sữa bột từ Mỹ và New Zealand, nhưng khi xét kho thì phát giác 280 tấn sữa bột Trung Quốc đang giấu kín trong đó (một phần ba gần hết hạn sử dụng). Đoàn kiểm tra ở Sài Gòn cũng “chộp” được công ty Kim Ấn, ém kỹ 18 tấn sữa có chứa melamine nhãn hiệu YiLi nhập từ Trung Quốc về từ giữa tháng 8, gửi bán ở 125 cửa hàng quận 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận. (Yili là công ty sữa lớn thứ ba Trung Quốc). Liên tiếp từ ngày 24 tháng 9 tới đầu tháng 10, các báo trong nước… ngày nào cũng đưa lên trang nhất những tít bài về sữa, những phóng sự về công ty Á Châu, Mai Trâm (Gò Vấp), Tiên Bửu (Q.12), Đại Quang (Bình Thạnh)… với nhà xưởng thiếu vệ sinh, trang thiết bị thô sơ, những bao sữa bột loại 25kg không rõ nguồn gốc chất đống dưới nền nhà chờ ‘hóa phép’ trở thành sữa Úc, sữa New Zealand.

Đọc báo, biết thị trường kinh doanh, chế biến sữa các loại bát nháo, hỗn loạn, người Sài Gòn không khỏi thắc mắc Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm sao lại ‘có mắt không tròng’ để sữa kém chất lượng tràn vào Việt Nam quá nhiều, quá dễ. Đã vậy khi cần tìm hồ sơ thì lại ‘để đâu không nhớ vì đã ký quá nhiều hồ sơ xin cấp phép….’
Chờ xem sao
Nói gì đây về chuyện sữa- sản phẩm bổ dưỡng, cần thiết cho toàn xã hội, đang bị đầu độc vì lòng tham của những người hám lợi. Kẻ có thể lên tiếng nhất, là con bò, thì không biết nói. Kẻ tiêu thụ mạnh nhất, là trẻ sơ sinh, thì chưa biết nói. Những kẻ biết nói, thì đang hăng hái ký hết giấy duyệt này, phê đơn cấp phép khác với rủng rỉnh phong bì lại không… chịu nói. Trong khi nhiều bậc phụ huynh lỡ cho con uống sản phẩm sữa độc lo sợ, bế con đi siêu âm, có những người đem cả… thú nuôi đi chụp X quang tìm sỏi thận.

Vụ án sữa này có thể giúp ích tí gì đó cho người nông dân nuôi bò ở Việt Nam đang sống dở chết dở vì sữa vắt ra “vừa uống vừa tắm cũng không hết..” do trước đây người ta chuộng sữa ngoại cho dầu nhập từ…người hàng xóm Trung Quốc.
Rất may, vụ độc hại này không liên quan hoặc ảnh hưởng đến kẻ viết bài, không tiêu thụ sữa, nên có thể bình tĩnh đứng ngoài cơn bão sữa. Nhưng nghĩ lại, dầu sao nhân dân Việt Nam cũng nên cất tiếng cám ơn…nhân dân Trung Quốc vĩ đại. Vì “nhờ” hàng đống con cháu bác Mao bệnh la liệt nên họ đã hô lên vụ sữa độc cho cả thế giới biết. Lúc đó Bộ Y Tế, Bộ Thực Phẩm, Bộ này bộ kia mới rục rịch làm việc và thu hồi, ách lại, lôi ra… hàng trăm những vụ bê bối khác.