
Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã trải qua một tuần dầm mình trong nước. Thiệt hại về người và tài sản đã lên tới những con số kỷ lục ở Việt Nam. Báo chí trong nước ngày nào cũng thi nhau đăng tải những tấm hình có một không hai – cảnh cô gái dắt xe nước ngập tới cổ, người lớn vác nơm đơm cá trên đường, đôi tân hôn xắn quần lội trong giòng nước lều bều chất thải, chiếc bè làm bằng vài tấm mút xốp ghép sơ sài chở người sang ngang lấy 20,000 đồng…
Dân tự xoay xở
Suốt tuần lễ từ ngày 31 tháng 10, ngày Hà Nội bắt đầu cơn mưa khủng khiếp nhất trong vài chục năm qua (lượng nước mưa đo được gần 400 mm) tới hôm nay, ngày 10 tháng 11, khi 20 người chết, hơn 20 tấn rác thải được ‘tặng’ lại thủ đô, thì dư luận Sài Gòn vẫn râm ran ‘bình loạn’ về sự yếu kém mọi mặt trong công tác dự phòng, đối phó, cấp cứu, thăm hỏi, trợ giúp nhân dân của các cấp chính quyền ‘ngoài kia’.
Dư luận bất bình cũng phải, vì lụt từ ngày 31, nhưng ngày hôm sau chính quyền Hà Nội vẫn tổ chức hội nghị ‘tổng kết về vấn đề tôn giáo’. Bản thân ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội mãi chiều đó mới ngồi ôtô kiểm tra các điểm ngập lụt trong nội thành. So với Thủ Tướng Nguyễn Tiến Dũng thế vẫn còn sớm hơn được hai ngày! (công điện yêu cầu các nơi ‘tập trung mọi nguồn lực khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ” của ông Thủ Tướng đến mùng 3 mới được gửi đi). Tổng Bí thư Đảng, ông Nông Đức Mạnh, ngày mùng 4 có đăng đàn phát biểu, nhưng chỉ để ca ngợi công đoàn Việt Nam nhân Đại hội lần 10 của tổ chức này. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đến ngày mùng 6 mới lội nước thăm dân. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan càng ‘sớm’ hơn, căn cứ vào cảnh bà Phó xắn quần, đội mũ cối, phát trên tivi ngày chủ nhật 8 tháng 11, minh hoạ một cách sốt sắng cho câu tục ngữ ‘ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau’.

Chậm chạp trong việc cứu dân, điều ai cũng biết, thậm chí Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị còn quở trách dân Việt lầy lội, bì bõm trong sình là ‘…Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa thì ỷ lại Nhà Nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này hỗ trợ cái kia, chứ không đem hết sức ra tự làm’ (VietNamNet 2/11). Khi lời phát biểu nọ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, lập tức đã gây phản ứng trong dân chúng. Đến nỗi, chỉ sang ngày 5/11, ông Nghị phải hạ giọng xin lỗi – cũng trên VietNamNet – rằng ‘tôi thực sự rất lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người về những lời gây nên sự bức xúc và bị phê phán’.
Đọc những lời xin lỗi nọ, ai cũng chép miệng cười ruồi.

Những ngày chìm ngập trong cơn đại hồng thủy, Hà Nội như ốc đảo chờ chết- không điện, không nước sạch, không đường xá xe cộ. Chợ búa hàng quán lèo tèo, giá cả đắt đỏ. Ai cũng lúng túng không biết vứt rác, đi vệ sinh chỗ nào. Hơn 20 người chết đuối, chết do điện giật, chết vì sét đánh chôn đâu, không lẽ treo lên nóc nhà chờ nước rút…
Anh Phương, giám đốc công ty xuất khẩu tiểu thủ công nghiệp T. N quận Hoàng Mai đau khổ vì chiếc xe hơi mới tậu giá hàng tỉ đồng, đậu dưới tầng hầm chung cư, bị nước tràn vào, đã biến thành… tầu ngầm. Anh Tưới, anh Cu Chuột, ông Đà ở Chương Mỹ- Hà Tây (bây giờ là Hà Nội) thì rủ nhau ra ngắm cảnh ruộng dâu hóa biển xanh, vừa ngắm vừa tiếc lúa má, hoa màu vụ đông mất trắng. Khu tập thể Định Công khối nhân viên, người về hưu, dân nhập cư thở dài rầu rĩ vì không họp chợ buôn bán, không đi làm, con cái không đi học.
Một ông bác họ xa của kẻ viết bài, thuộc hạng tham sống sợ chết, không dám trụ Hà Nội lâu hơn, đáp máy bay vào Nam tránh họa, đã kể ‘Mỹ mới có tổng thống mới. Quốc hội ta đang họp. Xăng và gaz giảm giá liên tục… Những tin ấy bình thường sốt dẻo, mấy hôm lụt, chẳng ai còn bụng dạ nghe. Cái cần nhất là điện, nước sạch. Sợ nhất là dịch bệnh, quan ôn, trộm cắp, đầu cơ tăng giá. Khổ nhất là bó gối ngồi một chỗ, chung quanh tối mò, thối um. Như tận thế tới nơi. Hãi lắm!’

