Menu Close

Xe hơi Sài Gòn

Trong đời sống hàng ngày của người Sài Gòn, xe hơi rất cần thiết, dù không sử dụng thường xuyên. Xe taxi đi công việc, xe đò đi du lịch, xe cứu thương chuyển bệnh, xe tải dọn nhà, cả xe về chầu tiên tổ… Tính sơ sơ, toàn Sài Gòn có nửa triệu xe hơi các loại đang lưu hành, đủ đáp ứng nhu cầu từ cấp bách tới xa xỉ, của mọi người mọi giới. Mới đây, dù taxi bị vạch trần việc tính cước gian dối bằng thiết bị cài đặt tinh vi, các trạm xăng bị lật tẩy có gắn chíp điện tử trong cột bơm xăng để móc túi khách hàng từ 5%-10% thì một ông thở dài ‘Không dính tới xe là sướng nhất’. Vậy thì ai khổ?

Người ‘khổ’ nhất có lẽ là phụ nữ Dương Thị Bạch Diệp, trùm bất động sản Sài Gòn. ‘Khổ’ vì dám đặt hãng Rolls Royce làm riêng cho mình chiếc Phantom xanh lá cây đậm (hợp với tên Diệp) trị giá 540,000 đôla (sau khi nộp thuế nhập cảng 60%+ thuế tiêu thụ đặc biệt 50%+ thuế VAT 10%, giá chiếc xe lên tới 1.3 triệu đôla). ‘Khổ’ không thua bà Diệp, là ông Lê Ân, một thương nhân Bà Rịa- Vũng Tầu, tháng 8 qua, bỏ 1.54 triệu đôla tậu chiếc Phantom Rolls Royce (đắt hơn xe bà Diệp, cụ thể thuế nhập nguyên chiếc từ 60% tăng lên 83%).   



Xe chạy lộn xộn

 

Báo chí kể say sưa về sự độc đáo của hai chiếc ‘Con ma’ (Phantom) do Rolls Royce chế tạo cho hai đại gia Nam Bộ này. Nào là nguyên liệu bọc ghế là da thật, nệm lót chân là lông gấu thật, gỗ ốp trong xe là gỗ Walnut (gỗ cây óc chó) từng được làm mặt đồng hồ. Ngoài ra, trên trần xe của ông Lê Ân, phía sau, đặc biệt ‘khảm’ thêm 688 ngôi sao, có thể thay đổi độ sáng…. Nghe chán, lại ngắm nghía tấm ảnh chụp nội thất hai xe, mấy chị thợ may xuýt xoa ‘Tiền hai chiếc xe này, đem cứu đói cho ngoài quê cháu, dễ cả tỉnh phải sống được vài tháng’. Anh cà phê Hùng, đường Tân Sơn Hòa nghĩ khác. Theo anh ‘điều kiện đường xá thế này chả ai sắm ‘Con ma’ chạy cho phí xe, chắc sắm để ‘nhát’ người yếu bóng vía là chính. Như kiểu ông Hoàng văn Nghiên, Chủ tịch UBND Hà Nội trước đây. Ông này mua xe Toyota Lexus để ‘nhát’ khách trong và ngoài nước cho xứng ‘phương diện quốc gia’. Dư luận đã mỉa mai so sánh giá chiếc Lexus xa xỉ của ông Chủ tịch với cơ nghiệp 4000 con trâu của nông dân. Đến nỗi khi ông Nghiên ‘nghiêng’ rồi, hai đời Chủ tịch lên thay, không ai dám cưỡi… 4,000 con trâu nọ, cứ để mặc chiếc xe mang biển số 31C 5888 phủ bụi trong kho, chờ ngày bán đấu giá (theo giới chơi xe, thì bán được 1 tỷ đã may!)


