Chuyện bà con phàn nàn vụ “lùn lép” hổng được lái xe xứ ta, mà Ga tui có viết hồi tuần rồi, coi mòi còn hà rầm hổm nay. Ai nấy cũng bàn ra tán vào, nhưng xứ mình thì “mình nói cho ta nghe” quanh bàn cơm, quán nhậu chớ lịnh trên đã ra thì cứ dzậy mà “chấp hành”. Thấy bà con “bức xúc (xích)” quá nên Ga Làng lại túi bị, bút giấy, kiếm quan trên mà tra hỏi ngọn ngành. Lại quan Trần Quý Tường, Cục phó Cục Tế (Cục khám chữa bệnh Bộ Y Tế), người đang đại diện Bộ Y Tế trả lời báo chí quanh luật lệ mới này, tiếp Ga Làng để trả lời cuộc phỏng vấn sau đây. Cũng nói thêm la,ø một ngày sau cuộc phỏng vấn này, Bộ Y Tế đã rút lại quyết định vì bị Bộ Tư Pháp “co’ y’ kiến”.

Tranh: Bảo Huân
Ga làng: Thưa bác sĩ, cảm ơn bác sĩ đã ..
Cục Phó Trần Quý Tường: Tôi là Cục phó Cục khám chữa bệnh Bộ Y Tế, là lãnh đạo, chứ không phải là bác sĩ chú sĩ gì sấc. Anh xưng hô cho đúng cách nhé. Anh lại muốn phỏng vấn về luật chạy xe mới chứ gì, cứ vào thẳng vấn đề?
Ga Làng: Dạ xin lỗi! Tôi cứ tưởng… Thưa Cục Phó, dựa vào đâu mà Bộ Y Tế lại đưa ra tiêu chuẩn cân nặng, chiều cao, vòng ngực của người dân trong vấn đề giao thông?
Cục Phó TQT: Như đã bảo cùng báo chí, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề này. Anh thấy là hiện nay tỉ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam rất là cao, nên ban bệ nào cũng đề ra biện pháp để hạn chế điều này. Với Bộ Y Tế, chịu trách nhiệm về vấn đề sức khoẻ, bịnh tật chung, thì chúng tôi cũng phải có những đề nghị liên quan đến các vấn đề sức khoẻ thể chất của người dân trong vấn đề an toàn giao thông. Đó là lý do chúng tôi đưa ra tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng và vòng ngực. Theo tôi biết thì mai mốt Bộ Giáo dục sẽ đưa ra quy định về trình độ học vấn, bằng cấp để được chạy xe Honda, hay như Bộ Tài Chính sẽ có thêm văn bản về mức tiền tiết kiệm tối thiểu của những người được phép chạy xe. Nói chung tất cả các ban ngành chúng tôi đang nỗ lực chăm lo cho sự an toàn của người dân.
Ga Làng: Riêng Bộ Y Tế, thì tại sao chiều cao, cân nặng và vòng ngực lại ảnh hưởng đến vấn đề an toàn giao thông thưa ông?
Cục Phó TQT: Vấn đề y tế thì chỉ liên quan đến bịnh tật, sức khoẻ hay thể tạng chứ là gì. Cũng có khó khăn khi cấm người dân bị bịnh gan, táo bón hay yếu sinh lý chạy xe, nên vấn đề hợp lý và khoa học nhất chỉ còn là vấn đề thể tạng người dân.
Ga Làng: Khoa học?! Vâng, xin ông giải thích thêm về điều này. Ắt hẳn bộ ta đã có những nghiên cứu tận tường về điều này?
Cục Phó TQT: Thế này nhé! Theo như ngành Cơ thể học, tức vấn đề khoa học, mà chúng tôi đã nghiên cứu thì, thân thể con người gồm có ba phần, bao gồm đầu, mình và chân tay. Khi họat động, thì cái đầu điều khiển chân tay, còn cái mình thì làm nhiệm vụ nối cái đầu và tay chân. Khi chạy xe, anh sử dụng cái đầu để sai khiến tay chân điều khiển xe. Nếu cái mình không đạt yêu cầu, như ốm quá hay ngắn quá, thì tín hiệu từ não phát xuống tay chân sẽ bị sai lệch, thiếu nhanh nhạy, do dó khi chạy xe sẽ dễ gây nên tai nạn.
Ga Làng: Nhưng tại sao lại có thêm quy định về vòng ngực tối thiểu thưa ông?
Cục Phó TQT: Chuyện vòng ngực thuộc về vấn đề tâm lý, cũng nằm trong sự quản lý của Bộ chúng tôi. Anh thấy các cô ngực nở, tròn trịa thì thường tự tin hơn các cô ngực bé không. Ngực càng bé thì càng tự ti mặc cảm. Chạy xe mà mặc cảm, thiếu tự tin thì đó là bố của tai nạn. Đấy, vấn đề là ở cả chuyện tâm lý cả. Nên tôi đã bảo đây là những quyết định hoàn toàn khoa học mà chúng tôi có nhiệm vụ sẽ giáo dục cho người dân, chứ hiện nay dân chúng bức xúc chỉ vì chưa hiểu vấn đề.
Ga Làng: Như vậy cần gì phải cần đến 83 điều người dân bị buộc phải khám sứ khoẻ và có chữ ký của 13 bác sĩ chuyên khoa chứng nhận? Vì nếu đạt yêu cầu về chiều cao, cân nặng và vòng ngực thì đã đủ tiêu chuẩn chạy xe. À! Xin lỗi ông, xin ông xác nhận lại có phải là cần chữ ký của 13 bác sĩ hay có sự nhầm lẫn gì trong thông báo của Bộ không ạ?
Cục Phó TQT: Đúng là chúng tôi đã đưa ra 83 tiêu chí khám sức khoẻ và cần 13 chữ ký bác sĩ, để được chứng nhận sức khoẻ tốt khi xin bằng lái như ban đầu. Nhưng đó là vấn đề cho các tài xế xe hơi, xe khách hay xe vận tải mà ở nước ngoài cũng bắt buộc thế thôi. Còn với người dân thường thì chỉ cần khám khoảng 40 mục, cùng chữ ký của hai đến ba bác sĩ là được. Tôi tin luật mới này sẽ không chỉ giúp cho giúp cho Bộ chúng tôi phát triển thêm về mặt tài chính trước tình hình hiện nay, mà cả Bộ Công An cũng có cơ hội tăng thêm thu nhập.
Ga Làng: Như chúng tôi tìm hiểu thì tại nước ngoài hiện nay, muốn lấy bằng lái chỉ qua một cuộc kiểm tra về luật lệ, khả năng lái xe và thị giác, chứ không có những yêu cầu mới mẻ như vậy của bộ ta. Liệu những đề tài khoa học mang tính chuyên môn sâu như thế này, có nên trình bày cho thế giới hiểu và áp dụng trong việc cấp phát bằng lái và để ngăn ngừa tai nạn giao thông tại quốc gia của họ không thưa ông?
Cục Phó TQT: Chúng tôi đã nhận được nhiều lời mời tham dự các cuộc hội thảo khoa học từ nhiều quốc gia, cũng như điện văn chúc mừng từ các nhà khoa học trên thế giới. Rồi anh xem, họ cứ phải cử người sang ta mà học hỏi.
Ga Làng: Vâng, các hãng như AP, Reuters đều đã đưa tin. Xin cảm ơn Cục Phó đã dành thời gian trao đổi về một vấn đề thời sự đang được dân chúng quan tâm.