
Đà lạt trường xưa
Sáng ngày 27 tháng 10 vừa qua, đường phố Đà Lạt xuất hiện những chiếc xe đỏ bụi. Ngồi trên xe là các bô lão ngoài 60 xuân xanh, về dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Đại học Đà Lạt. Có vị đi cùng con cháu, có vị đi thành nhóm theo niên khóa, theo ngành học. Nhiều vị từ Sài Gòn lên, hơn chục vị xa hơn, từ Mỹ, Úc, Canada bay về. Tất cả đều là cựu sinh viên của Viện Đại học Đà Lạt những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Xuống xe ở cổng Viện, theo hai ngả chính, một thẳng xuống phía giảng đường Spellman, một qua giảng đường Minh Thành, Hội Hữu. Máy ảnh thi nhau chớp sáng liên tục. Những buớc chân ngập ngừng. Chỗ này vang lên tiếng cười sảng khoái, chỗ kia bùi ngùi hai từ ‘hồi đó…’

Viện Đại học Đà Lạt được thành lập năm 1958, với 5 khoa Sư phạm,Văn khoa, Khoa học, Thần Học, Chính trị Kinh doanh. Đình đám nhất là khoa Chính trị Kinh doanh, học giỏi nhất là khoa Sư phạm. Trải dài trên những cụm đồi phía bắc hồ Xuân Hương, cơ ngơi của Viện Đại học Đà Lạt rộng gần 40 hécta. Đường bên trong trường tráng nhựa phẳng, hai bên viền khuynh diệp, anh đào, liễu đỏ. Bạt ngàn hoa hồng, cẩm tú cầu, cúc trắng, xác pháo, phong lữ thảo, dã quỳ…. Sinh viên lúc đó nhiều anh trông rất chững chạc, mặc com lê, hút píp, ngồi đọc sách tiếng Pháp trong thư viện. Ban đêm thức học bài, đói bụng. Từ ký túc xá ra khu Hòa Bình kiếm cháo phở thì quá xa, bèn rủ nhau “thăm” chuồng nuôi bồ câu của cha Viện trưởng, bắt mấy con nấu cháo… Hồi toa học là cha Lập hay cha Lý. Cha Lập! Bọn moa cũng thế. Cha Lập, người Huế, gương mặt phúc hậu. Tầm hai mươi cuối tháng, sinh viên Sư phạm thằng nào cũng hết tiền học bổng, đói meo. Một lần đánh liều tới văn phòng cha Lập gõ cửa. Cha hỏi “Chi đó con?” “Dạ… xin cha cho con… mượn tiền.” Cha Lập cười hiền, đếm tiền. Moa hí húi ký tên, cầm tiền rồi chào cha đi ra. Tới phiên thằng khác tiến vào, rồi thằng khác nữa. Thằng nào cũng làm bộ ngại ngùng gãi đầu, lễ phép lí nhí. Vậy nhưng ra trường, thằng thì làm dân biểu, thằng viết báo, thằng đi dạy. Thằng nào cũng sôi nổi, ngon lành, có khí phách. Thế hệ tụi mình hồi đó là vậy, không giống thế hệ bây giờ…

Cái gọi là ‘thế hệ bây giờ’ của trường Đại học Đà Lạt (không gọi là Viện Đại học như trước) chỉ tính riêng niên khóa 2008- 2009 đã là con số khá lớn- 26,500 sinh viên, theo học 52 ngành học thuộc khoa học tự nhiên, công nghệ, xã hội nhân văn, kinh tế học. Ngồi trong lều nhìn ra đồi bỗng một em thuộc “thế hệ bây giờ” ai vậy cô? Tôi chợt để ý vài ông bà cụ đang chụp hình, chỉ trỏ, nhìn ngó khắp nơi, tôi đoán ngay là những cựu sinh viên về trường. Họ lẻ loi, cô độc. Tự đi, tự ngó, tự nhìn, không ai đón tiếp hay hướng dẫn. Dường như họ không được “welcome”.
Trước đó mấy tuần, tôi chỉ biết tin về lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trên trang web của Đại học Đà Lạt (báo đài trong nước không hề đưa tin này), vậy mà một số cựu sinh viên đã tưởng tượng ra buổi lễ kỷ niệm thật cảm động, trong ấy, những cựu sinh viên, nhất là cựu sinh viên xa xứ có dịp gặp lại thầy bạn cũ, thậm chí một vài người ở Sài Gòn dặn dò “về Đà Lạt không xé lẻ, đi đâu cũng nguyên khóa 1 khóa 2 bọn mình”…
Vậy mà… Gần trăm cánh chim tìm về tổ cũ, không ai chờ đón. Lọt thỏm trong khuôn viên mênh mông, xa lạ.

