Tết âm lịch là tết quan trọng nhất của người Việt xưa, được gọi là Tết Cả. Từ sau ngày hăm ba tháng chạp tiễn ông táo về trời, những hoạt động mua bán sắm sửa đủ khiến người vô tình nhất cũng xao xuyến nôn nao. Khắp nơi rực rỡ sắc mầu, rộn rã âm thanh, kéo miên man hết tháng giêng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè
.

Đấy là ngày xưa, còn nay thì sao? Làm một vòng đó đây, kẻ viết bài ghi nhận nhanh hai khuynh hướng đón tết được coi là ‘thời trang’ nhất năm Kỷ Sửu này của người Sài Gòn. Đó là không thể ăn tết và
cướp tết của người khác mà ăn.
Nghèo không ăn tết
Đây là tuyên ngôn chung của dân vô sản, hầu hết gốc gác miền bắc miền trung. Vất vả sớm hôm trong các xưởng may gia công quần áo, túi xách, da giầy của Hàn Quốc, Đài Loan với mức lương chết đói trên dưới một triệu đồng/ tháng, ai cũng nhịn ăn tiêu tối đa để gửi về quê trợ giúp gia đình. Đùng một cái, cơn suy thoái kinh tế lan tới Việt Nam. Giá dầu, giá vàng thế giới liên tục chao đảo kéo theo giá tiền đồng, tiền đô phập phù, thị trường chứng khoán như diều đứt dây. Hàng loạt doanh nghiệp khốn khổ vì lãi suất vay ngân hàng cao ngất, đầu vào đầu ra kẹt cứng. Tin dữ dồn dập từ quận Thủ Đức, Bình Tân, Hóc Môn, Gò Vấp bay về Sài Gòn, rằng hiện tượng sa thải công nhân, đóng cửa nhà máy, chủ doanh nghiệp bỏ trốn đang bùng phát mạnh như dịch cúm gà. Trên các báo xuất hiện nhiều hình ảnh, tin bài về đề tài công nhân chầu chực đòi lương thưởng cuối năm, công nhân đón xe dù về quê sớm, công nhân đi khất nợ, bắt nợ, đòi nợ, cả đi trộm cắp, trấn lột ban đêm

Để kiểm chứng phần nào các thông tin này, kẻ viết bài tìm ra bến xe Miền Đông, nơi xuất phát những chuyến xe chạy tuyến miền Trung, thấy trong nhà chờ mua vé ồn ào hỗn độn có khá nhiều người bình thản ngủ. Ngồi xuống cạnh một ‘con tôm’ ngáy khò khò trên băng ghế, gối đầu lên bịt nilon, cạnh bên, một cô khác cũng co cẳng nhắm hờ đôi mắt, kẻ viết bài hỏi làm quen, về đâu mà không mua vé, ngồi ngủ đây? Cô gái mở choàng mắt . Qua câu chuyện của cô mới biết hai chị em làm cho xí nghiệp H.D – Gò Vấp ‘hai tháng liền xí nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu. Ban đầu chủ cho tạm nghỉ chờ việc, sau cho nghỉ luôn. Lương, thưởng tết coi như xù. Ở đây đeo theo đòi nợ hay về quê. Tính đi tính lại, tiền ăn, tiền trọ hà tiện cũng cả triệu một tháng, không bằng về quê’. Chỉ vào cô em đang ngủ, cô chị nói to, ý cho đám ăn trộm lẩn quẩn gần đó nghe ‘trong mình không có lấy phân vàng, hành lý cũng chỉ bộ đồ dính da, giấy tờ tùy thân bỏ vô bịt nylon, gối đầu lên ngủ. Sợ gì ăn trộm’
Ỡ những điểm xe dù khác như Ngã tư Ga, Xa lộ Hà Nội, cây xăng Huệ Thiên, Ngã tư Bình Phước tình cảnh những gia đình có con nhỏ, những nhóm đồng hương trẻ tuổi ngồi túm tụm chờ xe cũng tương tự – mất việc, hết tiền, dúi vào tay nhau ít gói kẹo, vài bộ đồ may sẵn, dặn dò: ‘Về nhớ đừng nói gì. Các cụ hỏi cứ bảo trên này đang vào mùa tết, hàng nhiều, chủ không cho về’, ‘Tới nhà nhớ gọi điện báo tin. Tuần sau đòi được lương, anh gửi thêm cho mấy mẹ con. Chỗ thuốc khớp cụ ngoại nặng hơn thì để mình cụ dùng. Đừng chia cho cụ nội ’

