Menu Close

Hồn quê vào phố


Nhà quê hái ra tiền

Nghe đồn nhiều về khu du lịch Văn Thánh là một địa chỉ nhà quê rất đẹp ở Sài Gòn, nơi từng tổ chức triển lãm gốm phương Nam và Lễ hội ẩm thực Nam bộ khá thành công, kẻ viết bài cất công tìm tới. Quả nhiên ngay cổng vào khu Văn Thánh, mắt chạm ngay tán đa cổ thụ thật đẹp. Dọc những thảm cỏ cắt xén công phu là những phòng ăn kiểu nhà rường Huế. Đó đây điểm xuyết vài nhịp cầu tre uốn cong trên lạch nước đầy hoa súng tím, vài chiếc xe ngựa già nua dưới gốc cây… so với đường phố ồn ào bên ngoài, Văn Thánh quả là một góc Việt Nam mấy mươi năm trước hiền hòa, thơ mộng.

 

Cổng làng cổ Đường Lâm – Hà Tây

 

Cùng với Văn Thánh, còn có khu du lịch Bình Quới ở bán đảo Thanh Đa. Đường vào Bình Quới gặp ngày rằm, nước có thể dâng ngập bánh xe, nhưng bù lại vị trí Bình Quới sát sông Sài Gòn nên suốt ngày hưởng gió sông mát rượi. Trong lòng Bình Quới cũng là ao súng, cầu tre, nhà lá, rặng dừa, tấm lưới như Văn Thánh, nhưng Bình Quới có phần được văn nghệ sĩ thích hơn.

Nếu những khu du lịch rộng rãi như Văn Thánh, Bình Quới tỏ ra thích hợp với hoạt động lễ hội, triển lãm, tiếp tân quy mô lớn, thì dạng cà phê sân vườn lại được giới thanh niên ủng hộ. Nếu bạn đến Sài Gòn vào mùa “viêm nhiệt”, mời bạn ở xa ghé cà phê sân vườn một lần cho biết. Kẻ viết bài xin mách bạn cà phê Nivarna góc Nguyễn Đình Chiểu – Phùng Khắc Khoan, cà phê Cõi Riêng đường Nguyễn Trọng Tuyển, cà phê Sỏi Đá và cà phê Serenata (sát vách nhau) đường Ngô Thời Nhiệm, cà phê Vườn Xuân đường Huỳnh văn Bánh, cà phê Thềm Xưa góc Nguyễn Trãi – Nguyễn Cảnh Chân… Điểm chung của những chốn thiên thai này là tiểu cảnh sân vườn rất có “gu”. Hoa lá, bàn ghế, thức ăn uống, ly tách đều đâu ra đó, nhất là toa-lét. Từng centimét trong nhà ngoài vườn đều được bàn tay các nhà thiết kế nội thất can thiệp khéo léo. Khách có thể ngồi cả ngày trong vườn hay trong “khoang” máy lạnh, lơ mơ thả hồn theo nhạc hòa tấu, đọc báo, lướt internet, bàn chuyện làm ăn, thậm chí… đánh bài. Kẻ viết bài nhiều lần ngồi gõ computer ở các quán này, cũng nhiều buổi tối đưa bạn phương xa tới nghe sinh viên Nhạc viện Thành phố chơi violin, piano. Ngoại trừ giá cả hơi đắt, còn thì không thể tìm đâu không gian yên tĩnh hơn cà phê sân vườn, nơi nhắm mắt là nghe mùi hoa, tiếng lá…

 

 
Một góc quán cà phê Bình Quới

 

Một khách lớn tuổi thắc mắc “Hình như thiếu bọn chân dài. Toàn đực rựa chạy bàn.” Về điều này thì đúng. Em Đức, chạy bàn ở quán Thềm Xưa cho biết, quãng đường em phải đi lại một buổi, từ sáu giờ chiều tới mười một giờ đêm, có thể trên dưới mười lăm cây số. Thí dụ bàn số 1 có khách mới vào. Phải chạy ra nghe order. Vào ra liên tục. Người nàyï xin thêm đá. Người kia gọi lấy bao thuốc. Người nọ xin bình trà. Rồi bàn số 2 kêu tính tiền. Bàn 3 đòi đổi nhạc. Bàn 4 hỏi toa-lét chỗ nào. Bàn 5 gọi “anh gì ơi, chụp giùm mấy pô hình”… Cứ vậy, tay lúc nào cũng bưng, chân lúc nào cũng chạy. Lúc đông khách, phải len lỏi, gồng cứng cái khay trên tay. Ngày làm hai ca, tháng triệu rưỡi. Không hợp đồng, không bảo hiểm. Thanh niên trai tráng còn đừ, con gái không kham nổi.

