Menu Close

Làng chiếu Định Yên

Cuối cùng thì tôi cũng về đến làng chiếu Định Yên sau chặng đường từ Sa Đéc đi huyện Lấp Vò dài gần ba chục cây số. Con đường này đã năm sáu năm rồi mà làm vẫn không xong. Ổ gà, ổ voi đầy dẫy gây ra biết bao tai nạn cho người đi đường. Ai có đi qua cung đường này rồi thì mới biết sợ… nhồi máu cơ tim! Cánh tài xế kháo nhau đây là con đường “dân khổ” nắng bụi, mưa lầy, bùn sình còn hơn lội ruộng!

Ruộng mùa này dân xã Định Yên đã gặt xong vụ lúa ngắn ngày (ba tháng mười ngày) để có thời gian dành cho việc làm chiếu. Nghề làm chiếu có từ bao giờ, người làng Định Yên không mấy ai biết. Lần theo sách sử thì người có công trong nghề làm chiếu là ông Phạm Đôn Lễ, một vị quan thời Tiền Lê ở làng Hới tỉnh Thái Bình. Ông đã sang Quảng Tây, Trung Quốc học nghề làm chiếu. Sau đó, nghề chiếu theo người miền Bắc vào đất Quảng Nam, phát triển cực thịnh trong một thời gian dài. Rồi nghề làm chiếu theo người dân xứ Quảng vào Nam trong cuộc khai phá vùng đất mới.

Cánh đồng bố, một loại cây dùng để làm nguyên liệu dệt chiếu

Đất Đồng Tháp trước đây mọc đầy cỏ lác, đưng, năng. Nhờø vậy mà nghề làm chiếu phát triển mạnh ở Sa Đéc và Định Yên. Thế nhưng, trải qua thời gian dài hơn trăm năm, nghề chiếu đến nay cũng đang dần thay đổi. Tùy theo từng vùng mà có nơi còn giữ được nghề, có nơi không còn. Một phần những chất liệu mới đang dần thay thế: chiếu nhựa, chiếu tre hay tấm nệm gòn, nệm cao su êm  lưng hơn nhiều.

Anh Tư Già, người xã Định Yên, lái xe ôm “tình nguyện” đưa tôi đi khắp xã. Thật ra tên anh là Tư “Già” là biệt danh do bạn hữu gọi riết “chết tên”, vì trông anh già trước tuổi. Mới hơn năm mươi, tóc đã bạc, má hóp, da nhăn. Anh than thở do nhiều năm thức hôm thức khuya cùng bà xã đi bán chiếu đêm. Chị vợ anh nửa đùa, nửa thật: “Thôi đi ông, đừng đổ thừa, tại với bị. Sao tui cũng thức hôm thức khuya mà không già hơn ông”… Trong lúc chuyện vãn với chúng tôi, tay chị cứ thoăn thoát quấn cói vào cây chuồi, phóng qua hàng chục dây trân căng chéo trên khung ngựa gỗ không trật một mũi. Đứa con gái chị kéo lược không ngơi tay. Con bé mới mười bốn tuổi đã thạo  nghề không thua gì mẹ.

 

Cây bố xé tơi phơi khô thành sợi

Dệt chiếu lúc nào cũng phải có hai người: người phóng, người lược. Thợ dệt giỏi nhất cũng chỉ có thể làm được đôi chiếu cải – một loại chiếu khổ lớn, sợi cói to và dài một ngày. Hai mẹ con chị Tư mỗi ngày dệt từ sáng đến tối có thể làm ra hai đôi chiếu trung, còn làm chiếu khổ nhỏ thì cũng được ba đôi là nhiều. Chị nói “gia đình chị làm chiếu từ đời bà Ngoại, rồi đến má chị. Má chị giờ già không làm nữa. Hôm nào bà khoẻ mang chiếu ra chợ “ma” bán đến hai ba giờ sáng. Kể từ lúc chợ “ma” bị dẹp nên ở nhà xé bố phơi khô. Khi bằng tuổi đứa con gái của chị hiện giờ, chị đã biết nhổ đay, xé bố, se dây, phóng cói.  Anh Tư lúc này mới hí hửng khoe “nhờ bả biết se bố mà tui mới quen được bảù. Hồi còn con gái bả trắng trẻo  đâu thua gì con gái nhà giàu ở chợ. Hồi đó mỗi lần tui đi ghe bố về, bả lấy bố đem về se. Se riết, bả “se” tui luôn.

