Menu Close

Mùa lũ vùng biển

Cứ đến giữa tháng 11, nước lũ ở đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu rút, người dân ở vùng biên thùy từ Vĩnh Hưng (Long An) đến Sa Rài (Đồng Tháp) tất bật làm đủ việc để kiếm thêm. Đây là thời vụ thu hoạch loài thủy sản và loài thảo dại.

Vùng ngập lũ biên giới Vĩnh Hưng, tỉnh Long An

Nước lũ giữa tháng 11 đã rút nhiều, lộ ra những gò đất lớn phủ đầy một lớp bùn mịn xám đen. Anh Hồng chạy tắc ráng, đi chầm chậm giữa lạch nước rộng như sông cái. Anh dùng sào tre chống xuống nước cho tôi thấy chỗ này nước chỉ đến thắt lưng. Rồi anh chỉ tay về phía những thân tràm khô cắm dọc phía bên kia, nói: “Sau lưng dãy cọc kia là rạch nước sâu quá đầu đó.”

Đồng nước trống trơn, lâu lâu mới thấy bóng người với chiếc ghe từ trong những đám cỏ năn hoặc lục bình rậm rịt chống ra. Họ đi thăm sa cá. Sa là những tấm lưới quay theo hình chữ U, dài chừng hai trăm mét, có những cọc tre cắm dọc theo chiều dài của lưới để giữ lưới không chùng. Chiều hôm những người bắt cá bằng sa đã giăng lưới, đến sáng hôm ra gỡ. Cá lóc, cá linh, cá rô, sặc rằn, thác lác, mè vinh, mè hoa, cá trê… Con nào con nấy mập ú ngon lành. Có sa toàn cá linh cả trăm ký.

Chiếc tắc ráng phóng mình băng băng giữa những khoảng trống của lau sậy. Hơn một tiếng sau mới ra được con kênh lớn hai bên toàn tràm là tràm phủ xanh cả một vùng đất. Theo con đường này một tiếng nữa là tới Đồng Tháp thuộc khu vực Tháp Mười.

 

Dân câu mùa lũ

Vùng này trước đây là cánh đồng hoang, nhưng nay khác rồi. Nhà cửa thấp thoáng dọc theo bờ kênh tràn nước. Ghé vào một trạm xăng dầu nổi ở bên bờ kênh đổ đầy bình xăng, chúng tôi tiếp tục chặng hành trình đến vùng biên thùy của tỉnh Đồng Tháp với Campuchia.

Ngay sát bờ, có vài người dân đang bán cá cho thương lái. Cá được phân loại ngay trong ghe. Chúng tôi cũng có bữa trưa ăn  cá linh khèo mỡ hành cuộn bánh tráng với đọt lục bình, bông điên điển do một chủ quán gần đó chế biến dùm. Đây là lần thứ hai trong đời tôi được ăn những món ăn chế biến ngay trên mùa nước nổi. Ngon hết biết.

Tắc ráng lại đi vào những thôn xóm vắng vẻ có những ngôi nhà sàn nước ngập sát mí. Cuộc sống có vẻ tạm bợ. Họ hầu hết là dân Việt kiều Campuchia, chạy về Việt Nam từ năm 1979.

 



Thương lái ở Đồng Tháp

 

Anh Tồn mới 45 tuổi mà trông như một ông già, da đen cháy, mấy ngón tay vàng khè khô mốc, tâm sự: “dân tụi tui trắng tay dạt về đây sinh sống. Gần ba mươi năm rồi, thay ba bốn lần nhà rồi, nhưng cái nghèo vẫn chưa chịu thay”.

Chiếc tắc ráng lại băng băng trên đường trở về dưới cái nắng quá trưa vắng vẻ. Bỗng anh Hồng cho tắc ráng lướt qua vùng ngập nước đầy năn, lác, đi tắt về vùng thượng của huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây bạt ngàn tràm giấy, nước ngập nhưng không quá sâu như ở những nơi chúng tôi đi qua hồi sáng. Anh Hồng cho biết, trước 1975, nơi này không ai ở. Bây giờ vẫn còn hoang vu.
 



Thảo dại

 

Ngược về hướng Bắc hơn một tiếng, chúng tôi trở về Mộc Hóa vừa khi ánh mặt trời sắp tắt. Anh Hồng bảo lại nhà ăn tối rồi anh đưa ra lộ cái về chợ. Tối nay anh chiêu đãi tôi một món mà anh chắc rằng tôi chưa bao giờ nếm qua. Khoai mì trộn mỡ hành, cuộn rau sống chấm nước mắm. Khoai mì  nấu chín, tán trộn mỡ hành muối đậu thì tôi đã ăn nhiều lần rồi, nhưng cuộn khoai mì với rau sống thì đúng là lần đầu tiền tôi thử. Ngon, lạ!

Quăng chài

NT