Menu Close

Kinh tế thị trường

Hổm nay bà con ta than như bộng. Thời buổi thông tin, nên giá xăng ở nước ngoài xuống  giá tới đâu, bà con biết tới đó. Ba cái chuyện tham nhũng, hối lộ thì báo chí còn “rét”, hổng dám đưa tin, chớ vụ xăng dầu thế giới thì chẳng có chi bị liệt vào hàng “bí mật quốc gia”, nên ai nấy đều biết chuyện. Ai đời dầu thô xuống còn đâu trên dưới 40 đô một thùng, và xăng dầu ở Mỹ hay các nước Châu Á xuống còn trên dưới 1.50 đô mỗi ga-lông. Những nước ta thì mỗi ngày Ga tui phải bấm bụng đổ tới 12,500 đồng mỗi lít, tính ra gần 3 đô mỗi ga-lông, gấp đôi ở nước ngoài. Dân kêu ca, báo chí “phản ảnh”, các quan ta vẫn tỉnh như ruồi và tuyên bố “tình hình mỗi nước mỗi khác, nên giá cả phải khác nhau”. Chú Ba Xe ôm kêu Ga tui kiếm mấy thằng “Phân Cục” nói chuyện “phải trái”, chớ để vậy coi mần răng được. Hổng dám đâu, Ga tui bị nhốt mấy bận rồi, cha nội này hay “cương” và xúi ẩu. Viết báo chớ có phải dân giang hồ đâu mà tính chuyện “phải trái”. Nhưng Ga tui cũng hẹn gặp được ngài Phân Cục trưởng Cục Xăng dầu Miền Nam để thực hiện cuộc phỏng vấn về tình hình giá cả xăng dầu của nước nhà.

 

 

Tranh: Bảo Huân

 
Ga Làng: Thưa Phân Cục Trưởng, trước đây khi tăng giá xăng thì Cục ta bảo rằng vì giá dầu thế giới tăng cao, nhưng nay giá dầu thế giới đã giảm mà giá xăng của nước ta vẫn còn cao?

Phân Cục trưởng: Có thứ lên thì khó nhưng xuống thì lẹ, nhưng tình hình xăng dầu hay giá cả ở nước ta thì đâu thể như vậy. Chúng tôi đã hạ giá nhiều lần, so với trước đây đã thấp lắm rồi, không biết dân chúng còn kêu ca điều gì nhỉ?

Ga Làng: Đúng là giá cao giảm, nhưng vẫn còn mắc gấp đôi tại nước ngoài. Tại sao vậy thưa ông?

Phân Cục trưởng: Nước ngoài khác, nước ta khác. Tình hình và điều kiện mỗi nước mỗi khác, anh không nên so sánh thế. Ví dụ lương ở nước ngoài cao hơn lương của ta hàng vài chục lần, thì làm sao ta có thể so sánh được chứ. Giá xăng của ta hiện nay cao là do chính sách kinh tế thị trường đã mở rộng, nên phần cạnh tranh găng lắm.

 
Ga Làng: Ủa! Tôi nghĩ hồi giờ những kỹ nghệ lợi nhuận cao của ta như xăng dầu, điện lực, viễn thông điện thoại, internet… đều nằm độc quyền trong tay nhà nước ta, nên vấn đề giá cả…

Phân Cục trưởng: Anh thấy là ngày xưa chỉ có mỗi Tổng công ty xăng dầu Petrolimex, còn hiện nay có cả các công ty xăng dầu bên công an, quân đội, của con cái các đồng chí trung ương như Xăng dầu Quân đội, PV Oil, MeKong, Saigon Petro… Nhiều công ty cạnh tranh như thế, thì đấy không phải là kinh tế thị trường thì còn gọi là gì? Chúng tôi đâu thể tự mình xuống giá nếu bên các công ty ấy không đồng ý.

 
Ga làng:
Theo ông, vậy người dân cần phải làm gì trước tình hình giá xăng cao như thế này?

Phân Cục trưởng: Giá chúng tôi bán thế, người dân muốn hay không muốn đổ xăng là quyền của họ. Nếu họ nhờ thân nhân ở nước ngoài đóng thùng gởi xăng về thì tôi nghĩ giá xăng cũng không thể rẻ hơn giá bán hiện nay. Tôi thấy nhiều đồng chí cán bộ hay các thanh niên đang chạy xe hơi, có ai than phiền xăng cao đâu. Những xe hàng vài trăm ngàn đô la ấy mà uống xăng thì phải khiếp nhé. Như xe loại thể thao của mấy đứa con tôi ấy, chúng uống xăng như hũ chìm, mà chúng tôi cũng vui vẻ chấp hành theo chính sách nhà nước thôi. Vấn đề là anh cần được đả thông tư tưởng.

 
Ga Làng:
Giá xăng tăng cao còn ảnh hưởng đến cả những vấn đề chi phí sản xuất, giao thông vận chuyển, mãi lực hàng hoá và xuất cảng …, chứ không chỉ riêng việc người dân đổ xăng chạy hàng ngày nên…

Phân Cục trưởng: Ấy, đấy là vấn đề bên các đồng chí sản xuất, thương mại hay xuất nhập khẩu. Anh cứ qua ấy tìm hiểu, còn nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là các vấn đề xăng dầu thôi. Thế nhé.

Ga Làng: Dạ, cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.
 

GL