“Người tham gia chống tham nhũng đôi khi cũng phải chịu ảnh hưởng, thiệt thòi. Hiện, tâm lý phóng viên có phần lo ngại. Tôi cho rằng nhà báo cần phải bản lĩnh”. Ngài Tổng Thanh tra chính phủ Trần văn Truyền vừa tuyên bố như đinh đóng cột (tre) trước báo giới trong nước hồi tuần qua. Đây không phải lần đầu ngài Thanh tra đã gào lên thê thảm thiết như dzậy trong vài tháng qua, vì báo chí trong nước dường như bị tê liệt trong việc phanh phui các vụ tham nhũng. Ốt dột trước chuyện nghề nghiệp bị “đụng chạm”, Ga Làng xách máy ghi âm, tìm ngài Thanh Tra tìm hiểu ngọn ngành.
Ga Làng: Thưa ngài Thanh tra, ông nghĩ sao về chuyện báo chí chống tham nhũng trong thời gian qua?
Thanh tra: Tôi cho là tốt, là tích cực, nhưng thời gian qua báo chí đã đi lầm đường. Thay vì chống từ dưới lên trên, như coi ở địa phương, phanh phui coi có ai thu tiền rác cao quá mức hay hay bỏ túi riêng tiền giữ xe thu được, thì báo chí lại đụng đến các vấn đề cấp trung ương, gây hoang mang và làm mất uy tín chính phủ ta.

Ga Làng: Như vụ PMU 18, mà hai phóng viên đã phải vào tù?
Thanh tra: Đúng vậy. Báo chí khó mà biết được ngọn ngành của những vụ có tầm mức quốc gia, như vụ PMU18 hay dự án xây dựng PCI vừa qua. Nên tốt hơn hết là không nên đụng vào. Làm sao các anh có thể biết được ai trực tiếp hay gián tiếp tham nhũng trong các vụ này? Trong khi thông tin báo chí lại cần sự chính xác.
Ga Làng: Như vậy phóng viên cần can đảm hay bản lĩnh như ngài đã kêu gọi, là mang ý nghĩa gì ?
Thanh tra: Ý tôi là các phóng viên cần có can đảm để đi tù như các vụ vừa qua. Anh thấy các đồng chí lãnh đạo của chúng ta ngày xưa không, ai cũng đã từng đi tù mới làm đến chức lớn? Phóng viên cũng cần đi tù để phát triển nghề nghiệp và ý thức phục vụ, cũng như để thăng tiến trong tương lai.
Ga Làng: Họ là phóng viên chớ có phải là tội phạm đâu mà cần đi tù?
Thanh tra: Nước chúng ta là một đất nước bình đẳng, người phạm tội hay không phạm tội cũng có thể vào tù như nhau. Phóng viên cũng thế thôi.
Ga Làng: Nhưng phần lớn các phóng viên không muốn bị đi tù, vậy theo ông họ phải làm gì?
Thanh tra: Cứ tiếp tục chống tham nhũng theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian đến, để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho báo chí, chúng tôi sẽ gởi xuống các tờ báo một danh sách các cá nhân, các cơ quan chính phủ mà báo chí không nên nêu tên trong việc điều tra các vụ tham nhũng hay hối lộ . Đây là danh sách các đảng viên của đảng ta hiện nay, cùng các cơ quan chính phủ từ trung ương xuống địa phương.
Ga Làng: Như vậy việc chống tham nhũng chỉ còn nhắm vào người dân thường ?
Thanh tra: Đúng vậy, người dân là rường cột của đất nước. Nếu người dân trong sạch thì đất nước sẽ phát triển. Chúng tôi kêu gọi tất cả các phóng viên, giới báo chí cứ tiếp tục chống tham nhũng.
Ga Làng: Xin cảm ơn ngài Thanh Tra. Tôi tin họ sẽ tiếp tục chống tham nhũng theo… định hướng xã hội chủ nghĩa như ông nói.