
Nói đến nghêu ở các vùng biển miền Nam thì nghêu Bạc Liêu nổi tiếng ngon nhất. To con và thịt ngọt, không lẫn vị nhẫn đắng. Bãi nghêu này nằm trong diện tích rộng đến 600 mẫu đầy phù sa từ các cửa biển Trà Vinh, Sóc Trăng đổ xuống đến tận Gành Hào. Do vùng bãi bồi giáp biển bằng phẳng nên thuận lợi cho loài nghêu tập trung sinh sống và bãi nghêu trở thành nguồn lợi thủy sản nuôi sống rất nhiều gia đình sống ven biển từ thời xa xưa.
Ông Năm Thạch (80 tuổi) ở xã Vĩnh Châu kể: “Từ lúc tôi sinh ra đời đã có bãi nghêu này rồi. Thời ấy người ta đi cào không nhiều như bây giờ và chỉ bắt nghêu lớn, còn con nhỏ chẳng ai thèm. Bây giờ, bà con chỉ thấy lợi trước mắt mà không nghĩ tới chuyện lâu dài.

Vào mùa nghêu, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh dưới ánh nắng gay gắt, gió lạnh của biển thổi vào nhưng vẫn có đến hàng trăm người ra bãi bắt nghêu. Người bắt nghêu là dân lao động nông nhàn. Chị Sa Rươi (45 tuổi), một trong những phụ nữ cào nghêu thâm niên, cho biết: “Một tháng khai thác bãi nghêu hai lần (mỗi lần từ 3-5 ngày), mỗi ngày, ba mẹ con chị cào khoảng từ 2-3 tiếng, kiếm được chừng 150 ngàn đồng, sống tạm được. Phụ nữ và trẻ em đi bắt nghêu, mỗi ngày ngâm mình hàng giờ dưới nước biển ngầu đục, da dẻ khô sạm, quắt queo, cơ cực. Chị Rươi nói: “Cực khổ dân cào nghêu không sợ bằng gặp những con sâu lông, cá ngát. Vì lỡ dính sâu lông thì tay chân của người cào nghêu ngứa gãi đến rướm máu vẫn còn ngứa, lỡ bị cá ngát đâm thì chỗ bị đâm sưng tấy, ung mủ, gây bệnh…”

Chị Tám Thìn quê ở Trà Vinh cùng hai người con trai đến bãi nghêu này hai tuần nay thu mua nghêu các loại. Lớn nhỏ gì cũng mua, cân ký. Có bao nhiêu mua hết.

Gặp một bà má ngồi dầm mình trong nước mò nghêu. Bà nói: “Tôi mò cả tiếng đồng hồ mà chưa được một ký nghêu”. Bà tâm sự: “Tui có ba đứa con. Đứa lớn mất xác ở Miên năm 1978, hai đứa kế giờ đi làm công nhân ở Vĩnh Long, ba bốn tháng mới gửi về một ít tiền mua gạo, muối. Sống một mình thui thủi, đến mùa nghêu mới ra bãi mò bắt một ít đem về nấu canh”.

Bờ biển Bạc Liêu là một bãi nghêu tự nhiên không chỉ nằm trong 600 mẫu mà nó kéo dài khắp cả tỉnh lên đến 12.000 mẫu. Hơn nữa, nếu không nằm trong vùng sinh thái tốt thì nghêu không thể phát triển được. Do đó, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản thiên nhiên ban tặng là việc cần làm. Nhưng rất tiếc vì nghèo khó mà dân cào nghêu mạnh tay khai thác bừa bãi. Rồi đây nghêu Bạc Liêu chỉ còn lại cái tên trong quá khứ!

