Menu Close

Hẻm Sàigòn

Sau tết, Sài Gòn trở lại nạn kẹt xe không khác gì năm cũ. Muốn tránh kẹt xe phải thuộc nhiều ngõ hẻm để luồn lách mà đi. Về khoản này, khó ai bì được với tài xế xe ôm. Cũng là những người rành rẽ về đời sống sinh hoạt của người dân trong những con hẻm Sài Gòn.  

   Hẻm trong nội thành thường bắt đầu từ đường lớn vào là tụ điểm xe ôm, đôi khi có cắm bảng “Tổ xe ôm tự quản”. Những hẻm chừng 2, 3mét bề ngang sẽ mọc thêm một quán cà phê với những ghế nhựa nép theo vách nhà đầu hẻm. Tuỳ vị trí địa lý từng con hẻm mang những mùi vị đặc trưng như hẻm chợ Ông Tạ có mùi chó thui, hẻm Cao Thắng-Điện Biên Phủ mùi cari, bột quế, bột hồi, xóm “Đường rầy xe lửa” đường Thích Quảng Đức thoảng mùi bánh tráng nướng, hẻm chùa Vĩnh Nghiêm sực nức mùi nhang…

Cụ bà là dân Thái Bình, đã cư ngụ trong hẻm này hơn 20 năm

 

   Ngày xưa, hẻm Sài Gòn “đêm khuya ngõ sâu như không mầu” trong ca khúc Xóm Đêm của Phạm Đình Chương đã mịt mù thời gian. Ngày nay bước chân vào hẻm ở Sài Gòn là mát mắt đẹp lòng vì đèn điện sáng sủa, hẻm tráng xi măng sạch sẽ. Cảnh ổ trâu ổ gà, cướp giựt, chích hút, mãi dâm, chuột chết, muỗi mòng… vẫn còn nhưng không công khai mà dạt ra ngoại thành, hoặc cụm lại trong những hẻm truyền thống như hẻm Cây Điệp, Cây Sung, Vườn Lài, Mả Lạng, Xóm Chiếu….

 

 Một thông báo trong hẻm

 

   Nhà trong hẻm san sát, không ít nhà “tam đại đồng đường”, ban ngày túa đi kiếm sống, tối tụ về nấu ăn, tắm giặt, coi cải lương, nói chuyện om sòm. Người trong hẻm trình độ học vấn thường thấp nhưng chuyện ngoại tình, đổi tiền đô, vàng lên giá, du lịch nước ngoài, sữa hàm lượng đạm thấp, sửa mũi bơm ngực… họ nói chắc ăn như chuyên gia thứ thiệt. Ba cái vụ bán độ bóng đá, đời tư diễn viên, hậu trường chính trị… nghe hãng thông tấn hẻm “bình loạn” sướng tai bằng mấy báo đài. Nhất là khi các “bình loạn gia” đã sương sương, sừng sừng bằng rượu thuốc, ốc sò, hột vịt lộn.

 

Một góc hẻm ở Sài Gòn

 

   Các hẻm ngoại thành – gần làng đại học, khu công nghiệp, sân bay, tuy không có lịch sử lâu đời, nhưng lại được tiếng quậy nhất nhờ dịch vụ cho thuê phòng, thuê gác, thuê nhà. Chủ nhà sẵn lòng sắm vai gác gian kiêm tạp vụ, nấu cơm tháng cho khách. Điển hình là khu vực phường 4 quận Tân Bình gần sân bay Tân Sơn Nhất, hay quận 5, quận 6, quận 11… người dân quen sống chật chội như hang chuột. Ngược lại, có dịp đến hẻm Nguyễn Cảnh Dị hay những hẻm bề ngang 8 tới 10m, đôi khi to đẹp hơn đường lớn. Chủ nhà ở đây rất chiều khách, nhất là khách ngoại. Hôm nay nhà cuối hẻm gọi thợ xây sửa phòng khách theo yêu cầu của khách thuê Đại Hàn, mai tới phiên nhà đầu hẻm gắn kính cửa theo yêu cầu của khách thuê Đài Loan. Người trong các hẻm lắm khách nước ngoài này vô hình trung phân chia làm ba hạng. Chủ nhà người Bắc, là đảng viên, cán bộ quân đội, nhân viên sân bay. Người thuê nhà là Hàn Quốc (70%). Người buôn bán, làm dịch vụ, làm “Ôsin” nói tiếng Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bình Định… Ba thân phận khác nhau trong cùng con hẻm, đồng tiền làm gạch nối duy nhất. Không tình nghĩa, không hỏi chào.