Chơi xe cổ

Nhân có việc ngang qua nhà thờ Đức Bà ngày chủ nhật, tình cờ thấy mấy chiếc Vespa, Lambretta kiểu cổ dựng cạnh hai chiếc Volkswagen ‘con bọ’ , liên tưởng chuyện xe đời mới đắt tiền của các đại gia, kẻ viết bài nghĩ giá chịu xài loại xe cổ lỗ sĩ kia, thì các vị đã được tiếng là “cần kiệm, khiêm tốn”. Một thành viên câu lạc bộ xe cổ Heritage phản đối ngay. Anh cho biết xe cổ không phải là đồ bỏ. Mua xe cổ toàn dân giàu, thích mày mò chế tạo. Một xác xe vespa, mobylette tả tơi, phải mất từ 10 triệu, 15 triệu. Mua về, đổ vào đó mấy lần mười triệu nữa, thêm nửa năm o bế chăm chút, mới có chiếc xe ra hồn… Chủ nhiệm Câu lạc bộ Heritage là cô Hồng Ánh, diễn viên điện ảnh. Cả cô Ngô Thái Uyên, thiết kế thời trang, cũng là hội viên, có xe vespa cổ đàng hoàng…. Còn xe hơi cổ, những chiếc Volkswagen ‘con bọ’, hiện Việt Nam có 300 chiếc, đa phần đều sản xuất giai đoạn 1955-1974. Riêng Sài Gòn sở hữu 100 ‘con bọ’. Muốn biến một ‘bà bọ’ già nua thành một ‘cô bọ’ xinh tươi hào nhoáng, mất không dưới trăm triệu đồng và vài năm hì hục.
 

Xe Fantom của ông Lê Ân

 
Thuê xe mà đi

Xe mới quá đắt, xe cũ quá công phu – cả hai vượt xa tầm tay của người bình thường. Nhưng bù lại dịch vụ cho thuê xe rất sẵn. Khi cần là nhấc phone gọi (những hãng taxi Việt Nam, nhất là Sài Gòn, đều có những số phone dễ nhớ. 8.111111, 8.272727, 8 45454…). Trí Vũ, một học trò cũ của kẻ viết bài, mở tiệm mua bán xe, kiêm cho thuê xe cho giá rành mạch ‘Thuê Mẹc’ 16 chỗ, ra Tân Sơn Nhất đón Việt Kiều chỉ sáu trăm ngàn. “Bọn” Tây hay Việt Kiều thì thích mướn nguyên tháng, xe Toyota Camry mới, thời điểm tháng 9 hiện nay là 1,500 đôla/tháng. Qui định ngày đi 100 cây số, từ 7 giờ sáng tới 6 giờ chiều. Mỗi tháng 26 ngày, chủ nhật nghỉ. Nếu over day thì 40 đôla/ ngày, over time thì 4 đôla/giờ. Ngoài ra, dịp cưới hỏi ba tháng cuối năm, hạng trung lưu cũng dám bỏ 1,600 đôla thuê xe Limousine mầu trắng rước dâu (hạn chế trong vòng bốn tiếng đồng hồ), diễu phố phường, quay phim chụp ảnh. Còn rước dâu về tỉnh, Camry trắng hay được hỏi thuê nhất. Một triệu/chuyến, đi về liền, không neo xe. Thêm chiếc Ford Transit hay Mercedes Benz 16 chỗ cho đoàn phù dâu thì một triệu nữa (xe 25 chỗ, 2 triệu). Đường ra Trung xa hơn, Khánh Hoà, Bình Thuận chả hạn, cũng ‘Mẹc’ 16 chỗ, thuê hai ngày, bốn triệu hai, ‘bo’ hai trăm cho tài xế, thành bốn triệu tư…’.

 


Xe hơi đón khách giữa đường


 
Mua xe lái lấy

Thuê xe tiện, nhưng đắt, không bằng mua xe lái lấy. Hai vợ chồng ‘Khánh sân bay’ nghĩ thế. Mấy năm ky cóp được khoản tiền kha khá, vay thêm ngân hàng, họ tính mua xe hơi ‘cho chúng nó sáng mắt ra’. Ngoài ra, tết nhất đi chơi xa hay về quê không phải xếp hàng mua vé xe đò. Đêm hôm nhỡ trúng gió lăn đùng, ‘bốc’ đi bệnh viện cũng tiện. Chưa kể còn có thể cho thuê… Đem nỗi niềm thổ lộ với bạn bè, lập tức nhận được bao nhiêu lời xui khôn xui dại. Nào là ‘chơi’ Honda Civic 5 chỗ đi, có chế độ hậu mãi tốt. Xe dáng gọn đẹp, không hao xăng, chưa tới 600 triệu’. Nào là ‘Toyota Zace 7 chỗ, đời 2001, còn mới trên 80%, 18.000 đô, mua trực tiếp, khỏi qua cò. Zace nhập, ngon hơn Honda Civic lắp ráp trong nước’. Khánh nghe ai nói cũng đúng. Nhưng cứ sợ hớ, sợ lầm, sợ nhiêu khê đến nỗi hai năm sau đó mới dám mua xe. Mua rồi, lại chỉ để… thờ. Biết lái, thuộc đường Sài Gòn, nhưng… ngại lắm. Thứ nhất, mỗi lần muốn đỗ phải nhìn trước ngó sau xem biển báo dựng đâu. Thấy biển cấm ngày chẵn, ngày lẻ, còn phải vắt óc nhớ xem hôm nay là thứ mấy. Nhiều đường hôm qua còn chạy được, hôm nay đã lù lù lô cốt chắn ngang, buổi sáng xe chạy hai chiều, trưa về đã hóa một chiều….Loạn cả óc! Chưa kể mưa to gió lớn, đường ngập, rồi ổ gà, ổ voi các thứ…. Chỉ vào chiếc xe taxi đậu tỉnh bơ ngay biển cấm đậu trước bệnh viện Phụ sản đường Hoàng Văn Thụ, Khánh hất hàm ‘Đấy, nhìn đi! Nó đậu không sao nhưng mình đậu thế chỉ ba phút, công an giao thông đến gõ liền.

