
Một tiệm bán đồ trang trí Giáng Sinh ở Sài Gòn
Ở khu vực bán đồ trang trí Noel lâu năm như nhà thờ Tân Định, Vườn Xoài hay hệ thống siêu thị Big C, Coop Mart, Citi Mart… hàng phục vụ Giáng sinh được trưng bầy rất mỹ thuật. Nhiều mẫu mã đẹp, giá cả lại bình dân. Ba trăm ngàn đồng một cây thông xanh cao thước rưỡi, thêm đồ trang trí. Rẻ, so với năm ngoái. Khen vậy nhưng mấy cô cậu trẻ chỉ đứng ngắm, không mua. Các ông bố bà mẹ cũng nhắc chừng con: xem thì xem. Cấm đòi.
Ở các siêu thị máy móc gia dụng Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Chợ Lớn, tình hình cũng tương tự. Trên báo suốt mấy tuần qua, những mẫu quảng cáo giảm giá từ 20% đến 50%, kèm dịch vụ lắp đặt, chuyên chở… khá hấp dẫn nhưng khách vào cửa hàng chỉ đứng trầm tư trước dãy tivi, tủ lạnh, máy ảnh… Một ông khách đang săm soi chiếc máy ảnh digital Samsung giá 3 triệu rưỡi đồng, tặng kèm bao da, thẻ nhớ 1GB trong siêu thị Nguyễn Kim. Mới cho tay vào túi rút tiền ông đã bị vợ lập tức “câu lưu, dẫn độ” ra khỏi cửa hàng, vừa đi vừa xỉa xói: “Của rẻ là của ôi, bao nhiêu người bị mắc rồi, còn chưa chừa”.

Không chỉ siêu thị, quán xá ở trung tâm quận 1, 3, 5, Phú Nhuận… tung chiêu bài hàng mới, hàng giảm giá để câu khách, mà các chiếu vỉa hè cũng ráo riết mời chào đối tượng thích thời trang nhưng ít tiền. Hai đôi giầy Adidas, một cho anh, một cho em, trên đường Lý Chính Thắng, khéo trả giá chỉ hết trăm ngàn. Nón bảo hiểm có dán tem “kiểm định” CR của nhà nước đàng hoàng: “đụng xe, bảo đảm… bể cả nón lẫn đầu” bán ba mươi lăm ngàn trên đường An Dương Vương. Một bộ chăn gối Hàn Quốc chín mươi chín ngàn ở đường Lê văn Sỹ, túi xách “Made in Paris” bốn chục ngàn trên Cầu Kiệu… Tất cả đều đông khách vào chiều tối. Hỏi các em gái thử giầy dép, các ông lựa nón bảo hiểm, các bà nội trợ săm soi mớ gối mền Hàn Quốc, kẻ viết bài đều nhận được câu trả lời: “Thấy hay hay, rẻ rẻ thì mua. Xài vài bữa hư, quăng đi, mua cái khác”.
Suy thoái kinh tế, cho nên…
Báo chí, từ giữa năm 2008, đặc biệt từ tháng 10, 11, dồn dập đăng tải tin xấu về nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng dây chuyền của nó tới các nước khác, trong đó có Việt nam. Người đọc bình thường không mấy quan tâm.Và có phần không tin. Nhưng nhìn hàng hóa xa xỉ đồng loạt ế ẩm dịp lễ Giáng sinh, và sự tiết kiệm quá mức của các đám cưới cuối năm, người lạc quan nhất cũng thấy hoang mang.
Bình thường, mùa cưới là dịp làm ăn của nhà hàng, tiệm chụp ảnh, tiệm bán nữ trang, người nấu cỗ, kẻ đi hát giúp vui… Một đám cưới, qui mô trung bình từ ba chục bàn tới năm chục bàn. Mỗi khách đến dự, bèo nhất cũng bỏ bao thơ hai trăm ngàn. Lấy thu bù chi, cô dâu chú rể nào cũng tự tin “từ lời tới huề vốn chứ không thể lỗ”. Nhưng đó là nhờ khéo vận dụng mối quen biết, nhờ bạn bè trợ lực. Mọi chuyện thuê quần áo cưới, xe rước dâu, đặt tiệc nhà hàng, chụp ảnh quay phim… cái nào nhờ được, mượn được đều tích cực nhờ, mượn. Cái nào chế được, chế hết’, Tâm A. một giảng viên trẻ của Đại học H.B đã bật mí vậy. Không biết có phải vì nghe được ‘phút nói thật’ của Tâm A không mà chủ nhà hàng, chủ studio, chủ tiệm cho thuê áo dài, thuê xe hơi rước dâu…tất cả đều thở dài nẫu ruột. Tiếng thở dài tuy không phải là virus, nhưng có sức lây nhiễm cấp kỳ. Từ giới kinh doanh hàng Giáng sinh, tới dịch vụ cưới hỏi, và bây giờ là dịch vụ du lịch. Tất cả đều mang bệnh thở dài.