 Nhận xét của Anh Tư Già khá xác thực, tôi thấy các cô gái ngồi bên khung ngựa dệt, hoặc đang may cạp điều viền chiếu đều có nước da trắng tự nhiên, không phải “trắng da vì bởi phấn dồi” như các cô gái ở thị thành. Hơn nữa, các cô có bán chợ trưa đâu mà sợ nắng làm xạm làn da trắng đẹp. Chợ chiếu Định Yên chỉ họp vào lúc khuya bên ngọn đèn dầu hột vịt (dân làng nói vui là chợ “ma”) có cả trăm năm nay. Chợ “ma” Định Yên cũng giống như chợ “âm phủ” bán nông sản bên bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Người mua kẻ bán thì thầm bên tai sợ khua động làm phiền giấc ngủ của người dân dọc theo phố chợ. Chợ họp đến hai ba giờ sáng thì tan, người bán về nhà tìm giấc ngủ, người mua dong ghe tỏa ra các chợ khắp vùng, trả lại không gian vắng lặng cho chợ Định Yên chìm trong tiếng gà gáy báo điểm canh ba…

 

Chợ bán chiếu

 

Anh Tư đưa tôi đi thăm cánh đồng trồng bố (đay) dưới trời mưa lất phất do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Mấy ngày nay mưa liên tục, bà con phơi phong lúa mùa vừa lo che đậy, vừa lo nhổ bố để mấy đứa nhỏ có việc làm trong kỳ nghỉ hè kiếm chút đỉnh tiền mua sách vở. Bố trồng ba tháng là bắt đầu thu hoạch. Cây bố lúc này sẽ cho sợi chắc và mềm, bẻ đầu, rút ruột không bị đứt. Cái ruột bên trong tước ra trắng phau như sậy trúc phơi khô làm chất đốt, còn vỏ bên ngoài, xé tơi phơi nắng phơi gió cho khô, để se thành chỉ làm nguyên liệu phụ cho tấm chiếu.

Nguyên liệu chính làm nên tấm chiếu là sợi lác (cói). Cỏ lác ba cạnh chịu nước phèn lớn nhanh, cọng dai và dài. Ba mươi năm trước đây, cây lác còn mọc ở Định Yên hoặc vùng lân cận nhưng nay người dân đã không còn trồng được vì nước mưa đã rửa phèn sau bao năm cày xới. Lác trồng càng ngày càng cho cọng ngắn, dễ gãy. Hiện tượng này ví như cây lác trồng không đúng đất. Cây lác cũng vì thế mà èo uột, kém phẩm chất, dân xã Định Yên phải mua sợi lác ở Trà Vinh, nơi còn nhiều vùng đất nghèo dinh dưỡng nhưng lại giàu phèn nhiễm mặn vốn thích hợp cho loài đưng, cỏ lác hoang dại mọc đầy. Lác trồng trên đất phèn mặn cho sợi dài hơn hai thước, thân dày, phơi nắng gắt cho sợi lác trắng mịn như nước da con gái làng Định Yên. Sợi lác này đem dệt chiếu vừa chắc vừa bền. Chiếu giặt đem phơi không giòn không gãy.

 

Chiếu đã thành phẩm

 

Nhờ cọng lác phèn mặn mà chiếu Định Yên vẫn giữ được tiếng tăm và chất lượng khắp miền. Mỗi năm làng chiếu Định Yên đưa ra thị trường hơn bốn trăm ngàn đôi chiếu bán đi khắp miền Hậu giang. Và tuy dù tấm nệm gòn, nệm vải hoặc nệm cau su ngày càng nhiều, nhưng chiếc chiếu vẫn còn cần thiết.

Chợ xã Định Yên còn đó. Chùa An Phước nép sau dãy nhà dọc theo bờ kinh mà lẽ ra khi xưa, nơi đây vào những đêm trăng rằm, người làng Định Yên bày chiếu bán buôn. Khoảng sân bên đây cây cầu gỗ nhìn mặt chợ giờ thu hẹp một góc nhỏ dành cho chợ chiếu họp tan. Làng chiếu Định Yên cũng còn đó, vẫn dập dìu cho ra những tấm chiếu trắng, chiếu hoa, hay chiếu cạp điều hỷ sự. Thế sao chợ “ma” Định Yên đã biến đâu rồi!?

NT