Về sự trớ trêu này, nói cả ngày không hết. Anh Chí, bạn già của kẻ viết bài, đã định cư ở Mỹ, nhớ lại ‘đầu năm 2008 đi phỏng vấn, đã cẩn thận đậu xe bên đường Lê Văn Hưu, chừng trở ra, xe vẫn còn, chỉ biển số là bị công an gỡ để làm “luật”. Người khác, anh Sáu Trúc lại cay cú chuyện xét xe. Xe anh mới mua, là xe khách chạy đường Sài Gòn – Phước Long. Theo quy định, xe mới, năm rưỡi đi kiểm định một lần tại các trạm của nhà nước. Chả hiểu sao cái gạt nước, còi xe, đèn, thắng, bánh xe đều mới cáu nhưng vẫn bị hạch sao thế này, sao thế kia… Cuối cùng, đành phải ‘chung chi’. Bao nhiêu? Năm trăm ngàn xe ôtô con, xe khách triệu rưởi, xe tải hai triệu, cho một lần ‘qua ải’.

Hỗn loạn giao thông giờ cao điểm

 
Kêu thì kêu nhưng…

Đi một vòng các showroom, salon xe hơi ở đường Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, điều dễ dàng nhận thấy là không khí vắng vẻ, ế ẩm. Nguyên nhân thì có nhiều: do xăng lên giá, do lạm phát kéo dài, do thuế trước bạ, thuế nhập khẩu nguyên chiếc, thuế linh kiện phụ tùng đồng loạt tăng cao, do các ngân hàng ‘xiết’ các khoản vay mua xe, nhập xe… Điều này khiến không chỉ doanh nghiệp cỡ nhỏ như Trường Hải, Vidamco, Vinaxuki lo lắng, mà ngay các tập đoàn sản xuất hùng mạnh như Toyota (có dòng xe Innova,Vios, Camry được tiêu thụ khá mạnh) Honda (thành công lớn với dòng xe Civic), Ford (ăn khách với các dòng xe Focus)… đều than doanh số giảm đáng kể, nếu không muốn nói là “đóng băng”.

Trong nước tình hình kinh doanh xe hơi ảm đạm vậy, trên thế giới thì sao? Ngày 22 tháng 9, ‘Ngày thế giới không ô tô’ , đã thu hút sự hưởng ứng của 2000 thành phố thuộc 40 quốc gia. Thủ đô Bruxelles- Bỉ đầy người đạp xe đi làm, đi học. Đường phố Seoul- Hàn Quốc cũng vắng bặt xe hơi. Ngay tổng thống Lee Myung Bak cũng đi làm bằng xe đạp… Hàn Quốc, Bỉ, người ta thừa mứa xe hơi, chán chê lăn lóc xe hơi mới nói chuyện ‘cai’ (dù chỉ ‘cai’ một ngày) còn Việt Nam tuy đường vừa chật vừa xấu, lại kẹt xe, tai nạn, ô nhiễm triền miên, nhưng quan, và cả dân, nhiều người từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới giờ chỉ làm nghề rửa xe hơi, coi xe hơi chứ chưa được sở hữu xe hơi. Trong tâm trí những người này, xe hơi nhà lầu là mục đích sống, là chuẩn mực, là thước đo giá trị con người …

XH