Thất nghiệp về quê ăn Tết
Dạo một vòng chợ truyền thống và hệ thống siêu thị, chả thấy gì là hiệu quả của việc hàng ngoại tràn vào, lấn át hàng nội sau ngày 1/1/2009, ngày chính thức có hiệu lệnh ‘xả cảng’. Đi ngang dãy máy ảnh, ti vi, tủ lạnh, mứt kẹo, quần áo vải vóc, đồ trang hoàng nhà cửa trong siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Thiên Hòa, siêu thị Big C (Pháp) Parson (Mã Lai), Zen (Nhật), ‘trái tim sỏi đá’ của người tiêu dùng bình dân chẳng đập loạn nhịp bao nhiêu.
Ngoài vỉa hè Nguyễn Đình Chiểu, hai vợ chồng anh Quảng Ngãi bán quần áo xôn mỏi miệng rao ‘mười ngàn cái áo, hai chục cái quần. Quanh là quẹo, lựa là xài’.Cạnh đó, hai ông xe ôm quê ‘Hà – Lam – Linh’ ngồi chờ khách, ngáp vặt. Cô Hiền, thợ uốn tóc của Beauty salon Minh kể mỗi tuần ăn chia với chủ hai trăm ngàn, chủ yếu sống nhờ tiền buộc boa của khách. Mọi năm khá, năm nay hai mươi tết khách vẫn le hoe. ‘Chắc nghỉ, kiếm việc khác làm ’
Trong chợ Bến Thành, cảnh mua bán có vẻ nhộn nhịp, nhưng nhìn kỹ, chỉ đông khách đi xem. Ngang bảng giá ‘ba trăm ngàn tôm khô loại 1, năm trăm ngàn tôm khô đặc biệt’, kẻ viết bài ngơ ngác, nghĩ bụng chắc người bán đề giá lộn. Vì tôm khô đối với dân thành phố, ngoài chuyện để dành nấu canh, thì chỉ đi với củ kiệu, nhậu lai rai chơi, chưa bao giờ được coi là nhu yếu phẩm. Hỏi bà Xoàn chủ sạp đồ khô cao cấp chợ An Đông, bà này cười lắc đầu ‘giá nửa triệu, thường thôi, có gì mà la làng! Còn loại một triệu một ký, con nào con nấy đỏ au, thơm ngọt, khô mà không cứng, to cỡ cẳng cái
’. Tôm mắc thế bán cho ai? Cho nhà giàu và
Việt kiều! Bà Xoàn còn bảo yến sào mới thực sự ‘ghi-nét’. Tôm khô chỉ là cái đinh gỉ. Yến sào hàng đặt mười triệu đồng một trăm gram. Rẻ hơn cũng năm bảy triệu. Đối với giới làm ăn lớn, dịp tết mua quà biếu quan chức, biếu đối tác, không thể mua rượu mứt trà bánh tầm thường mà phải sâm, yến, tôm khô ăn chơi cho quý ông, nữ trang nhận hột xoàn số hên cho quý bà (cặp bông tai 3,6 ly, nhẫn 4,5 ly
).
Người lao động nhập cư chạy ăn từng đồng, người mua quà biếu hàng chục triệu
Bức tranh xã hội Việt Nam cũng lắm màu tương phản. Đã vậy Sở Lao động còn tiên đoán sang năm 2009, cả nước, số người mất việc chí ít cũng trên 150 ngàn người, gấp năm lần năm nay. Nghe ‘sáng’ cứ như
đêm ba mươi tết!