Hôm 28-11, có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất, kẻ viết bài phỏng vấn chớp nhoáng một Việt kiều Mỹ tuổi trạc 60. Oâng bảo ‘bên đó đang lạnh, không có việc làm, con cháu đi hết, nằm nhà buồn. Vậy là về thôi. Tiền vé con cháu cho. Đồ đạc mang về làm quà mua bên đó rất dễ, rất rẻ. Vài hôm nữa, gọi điện, rủ bạn già đi đây đi đó’. Có lẽ bắt mạch được nhu cầu ‘đi đây đi đó’ của ông Việt kiều, các hãng du lịch lữ hành đã ra sức quảng cáo nhiều tour trọn gói giá rẻ. Các tỉnh có thế mạnh về du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Quảng Ninh, cũng vội ‘nặn’ vài lễ hội như lễ hội trà tại Blao từ ngày 4 tới ngày7 tháng 12, lễ hội cà phê tại Ban Mê Thuột từ ngày 10 tới 14 tháng 12, lễ kỷ niệm 115 năm thành phố Đà Lạt từ ngày 20 tới 21 tháng 12… nhằm hút khách bốn phương. Nhưng khách du lịch Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt kiều Úùc, Mỹ năm nay ‘khôn’ hơn, khó dụ hơn, mà nói thực lòng, cũng nghèo hơn trước, nên ngành du lịch không cần coi thầy bói, cũng biết dịp cuối năm sẽ thất thu ít nhất 30%. Các công ty Chợ Lớn, Lửa Việt, Sài Gòn, Thanh Niên Xung Phong, Fiditour, Văn Hóa Việt không ai bảo ai, đều không dám thiết kế các tua’hoành tráng’, ấn tượng. Đã vậy, tua Thái Lan, một trong những tua ‘đình đám’ nhất của mọi hãng du lịch, tuần qua, vì rối loạn chính trị ở Bangkok, đã chịu tổn thất không nhỏ. Anh T. nhân viên của hãng lữ hành Sài Gòn cho kẻ viết bài biết, ngay khi biết tin đoàn khách hơn 30 người bị kẹt vì sân bay Suvarnabhumi, sân bay Đôn Mường ngưng họat động, hãng đã cử ngay người sang giải quyết, mọi tổn phí phát sinh đều không bắt khách chi trả. Đưa khách từ Thái Lan về Campuchia. Nghỉ khách sạn một đêm, sau đó đi từ Campuchia về Sài Gòn bằng đường bộ an toàn. Chu đáo, ân cần là vậy nhưng Sài Gòn Tourist, Vietravel, VietNam Airlines (đã đưa máy bay A 321 sang sân bay Utapao đón khách từ đêm 29 tháng 11 đến nay) đều hiểu, tuyến du lịch Thái Lan phải tạm ngưng, ít ra đến khi chính trường Thái Lan yên ổn trở lại.
Không Giáng Sinh. Không Tết!
‘Aên còn không đủ, Giáng sinh gì’, nghe giọng chán nản buông xuôi, biết chắc 80% là của nạn nhân lũ lụt ở Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Sài Gòn… Suốt tháng qua, hai cơn bão số 9, số 10, trùng với đợt triều cường, đã khiến dân các tỉnh thành vừa kể lâm vào cảnh khốn đốn tận cùng. Mùa màng mất trắng. Nhà cửa, đường xá hư hỏng. Rau cỏ, heo gà, cá tôm không còn. Hàng loạt thanh niên bỏ đi làm ăn xa, còn lại quê nhà toàn bố mẹ già và đám trẻ con. Làng xóm buồn tênh. ‘Cuối năm, gạo củi rau dưa đắt đỏ, ngồi chờ có người thuê mướn, ngày được hai chục ngàn, đã là may mắn’, một chị ở ‘chợ cơ bắp’ tự phát cạnh gốc đa Tam Cốc- Ninh Bình tâm sự như vậy. Chị chỉ tay ra mặt nước mênh mông hỏi kẻ viết bài ‘đố biết chỗ ấy trước là gì’. Câu đố chưa có lời giải, nước mắt đã rơi lã chã….
Với những người nông dân, thị dân bị thủy tai làm cho kiệt quệ nọ, thì nói tới vui Giáng sinh và ăn tết có vẻ gì đó như rất tàn nhẫn.
Chúa sinh trong máng cỏ nghèo. Chúa là biểu tượng của tình thương yêu dành cho người cùng khổ. Nhưng đó là hai mươi mốt thế kỷ trước. Chứ bây giờ…nhiều người khổ quá, liệu Chúa có giúp hết được? Mà giả như giúp, chắc gì chỉ người nghèo mới cầu xin ơn Chúa. Bao nhiêu người giàu- chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người gửi tiền ngân hàng, người chơi chứng khoán, đầu cơ vàng, nhà đất…Tất cả họ đều than nghèo hơn cả người nghèo, khổ hơn cả người khổ. Hỏi một chủ doanh nghiệp ngành da giầy trong khu chế xuất Tân Tạo (vừa phá sản) về dự định làm ăn lại trong những ngày sắp tới. Anh phẩy tay, buông ba tiếng gọn lỏn ‘đi trốn nợ’.
Thế đấy! Đầu tháng 12, không khí Giáng sinh ở Sài Gòn là thế. Nói tắt một lời, chỉ hào nhoáng bề ngoài, và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn trong thực tế, đời sống mọi người, mọi giới đều ‘vui là vui gượng, kẻo mà…’