Trước mắt kẻ viết bài, sáng ngày 12 tháng 3 trước cổng chợ Trương Minh Giảng cũ là một đám kẹt xe nhốn nháo. Người hiếu kỳ vây quanh hai đứa bé trai, dáng chừng là hai anh em, đang vừa khóc sướt mướt vừa cố hốt từ dưới đất lên đống khoai mì bào trộn dừa vung vãi. Chiếc mâm và mớ lá chuối lăn lóc bên cạnh. Thằng em níu chặt tay một ông lái xe gắn máy “Chú đụng tụi con, làm đổ khoai mì xuống đất, bây giờ chú làm sao thì làm đi”. Một chị phụ nữ nói với người đàn ông “Nó nhỏ, mình lớn. Mình đụng nó thì phải đền. Đứng ngó gì nữa?” Mỗi người một tiếng, nhao nhao bênh vực hai đứa nhỏ mới mấy tuổi đầu đã phải đi bán dạo. Người đàn ông không nói được lời nào, bực dọc móc túi lấy hai chục ngàn, dúi vào tay thằng em rồi rồ ga phóng đi. Đám đông tản mác, hiện trường phút chốc chỉ còn sót chút vụn khoai mì trăng trắng. Hai đứa nhỏ cười toe, nhanh như sóc chạy ù vào hẻm chợ.

Không để kẻ viết bài kịp thương cảm lâu, một ông xe ôm chứng kiến từ đầu đến đuôi vụ va quẹt, đã kể “Tụi nó dàn cảnh, chứ ông kia đâu có đụng trúng. Thằng lớn đội cái mâm, băng qua đường, thằng nhỏ đi sau. Chờ chiếc xe Wave thắng lại tránh, nó nhủi đại vô tay lái xe, móc luôn cái mâm trên đầu thằng anh cho đổ xuống… Vốn chừng mười ngàn. Khóc lóc chút xíu, kiếm được hai chục ngàn”.
Cũng cần nói ngay để độc giả rõ, hai kịch sĩ nhí nọ không phải là người đầu tiên nghĩ ra kịch bản “đụng-đền” vì thỉnh thoảng, trên cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè, chợ Bến Thành… cũng thấy tuồng này được các lão kịch sĩ kéo màn diễn mùi mẫn. Biết chớ, nhưng không bắt, vì toàn người nghèo, hơn nữa, tác hại do hành vi của họ gây ra cũng nhỏ, anh V, công an khu vực phường 4 Tân Bình khoát tay khi nghe kẻ viết bài kể mánh khoé làm tiền của những nghệ sĩ đường phố. Anh nói rõ thêm không thể cho đi tù, còn đưa vào trại mồ côi, trại dưỡng lão thì họ không phải người địa phương, không có giấy tờ. Bắt về phường, không có chỗ nhốt, cũng không thể nuôi cơm, lại phải thả. Phường mình làm căng, họ dạt qua phường khác. Khi thành phố có chiến dịch thu gom, họ chỉ chìm ít lâu chứ không hề tuyệt tích giang hồ.

Ngày rằm tháng 2 qua, khi lễ chùa Vĩnh Nghiêm, nhiều Phật tử dừng chân tò mò nhìn một phụ nữ ăn xin, nằm còng queo im lìm trên miếng ván có bánh xe. Ốm đau ra sao, tuổi tác bao nhiêu, mặt mũi thế nào… tất cả đều ẩn sau lớp khăn áo bịt bùng. Trên cơ thể gầy ốm của chị ta, đặt hai cái loa để khuyếch đại tiếng rên rỉ. Chiếc nón lá, để đựng tiền bố thí. Kẻ viết bài đưa mắt nhìn quanh kiếm người đã dàn dựng nghệ thuật nọ nhưng không thấy, bèn đặt tiền vào nón lá. Lập tức, có người đàn ông từ quán cà phê cóc gần đó băng ra… Nếu mỗi giờ phơi nắng có thể kiếm được năm mười ngàn thì một buổi sáng, một ngày, một tuần… tính chung thu nhập cũng không đến nỗi tệ. “Vậy chứ phơi thây ngoài đường nhục thấy mẹ. Mướn tui cũng không nằm. Thà đói…” bà Năm bán nhang đèn tuyên bố hùng hồn vậy. Bà cho biết mỗi kỳ rằm lớn, lễ tết, những người giả cùi, giả câm điếc, què liệt như người phụ nữ nằm trên xe đẩy này tụ tập trước cửa chùa Vĩnh Nghiêm không dưới một tiểu đội. Công an và nhà chùa không hề cho phép ăn xin, nhưng cứ quay lưng đi là họ xuất hiện.