 

 

Loại hình cà phê sân vườn không phải mới có ở Sài Gòn mà sau năm 75 lúc nhân loại Sài Gòn chưa no ấm đã thấy nhiều. Nhưng hồi đó sân chỉ là miếng đất, còn vườn thì lơ thơ mấy bụi cây, một tàn trứng cá, năm ba chậu cau kiểng làm màu. Tối xuống muỗi vo ve như trấu. Bàn ghế, ly tách, cả con người đều sặc mùi đói nghèo mỏi mệt. Câu chuyện to nhỏ nói với nhau, trong lùm cây tối thui, chẳng có gì sáng sủa. Toàn chuyện thăm nuôi, chuyện đi hay ở, chuyện móc cái này quèo cái khác… Nhớ vậy, để thấy mừng cho cà phê sân vườn bây giờ đã thăng hoa thành bồng lai tiên cảnh. Không hút chích, mại dâm, không ồn ào băng đảng, chỉ có nhạc, đèn lồng, hoa tươi, trà lipton, cà phê phin, kem dâu, cam vắt… và những lời dễ nghe, dễ cảm. Có lẽ chính nhờ vẻ văn hóa này mà cà phê sân vườn hay được sinh viên, công chức văn phòng, các club chọn để tổ chức họp mặt cuối năm, mừng tốt nghiệp, chia tay, kỷ niệm ngày sinh, ngày cưới…

 

Góc phố Lê Lợi

 

Đường hoa Nguyễn Huệ

Hình ảnh làng quê trong khu du lịch Văn Thánh, Bình Quới và các quán cà phê sân vườn, tuy chọn lọc và nên thơ, nhưng xét về qui mô và tầm vóc nghệ thuật vẫn không thể sánh được với đường hoa Nguyễn Huệ. Tiếc là mỗi năm, người Sài Gòn và du khách bốn phương chỉ có độ một tuần ngắn ngủi trước và sau tết âm lịch với đường hoa độc đáo này. Gọi là đường hoa vì suốt chiều dài con đường Nguyễn Huệ dẫn từ tòa Đô Chính cũ xuống bến Bạch Đằng đầy hoa cúc, mào gà, mai, lan, hồng… Khách tây khách ta chen chân ngắm nghía, chụp ảnh, quay phim mê mẩn. Người này “chết” vì xe ngựa xe bò, người kia mê mẩn mùi hoa mùi lúa, người nọ ướm chân lên cầu khỉ, tò mò cầm gáo dừa lên gõ gõ.

 

 
Cầu khỉ ở khu du lịch Bình Quới

 

Nhớ ngày hăm chín tết Kỷ Sửu vừa qua, kẻ viết bài đứng cạnh hai lão nông ngắm bầy trâu bằng gốm nằm quây quần dưới bóng tre. Một lúc, nghe tiếng sụt sịt khẽ, quay sang, thấy một cụ đôi mắt đỏ ngầu. Ông cụ kể đất bị thu hồi, rào lại, bỏ cho cỏ mọc, “tản cư” lên đây. Thấy con trâu này giống trâu mình, tự dưng nhớ, rồi buồn.

Tính từ tết Ất Dậu năm 2005 khai sinh hình thức đường hoa đến nay là bốn năm, có biết bao người từng đến đây, rồi “lòi ra” gốc gác nông dân thứ thiệt. Hỏi chuyện một bà đang chỉ trỏ, giảng giải cho chồng và đứa con tóc hoe vàng về cầu khỉ, ghe xuồng, diều giấy. Bà bảo quê Long An, sang Mỹ kẹt lại rồi lấy chồng, định cư bên đó. Cảnh nhà lá, cây rơm, chiếc xe bò rất giống Thủ Thừa quê bà nhưng chải chuốt điệu nghệ, đẹp hẳn lên.

 

 
Một góc đường hoa Lê Lợi Tết 2008

 

Kể ra làm con đường hoa Nguyễn Huệ này, chính quyền thành phố cũng “nhất cử tam tứ tiện”. Vừa tạo điểm nhấn cho lễ hội mùa xuân, vừa khoe với du khách một mảng văn hóa làng xã cổ truyền Việt nam, mà cũng vừa đáp ứng được lòng hoài niệm quê nhà đã mất của nhiều nông dân Bắc Ninh, Hà Tây, Quảng Ngãi, Long An, Tiền Giang… những người đau khổ bó tay mặc cho hàng loạt khu công nghiệp, sân golf, chung cư cao cấp ngoạm hết ruộng vườn mình.

Mới chớm mùa hè, Sài Gòn đã nóng 37 độ. Giải nóng đơn giản với đàn ông là cởi trần, với đàn bà là trùm mớ ba mớ bẩy kín mít lúc lái xe. Nhưng thơ mộng hơn, và cao cấp hơn nên chăng là hướng mắt lên mầu xanh cây cối, thả tâm hồn về kỷ niệm thuở chăn trâu thả diều, qua cầu cởi áo, tát nước đầu đình với con Tí, thằng Cu nào đó ở quê nhà xa lắc.

 

 

Một góc quán cà phê Vườn Xuân

 

Nếu đang ngồi cà phê sân vườn, lỡ nghe lọt tai chuyện triệt phá làng quê lấy đất, đuổi người, nhổ cổng làng, cây đa làng, nhà thờ họ bán “nguyên con” cho nhà giàu thành phố thì cũng chẳng ai lấy làm điều. Vì chẳng phải đó sao, lũy tre, giàn mướp, mái lá, xe bò, cầu khỉ… từ quê lên phố, đều được nghệ thuật hóa, thành tiền cho người này, danh tiếng cho người kia, chỗ trốn nắng cho người nọ. Quê như thế, hỏi có gì không hay. Người biến quê thành “siêu quê” như thế, hỏi có gì không giỏi?

XH