Cướp tết của người
Bên cạnh đối tượng thị dân nghèo, người nhập cư mất việc làm, thu nhập kém, không tiền ăn tết, thì còn một hạng cũng không tiền ăn tết nhưng thay vì bó gối ngồi nhà, lại chọn cách ‘lấy của người giàu (và người không giàu) làm của mình’, nói toạc ra, là ăn cướp ăn trộm. Bọn này tuổi đời non choẹt, nhiều lần vào tù ra khám. Tết đối với chúng là dịp làm ăn. Thủ đoạn thì nhiều nhưng phổ biến nhất vẫn là lập băng móc túi, giật đồ quanh khu vực chợ Bến Thành, trước Bưu Điện, Nhà thờ Đức Bà
Ngày 15/1 qua, được tin đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi đã bắt đầu trang hoàng, để kịp khai trương ‘Đường hoa Nguyễn Huệ’ vào 28 tết, kẻ viết bài háo hức vác máy đi ghi ảnh ngay. Những tưởng chỗ đông đúc, nhiều ông tây bà đầm qua lại, nhiều cảnh sát tuần tra thì sẽ an toàn. Nào ngờ khi đang hí hoáy chọn góc đẹp bấm hình thì chiếc Nikon D40X đeo ngang hông đã bị một bàn tay thô bạo giật phăng. Một đồng nghiệp già nghe chuyện, thương tình dạy cho bài học, rằng ‘phải dùng xích sắt nhỏ, xích máy vào cổ mình, không thì đi ba người, người này chụp, hai người kia canh chừng’.
Từ chuyện mất máy ảnh đau thương nọ, đề nghị độc giả, ai có ‘ý đồ’ về Việt Nam vui xuân, mang theo máy ảnh, máy quay hãy nhớ kinh nghiệm xương máu của kẻ viết bài. Xin nhắc lại: mọi thứ phải xích chặt vào người. Tiền đô, giấy tờ quan trọng để ở nhà. Điện thoại di động, đồng hồ, mắt kính đắt tiền đều ‘no use’. Chỉ thủ trong túi những tờ tiền Việt Nam mệnh giá mười ngàn, hai chục ngàn. Đi đâu, ăn gì hỏi giá trước. Cần mua bán thì vào siêu thị. Chợ búa đông người chỉ xem, đừng hỏi giá, đừng chen lấn mà mang vạ. Nếu xác định được X, Y chính là ông ăn cướp, bà ăn trộm thì trừ khi là Từ Hải anh hùng, còn hãy lẳng lặng tránh xa, chớ thưa kiện. Luật pháp Việt Nam, ngay công ty Vêđan giết chết nàng sông Thị Vải, bức tử luôn bốn ngàn nông dân Cần Giờ (Sài Gòn), Nhơn Trạch (Đồng Nai), chứng cớ sờ sờ mà còn không truy tố được, thì xá gì bọn trộm cắp lặt vặt. Bà con đừng ngửa mặt kêu trời ơi, vì trời, năm nay, trong mắt dân Việt ta, cũng là một lão ăn cướp tết rất ác độc.

Còn không ư! Chính lão tam phen tứ phen gây lũ lụt khắp trong nam ngoài bắc khiến dân Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình biết thế nào là hồng thủy hỗn mang. Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận nhà cửa đồng loạt trôi xuôi, hàng trăm ngàn héc ta lúa má hoa màu theo lũ bão mất trắng. Đến bây giờ, đã gần hết tháng Chạp, cảnh mưa bão vẫn mịt mù, tiếng khóc vẫn vọng về từ miền Trung khốn khổ. Tết, đối với những nông dân một nắng hai sương này chỉ còn trông vào những suất quà cứu trợ gồm mì gói, bột ngọt, chăn màn
Cũng nằm trong số nạn nhân bị trời cướp tết, là làng hoa phía Nam-Thủ Đức (Sài Gòn), Cái Mơn (Bến Tre) Tân Qui (Sa Đéc). ‘Gặp mưa rét trái mùa, hoa cúc, hoa hồng bung nụ, nở tét bét hết trơn. Mỗi gốc mai vàng bán sang tay cho mối, rẻ cũng được vài triệu, nay bờ bao bị bể như vầy, nước ngập trắng, coi như tiêu tan hết’ anh Hòa, chủ vườn hoa vùng Hiệp Bình Phước Thủ Đức than. Tương tự, ông Sáu Kiệt, ông Tư Điền, hai chủ vườn hồng Sa Đéc cũng rầu rầu vì ‘ba ngàn giỏ hồng bị mưa, hư hết. Cắt bỏ bông, bơm dồn thuốc dưỡng cây, vẫn lo không kịp ra đợt nụ mới bán tết. Tiền vốn 20,000 đồng một giỏ, thương lái trả chưa tới mười lăm ngàn. Bán cũng chết mà không bán cũng chết . Chưa thấy năm nào thiên địa bất nhơn như năm nay!’
Hai chữ ‘ăn tết’ như vậy, năm Kỷ Sửu này, đối với người làm công ăn lương, hay người đầm đìa mồ hôi trong xưởng thợ, người bán mặt trên luống cầy, trong vườn cây ăn trái, trại hoa kiểng
đều cũng thê thảm như nhau. Giá mà, ‘cuộc ăn tết’ của họ được tiền hung hậu kiết như trận đội tuyển bóng đá Việt Nam gặp đôïi tuyển Thái Lan ngày 28/12 vừa qua. Tiếc thay, cuộc đời, không phải cuộc đá banh.
Tết có lẽ chỉ còn hương sắc ở những cán bộ hải quan, các viên chức cao cấp và các ngài Trung Ương mồm la chói lói chống tham nhũng…