Nhân nói tới nhà chùa, kẻ viết bài không thể bỏ qua vài cách làm tiền của những kẻ đội lốt tu sĩ Phật giáo hiện nay. Cũ như trái đất là cách giả sư ông khất thực, giả sư cô bán nhang. Ngồi trông họ hành nghề, không thể nói là không ngứa mắt, ngứa miệng, nhưng họ lễ phép một điều “xin thí chủ mở lòng từ bi” hai điều “xin thí chủ phát bồ đề tâm” thì không ai nỡ xua đuổi bằng lời lẽ hay hành vi thô bạo. Độc giả đừng nghĩ móc vài ngàn cúng dường rồi lịch sự mời họ đi là xong. Kẻ viết bài đã làm vậy và đã được một bài học rồi.
Nghe tiếng “A Di Đà Phật” ở cửa, quay ra, thấy hai ni cô. Chưa kịp hỏi, một cô đã trình thư giới thiệu của “Chùa chúng tôi”. Trong thư hòa thượng trụ trì tên… cho biết chùa… đang xây, cần tiền. Chuyện bán nhang, và những người bán nhang có thư này, là của chùa cử đi, bá tánh yên tâm không sợ giả mạo. Kèm thư là địa chỉ, hình ảnh chùa đang xây… Tất cả hình ảnh, thư giới thiệu đều bọc plastic sạch sẽ. Lấy cớ nhà không theo đạo, không có bàn thờ để khỏi phải nhận hộp nhang với giá hai chục ngàn đồng (trong hộp chỉ chứa vài cây nhang mộc giá chưa tới ngàn đồng), kẻ viết bài đưa năm ngàn đồng ủng hộ, lập tức bị mắng “Năm ngàn mà làm gì. Ai đi xin chứ”. Phải dọa: “Cứ đứng nguyên đó, đợi gọi điện về dưới T.G, hỏi giáo hội về pháp danh và ngôi chùa của hai vị” thì hai ni cô mới nhẹ gót vân du, vứt lại câu nói hằn học: “Cúng dường thì cúng, không thì thôi. Làm gì phải gọi điện.”
Cứ thế, mỗi ngày chịu khó rảo qua các ngõ hẻm Sài Gòn trong mầu áo Hồng thập tự, Trung tâm từ thiện, chùa chiền, tịnh xá… đội quân bán nhang, bán lịch, bán tăm kiếm được khối tiền. Tâm lý người bình dân Sài Gòn, nhất là các bà các chị buôn bán, rất mâu thuẫn – biết mười mươi là lừa đảo, nhưng vẫn cho tiền. Chính cách suy nghĩ rất giản dị: Kệ, hễ bán mình mua, xin mình cho. Của ít lòng nhiều, coi như bố thí làm phước. Còn ai gian dối, người đó mang tội”, đã nuôi béo một bộ phận bất lương, vô hình trung khiến hình ảnh các vị sứ đồ của Phật giáo bị hạ thấp nhiều.

Người ta không thể phân biệt ai là chân tu, ai là giả tu, trừ cánh nhà báo, cất công rình mò, theo về tận hang ổ mới tận mắt thấy tăng ni lột xác thành phàm nhân tóc dài, quần xà lỏn, ăn mặn, chửi lộn… Đọc bài viết của phóng viên, không ít Phật tử thở dài… Cũng cùng là đi tu, làm từ thiện, mà các tu sĩ Công giáo không hề “bước xuống cuộc đời” theo kiểu trần tục, tạo cơ hội cho kẻ gian đội lốt họ thô thiển. Trong khi Phật Giáo Tiểu thừa với truyền thống khất thực đầy ý nghĩa lại là miếng đất mầu mỡ cho kẻ xấu lợi dụng vun trồng ác nghiệp.
Sẵn nói ác nghiệp, kẻ viết bài xin kể một chuyện với quý độc giả ở xa. Số là cơ sở từ thiện Thiện Duyên ở Củ Chi, từ vài năm nay được biết tới như nơi nuôi dưỡng người già, trẻ câm điếc, bại não, liệt cơ… Tiếng lành đồn xa đến nỗi nhiều người từ miền Trung xa xôi tìm tới gửi con. Dù cơ sở từ chối vì hết chỗ, họ vẫn rình đêm tối, lén để con lại trước cửa Thiện Duyên rồi bỏ chạy. Nghe tiếng khóc, ra nhặt vào, có em chỉ sống vài ngày rồi chết vì bệnh quá nặng. Đầu tháng 3, nhóm từ thiện Niêm Hoa tới thăm, tặng quà. Mất hơn 3 tiếng đồng hồ, họ mới đút ăn xong cho 19 trẻ bại não, mù què nằm trong giường cũi hay bò chơi trên sàn. Tuy mệt nhưng chị Hạnh, thầy Nhiên, thầy Đức, anh Hiếu, em Phương chỉ thực sự bần thần, chảy nước mắt đau xót phẫn nộ khi nghe chị Thiện Duyên kể về cảnh sống chật vật của các em. “Lâu lâu cũng có người thăm, cho tiền, cho máy tính, máy chiếu xạ, giường nằm, quạt máy… nhưng vẫn phải trồng nấm, xỏ hạt cườm, làm muối tôm bán kiếm thêm. Chỉ hiềm nỗi… thùng đựng tiền của khách mới cho dạo gần đây, đã bị sư… (tạm giấu tên để khỏi lộ bí mật của cơ quan công an đang điều tra) lấy hết. Sư lấy cả xe của cơ sở, trốn đi biệt tích…” Lời kể của chị Thiện Duyên nghẹn lại.
Nhiều người sẽ bảo, cơn bão kinh tế hiện đang làm chao đảo toàn cầu. Hiện tượng trộm cắp, lừa đảo… nơi nơi… thì chuyện dàn cảnh đụng đổ khoai mì, giả bộ đau bệnh nằm rên rỉ xin ăn, đội lốt sư ni đi bán nhang, quyên tiền, hại người khuyết tật… chỉ là tép riu hạng bét, đói ăn vụng, túng làm càn. Dĩ nhiên không phải cứ túng đói là ăn vụng, làm càn, nhưng nhìn chung là vậy. Để giúp nhau nhận diện một vài dạng lừa đảo ở Việt nam mà tránh đặt lòng thương người sai chỗ, càng lại buồn hơn.