 

 

Quầy thịt quay ở chợ xóm nghèo Bình Khánh-Cần Giờ

 

   Cũng là hẻm ngoại, nhưng không phải ngoại quốc, mà chỉ ngoại thành. Dân hẻm là những công nhân mới mất việc, sống lắt lay như lá vàng sắp rụng ở Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè. Vào hẻm như lạc vào thế giới khác, mùi mì gói bay theo tiếng than vãn, thở dài, sụt sịt… Từng dãy phòng thấp, chia ngăn như chuồng gà tạm bợ, mỗi ngăn đủ kê chiếc giường, cái valy, nồi cơm điện và chiếc quạt máy. Chị bạn đi cùng xót xa hỏi kẻ viết bài “làm sao họ sống nổi nhỉ”. Câu hỏi không hiểu biết dân tình chút nào. Cụ Bá, ngồi chơi đầu hẻm, đã 78 tuổi, cười hệch hạc phô hàm răng cải mả cho biết: Cả nhà, con gái, con trai, các cháu, vị chi 7 người, thuê cái phòng 4m x 4m, nóng hầm hập, điệïn nước rất yếu, cầu xí không có. Mưa xuống nước ngập đen ngòm, đồ chất hết lên giường. Mẹ con bà cháu ngủ ngồi suốt. Thế mà gần bảy trăm ngàn một tháng. Nhìn không thấy tên đường, tên hẻm, tôi hỏi cụ Bá “Hẻm này tên gì hả cụ”. Bà cụ cười cười, dằn từng tiếng, nặng trịch “Hẻm không tên, hẻm khổ, hẻm chết đói khốn nạn, chứ hẻm gì!”

 

Nhà siêu nhỏ (bề ngang chưa tới 1m) trong hẻm

 

   Những hẻm loại này đang cấp báo tình trạng bất ổn trong đô thị được tiếng năng động nhất nước. Việc chăm sóc phúc lợi của người dân chỉ là “hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai”? Trông vào hàng ngũ cán bộ thôn ấp với chỉ 200,000 đồng ăn tết cho mỗi người nghèo thì họ cũng không nỡ đưa trọn cho người dân. (Tới nay, chỉ mới 27/64 tỉnh thành cả nước báo cáo lên chính phủ về chuyện xà xẻo tiền tết này)

 

Chợ “chồm hổm” trong hẻm

 

   Sài Gòn đang ở vào cuối tháng 2, thời tiết nóng tới 35 độ C, cộng với 70% hẻm xi măng. Đầu hẻm cuối hẻm, mất dần cây mận, cây me, cây trứng cá… từng che mát cho bao thế hệ cư dân. Mất luôn theo đó là những cái tên xóm Gò Xoài, đường Hàng Sanh, Hàng Thị, xóm Cây Da Sà.. Đi trong hẻm, lướt giữa những ngôi nhà đủ kiểu to nhỏ, mới cũ, sang hèn, cảm giác mỗi người mỗi khác. Nếu đi thuê trọ sẽ dáo dác dò tìm. Đi lập “phòng nhì” thì  e dè, cảnh giới. Đi bắt ghen dữ tợn như Trương Phi. Đi bán rong phải đon đả chào mời, còn đi… lạc như kẻ viết bài, mới chạm phải “những đôi mắt mang hình viên đạn” từ trong nhà bắn ra đã xây xẩm, ghê gai cả người.

 

Nhà bị đập ra xây lại

 

  Bước vội ra khỏi hẻm, biết sơ sơ hẻm là gì, người trong hẻm sống ra sao, vẫn không khỏi bâng khuâng nhớ người làm nên cái duyên thầm, cái tình nghèo, cái hồn thơ của hẻm – là ông bơm quẹt ga, đấm bóp, mài dao kéo, bán “chưng gai giò”, bà coi tay coi tướng, bán chè đậu đen nước dừa đường cát, thu mua ve chai…

   Những người đem mồ hôi đổi bát cơm giữa trưa hè, trong đêm mưa ấy, bây giờ đâu hết?

XH