Rau đi cứu lụt
‘Mấy hôm nay bố con chỉ ăn mì tôm, hai con lợn chết rồi. Cái nhà ngoài đê cũng chẳng còn….’ buông điện thoại ra, chị Ngâm khóc. Ban đầu chỉ sụt sùi, sau nức nở, rồi vật vã. Cả khu nhà trọ Sóng Thần Thủ Đức ái ngại nhưng chẳng biết an ủi thế nào, vì hầu hết đều cảnh ‘nam tiến’ như nhau. Đói khổ, buồn lo như nhau ….
Nghe chuyện, một ông bạn già bảo kẻ viết bài ‘Thương nhưng giúp làm sao! Sài Gòn hơn gì Hà Nội đâu. Cũng lụt lên lụt xuống, thêm triều cường hai lần mỗi tháng. Quận ngoại thành 2, 9,12, Thủ Đức ngập lâu rồi không nói, tới quận 5, 6, 10,11, Phú Nhuận, Bình Thạnh nội thành, gần đây cũng sóng vỗ long bong. Nhường cơm sẻ áo cho ngoài kia, nhưng làm cách nào…’
Sau khi vành đai rau của Hà Nội bị ngập khiến sản lượng giảm sút nghiêm trọng, giá rau củ quả, cá biệt như rau muống, tăng 10 lần, từ 2,000 đồng lên 20,000 đồng một bó. Hà Nội đã ‘xé rào’ cho phép tất cả các xe chở lương thực, thực phẩm từ các tỉnh được phép ra vào thành phố 24/24 giờ, bất kể tải trọng…Chỉ loan tin vắn tắt thế, còn ảnh hưởng của việc chi viện rau đối với người Sài Gòn thế nào, gần như không thấy báo nào nhắc tới.

Sáng ngày 6/11 và những ngày tiếp theo đó, có mặt tại nhiều chợ lớn nhỏ khắp Sài Gòn, kẻ viết bài ghi nhận sự ngỡ ngàng của các bà nội trợ. Rau cải hôm qua còn 4,000đồng/ký. Ngủ dậy một đêm đã vọt lên 14,000 đồng. Rau muống 2,000 đồng lên 5,000 đồng. Rau lang, rau má, rau ngót, rau dền… nói chung là rau ăn lá, đều tăng gấp ba lần giá bình thường. Cà chua, bầu bí, hành ngò, dưa leo, khổ qua, bắp cải… cũng không đứng yên. Người mua ngơ ngác. Nhưng không mua chỗ này, đi chỗ khác, giá cả cũng na ná như vậy. Bà Chi, rời chợ cóc đầu hẻm Thăng Long, giơ cho kẻ viết bài coi bó rau muống mà bà gọi chua chát là ‘rau vàng’. Các cụ tập dưỡng sinh ở công viên Lê Văn Tám, quen lệ sáng sáng đi tập về tạt ngang chợ Tân Định gần đó mua rau cỏ, cũng kêu như bị bóp cổ.
Hai ba hôm nay, cũng đi 3 giờ, mà phải tranh giành nhau, cả chửi mắng nhau, cũng chỉ được hơn chục bó rau mỗi loại. Hỏi mối, họ bảo, rau được vét đi Bắc cứu lụt hết. Thành thử đắt’. Mẹ con bà Hồng Quyên, chuyên doanh rau hơn 5 năm ở chợ Hoàng Hoa Thám – Tân Bình, ‘tường trình’ như vậy. ‘Chúng khẩu đồng từ’ với bà Quyên là hàng loạt bạn hàng rau các chợ Phú Nhuận, Tân Kỳ Tân Quí, Phạm Văn Hai, Bà Chiểu….Hậu quả là dĩa cơm sinh viên, cán bộ ngày thường xanh những rau xào rau luộc, rau sống rau chín, nay chỉ lơ thơ mấy con tôm bé tí, miếng đậu hũ vàng vàng đỏ đỏ. Cơm công nhân, cơm vỉa hè của dân xe kéo, hàng rong, cũng thế. Thiếu rau, đâm khó nuốt. Chỉ nhà vườn Đà Lạt, Long An, Tiền Giang và ngoại thành Sài Gòn là ‘dễ thở’ phần nào. Đầu nậu gom hàng đi Bắc bằng máy bay, xe tải cũng ‘tươi’. Nhưng ‘tươi’ nhất phải kể hệ thống siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội – một trong những cánh gom rau sớm nhất và hiệu quả nhất của miền Bắc.

Trong khi đó, tin cơn bão số 9 đang diễn biến phức tạp ở biển Đông, uy hiếp duyên hải miền Trung, có thể cả miền Nam những ngày tới. Hà Nội và miền Bắc, có thể tiếp tục hứng chịu những cơn mưa to… khiến người Sài Gòn lo lắng. ‘Nói dại, nếu đê sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy bị vỡ, Hà Nội tiếp tục bị nhấn chìm trong cơn đại hồng thủy, thêm các ông Miền Trung ‘bể bờ bao’ thì Sài Gòn đến rau sam, rau rệu chắc cũng không có mà ăn…’ Lời tiên đoán ‘lạc quan’ của thông tấn xã vỉa hè Sài Gòn nghe u ám làm sao!
Chưa bao giờ, trong cơn lụt, mọi thứ đều chìm, chỉ có khuyết điểm của những nhà “lãnh đạo” là nổi lên gay gắt, như tuần qua, ở miền Bắc.
Vậy mà tết Kỷ Trâu lại sắp gõ móng đến nơi…