Mấy ngày nữa đã đến Tết, dân làng Vũ Đại lại lăng xăng chuẩn bị Tết. Mấy năm nay mùa màng thất bát, hoa quả thu lợi chẳng được bao nhiêu, lại bị đám thương buôn bắt chẹt. Phần đường xá xa xôi, phu hàng về đến chợ huyện thì đã bị mấy quan hay đám tuần canh chặn bắt, đòi tiền mãi lộ. Con cháu tha phương cầu thực, thời buổi khó khăn lại thêm bọn chủ chèn ép, nên cũng chẳng còn dư tiền mà về quê ăn Tết, sum họp với gia đình. Nhưng dẫu gì cũng ngày ba, ngày bảy, gia đình cũng quây quần để thắp cho ông bà tổ tiên nén nhang. Lam lũ, khổ cực quanh năm nên thôi đến ngày Tết cứ vui một tí. Gọi là cho bõ công vất vả, lấy sức vô năm mà làm.
Sáng nay chợ Dốc Hạ lại nghẹt người. Ai trồng được chút rau quả, hoa trái hay nuôi con gà, con vịt thì cứ ra đấy mà bán buôn hay đổi chác. Cận Tết nên trông mọi người vui vẻ, đùa giỡn chứ chả thèm nói thách như ngày thường. Có du thủ du thực quanh năm, thì cũng chừa ba ngày Tết mà giữ lòng cho sạch chứ.

Chẳng biết phía bên mợ Cả Bưa, tụ một đám các bà với nhau, trò truyện gì mà bỗng một bà lại thét lớn:
– Chết nhỉ, chết nhỉ! Ối giời đất ơi, thế có chết thật không cơ chứ.
Cả chợ nhốn nháo. Cái chợ làng nói nghe cho oai, chớ tụ lại chỉ dăm ba chục người. Nhích phía hàng rau, đã đụng ngay hàng thịt. Ai nấy đều quay về phía các bà đang vây quanh mợ Cả. Có tiếng ai cất lớn.
– Chết thật, khổ thế cơ chứ. Ai lại đi lấy cắp cái quần của ông Táo.
Cả chợ nhốn nháo. Chỉ còn hai hôm nữa là ông Táo về chầu Ngọc hoàng Thượng Đế, thế mà cái thằng ranh nào lại nỡ đánh cắp cái quần ông Táo. Tiếng bà nào đó lại cất lên:
– Tôi đoán là thằng Chí Phèo chứ chẳng ai vào đây. Cái làng mình có đến mà xấu mặt với nó chứ chẳng chơi.
Chỉ “nghi” thôi mà cái giọng bà lại thơn thớt, đanh đảnh, cứ như mắng cha người ta. Nhưng có kẻ nghi, thì lại có người bênh:
– Bà lại độc mồm độc miệng thế kia. Cái thằng Chí Phèo chỉ mỗi tật nát rượu, chứ từ ngày gá duyên cùng Thị Nở, nó lại sống tử tế ra phết. Đi đâu, làm gì cũng cười, cũng phụ giúp bà con láng giềng. Nó mà nghe bà nói nó thế, nó cũng chỉ cười mà bỏ qua cho bà, chớ gặp thằng khác thì bà có mà chết đấy.
Có tiếng đàn ông chen vào:
-Các bà nói thế nào, chứ hồi nào tôi nào thấy ông Táo có mang quần gì đâu nhỉ. Nghe bảo khi xưa, ổng nhảy vào lửa nên đã cháy mất quần rồi.
Bà Tư Đậu hứ cái rõ dài:
– Nói thế cũng nghe được đấy nhỉ. Chân tay ông ấy lành lặn thế kia, thì làm sao mà cháy được. Cháy quần thì phải bỏng, mà các ông các bà có ai thấy ông Táo bị bỏng đâu. Mà khiếp, chân ông ấy còn đầy lông thế kia. Nếu cháy quần sao lại không cháy lông?
Cả đám đông cười ồ, làm bà Tư Đậu mắc cỡ, quay xuống cầm bó rau cải lên, đưa qua đưa lại. Lại nghe người khác cất tiếng:
– Nghe bảo lúc bé, ông Táo là con út nên ngày Tết, mẹ mua vải may cho các anh chị nhớn, khi đến phiên mình thì không còn vải, nên đã không được mang quần từ bé, chứ phải đâu mất với cháy.
Người khác lại chen vào:
– Bé thì không mang quần chứ đến khi có vợ thì khéo lại không mang quần.
Bà chưa dứt câu, thì cả chợ lại cười ầm, hét to:
– Đúng đấy, có vợ thì cũng cần có quần đấy. Cứ hỏi thằng Chí Phèo với con Thị Nở xem. Chúng cười tíu tít suốt cả đêm đấy, chả biết có hay không có quần.
Ắt bà không rõ ý người khác trêu mình, nên bà tiếp:
– Tôi thì nghe người ta bảo hồi ông Táo lên gặp Ngọc Hoàng lần đầu về, bị trễ tàu trễ xe gì đấy nên chạy trối cha trối chết ra ga mà không kịp mang theo quần, nên từ ấy không có quần.
– Bỏ quên trên ấy thì về dưới này mua lại, bằng không thì năm sau lên lấy về, nó còn đấy thôi. Thiên đình chứ có phải đầu đường xó chợ đâu mà mất. Không chừng cái hồi ông tò te tú tí với bà Táo rồi bị bếp lửa thiêu, chạy vội nên nên mất quần chứ gì.
Cả chợ lại được một phen cười ầm. Ai cũng cứ nháo nhào, mỗi người mỗi lý lẽ về cái quần ông Táo. Chẳng ai chịu ai. Bấy giờ cụ Tú Phướng, bậc nho thâm trong làng Vũ Đại mới từ tốn bảo:
– Ấy! Ông Táo có quần hay không, hoặc ai lấy cắp quần ông Táo, ắt chẳng hệ trọng gì. Bao nhiêu đời nay, ông vẫn thế. Quần cộc thế mà lại mát quanh năm. Nhưng các cụ không thấy rằng bao năm nay chúng ta cứ bị chèn ép, nhũng nhiễu. Quan tham thì lạm quyền, ức hiếp, thâm lạm tiền bạc của chúng dân. Con cháu của ta thì đứa gả cho ngoại lai xa xứ, đứa thì mấy năm nay lên thị thành kiếm sống mà ngày Tết cũng túng thiếu, đâu được về sum họp cùng gia đình. Các cụ các bà không thấy rằng, cả cái làng ta còn mất nhiều hơn cả chuyện ông Táo mất cái quần à?
Dân làng nghe cụ Tú bảo, đang vui bỗng ra chiều trầm ngâm. Mùa này rét thế kia, những ngày Tết của bọn trẻ trong làng tha phương kiếm sống chẳng biết thế nào. Nắng chiều vừa khuất sau hàng tre. Lại một năm trôi qua.
Tết Kỷ Sửu