Đà Lạt phố nay
Rời Viện đại học sau khi làm một vòng thăm lại trường lớp, nhiều người thẫn thờ, mỏi mệt. Ước mơ gặp gỡ hàn huyên với thầy bạn cũ hoàn toàn phá sản. Nhiều ông hứa “một đi không trở lại”. Kẻ viết bài chỉ cười. Chưa thăm khu Hoà Bình, dốc Duy Tân, Minh Mạng, hồ Xuân Hương, quán cà phê Tùng, Đồi Cù, chợ Đà Lạt… chưa biết bể dâu.

Từ khi được khám phá bởi bác sĩ Yersin, tính tới nay, Đà Lạt đã 115 năm tuổi. Hiện Đà Lạt là thành phố, trực thuộc tỉnh Lâm Đồng. Ngoài thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng (diện tích 9,772km2, gấp năm diện tích Sài Gòn) còn thị xã Bảo Lộc và 10 huyện khác : Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Hoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông.
Dân số toàn tỉnh hơn một triệu người, cư trú không đều khắp 145 đơn vị xã phường, thị trấn chuyên canh tác chè, cà phê trên 200,000 ha đất đỏ bazan Bảo Lộc, Di Linh, 23,000 ha rau, hoa các loại ở Đà Lạt và vùng ngoại vi. Dân số tuy đông nhưng thực sự gốc Đà lạt chỉ có người Lat và người Chill (hai tộc người K’Ho), còn tất cả đều từ nơi khác di cư đến, nhiều nhất là người Bắc, người Quảng và người Huế. Ai đến Đà Lạt cũng dễ có cảm giác gặp một ‘hợp chủng quốc’ thu nhỏ trong tiếng nói, món ăn, cách phục sức, trồng trọt, mua bán, xây dựng nhà cửa, cơ sở thờ tự… chưa kể tới dấu ấn rất rõ của văn hóa Pháp trong cách qui hoạch thành phố. Hiện Đà LaÏt còn 3000 biệt thự các loại do người Pháp xây dựng, hoặc chịu ảnh hưởng cách kiến trúc Pháp. Hầu hết đều xuống cấp, do khi “tiếp thu”, Cộng sản đã sử dụng bừa bãi. Không kể dinh Bảo Đại đang bán vé cho khách thăm viếng hàng ngày)….

Hồ Xuân Hương dạo này xanh lè, tanh tưởi vì tảo dại xâm chiếm hoàn toàn. Dừng ở khu Hoà Bình toàn quần áo xôn đổ bán vỉa hè, khiến ai nấy kinh ngạc. Một bà kêu lên Đà Lạt đây sao? Đi theo cầu thang dẫn từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt (còn gọi là chợ dưới), chứng kiến cảnh mua bán nhớp nhúa, hỗn độn khắp nơi, lan dài ra toàn bộ mặt tiền chợ và khu vực quanh chợ, đoàn cựu sinh viên kêu trời vì lo xắn quần tránh nước thải và rác rưởi. Các bà các chị đi ủng, gánh rau salade, dâu tươi, hồng tươi vây chặt đám du khách bất đắc dĩ mời chào “salade bốn ngàn một ký, chanh tám ngàn, dâu mười ngàn, đậu hòa lan hai mươi lăm ngàn….”.

Các ông rủ “lên Tùng đi!”. Với họ, quán cà phê này không chỉ là quán cà phê, mà còn là nhà bảo tàng. Với người này, là thời sinh viên sôi nổi. Người kia, một cuộc tình. Người nọ, là kỷ niệm với Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện… Quán vẫn vậy, ghế bọc da nâu viền quanh tường. Vẫn nhạc Trịnh và Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An thoảng bay, vẫn đám đàn ông áo blouson mầu xanh úa, mầu nâu, ngồi nhả khói thuốc la đà, tư lự cô đơn hay chuyện trò nho nhỏ… Một cựu sinh viên chỉ tay lên tường, chỗ tranh Thái Lãng, Vị Ý đang treo, bảo “hồi xưa chỗ này là tranh Đinh Cường”. Cô chủ quán đỡ lời “vẫn còn Đinh Cường, nhưng treo trên lầu”. Nhấp ngụm cà phê, ông nọ đặt vội xuống, rùng mình. Hỏi người kia bằng mắt. Dịch là ‘Quá dở!’ Mười ngàn đồng, mua tách cà phê “dở nhất thế giới”, bồi thêm ly trà, cũng “thế giới dở không đâu bằng”.

Bên ngoài mưa Đà Lạt giăng mù, ướt át. Mái nhà phía đối diện xanh vài khóm rêu cỏ. Tiếng thở dài và lời thề một đi không trở lại, giờ mới bật ra, hợp tình hợp cảnh. Kẻ viết bài nhớ hai câu thơ của TXK, bèn đọc trêu các ôngï: “Một hồn rũ rượi trong mưa. Nhớ ơi ngọc trắng, ngày chưa cát lầm”.
Ngọc và cát. Trắng và lầm. Là một hay là hai, hay không một không hai, hỡi các cựu sinh viên hồi hướng bất phùng thời?