Nhắc đến Campuchia là nhắc đến xứ sở của những đền đài, những công trình kiến trúc đồ sộ đã ghi tên vào di sản văn hoá thế giới đáng để nhân loại chiêm ngưỡng và thán phục. Ở một góc nhìn khác, nơi đây vẫn tiềm ẩn nhiều điều thú vị, độc đáo, đặc trưng của người dân mà chúng tôi muốn nói tới trong hành trình dọc đường chùa tháp.

Những chuyến xe kỳ lạ
Lăn bánh trên đường ray xe lửa, dùng những thanh tre chống làm lực đẩy như chèo thuyền, chiếc xe kỳ lạ ấy có tên gọi Nory, được người dân tỉnh Battam Bang sáng chế cách đây 26 năm, nay vẫn còn sử dụng và vẫn bon bon trên đường rày xe lửa.

Xe Nory là phương tiện đi lại chính ở Campuchia
Trong số 24 tỉnh thành của đất nước chùa tháp, tỉnh Battam Bang, dịch theo nghĩa Việt là tỉnh “Ông mất gậy”. Battam Bang là vựa lúa lớn nhất, chỉ một mùa lúa khối lượng gạo của riêng tỉnh đủ nuôi hết dân Campuchia trong một năm. Từ 1964, người Pháp cho xây dựng hai tuyến đường sắt trên lãnh thổ Campuchia, một từ Phnôm Pênh đi thành phố biển Sihanouk Ville, tuyến còn lại từ Phnôm Pênh đi ngang Battam Bang lên Poipet, biên giới Campuchia – Thái Lan (song song với quốc lộ 5 của Campuchia ngày nay) dùng để vận chuyển hàng hoá, lương thực, lúa gạo, dầu lửa.
Độc đáo Nory

Tuyến xe lửa từ Phnôm Pênh lên Poipet ngày càng thưa vắng. Đến những năm 80 càng hạn chế. Trong khi vùng Battam Bang là vựa lúa đồng bằng, đất đai trù phú, nhưng giao thông gặp nhiều khó khăn do ngập nước. Người dân đã nảy sinh ra ý tưởng chế tạo một chiếc xe tương tự, tận dụng đường ray có sẵn và sức người để những chiếc xe đó có thể lăn bánh trên đường ray, Nory ra đời 1982. Người làng sáng chế ra chiếc Nory đầu tiên là làng Moun Russey, nhưng ngày nay không còn ai nhớ chính xác người đầu tiên sáng chế ra Nory là ai, và cũng không biết từ đâu chiếc xe tự chế này có tên gọi Nory.

Chiếc Nory đầu tiên được làm từ tre, 4 bánh gỗ, tháo ráp dễ dàng và di chuyển trên hai thanh ray xe lửa bằng sức chống chèo của các thanh tre. Hễ khi nào gặp xe lửa đến, người chạy Nory lập tức tháo dỡ các bộ phận của Nory và nhường đường cho xe lửa đi qua. Cứ thế, Nory đóng góp một phần quan trọng trong đời sống nhà nông của người dân tỉnh Battam Bang nhất là khi vụ mùa đến.
Từ ngày có phát minh ra chiếc Nory đầu tiên đến nay người dân ở Battam Bang đã cải tiến những kiểu Nory mới cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Nory từ làm bằng tre, cải tiến lên bằng gỗ, từ việc dùng sức người nay đã gắn máy để di chuyển nhanh hơn và mạnh hơn. Thùng xe Nory cũng được nới rộng để tiện cho việc vận chuyển người và hàng hoá. Nory đã trở thành một nét độc đáo nhất trong các loại phương tiện vận chuyển trên đất Campuchia chỉ riêng tỉnh Battam Bang mới có.

Nory chợ Bụi
Qua chỉ dẫn của những người dân ven đường, không mấy khó khăn chúng tôi tìm đến điểm tập trung Nory chính ở tỉnh Battam Bang là Psar Dey Hui (chợ Bụi), một khu chợ làng nhỏ nằm ven đường ray, cách chợ Moun Russey của huyện Moun Russey, tỉnh Battam Bang khoảng 2km. Từ bến Chợ bụi, những chuyến xe Nory sẽ làm cầu nối qua lại giữa các làng mạc trong tỉnh.
Tuyến đường sắt năm xưa nối Phnôm Pênh lên Poipet nay chỉ còn đoạn từ Battam Bang lên Pusat là tương đối nguyên vẹn nhờ có Nory. Người dân sử dụng Nory như con đường chuyển hàng hoá huyết mạch nên ra sức bảo vệ đường ray tránh nạn trộm cắp, tháo bán sắt vụn. Đoạn đường ray từ Poipet đến Battambang nay đã bị lấy cắp hết, tuyến từ Phnôm Pênh lên Pusat cũng không còn. Chỉ còn lại duy nhất đoạn đường sắt trong tỉnh Battambang kéo đến tỉnh Pusat với chiều dài khoảng 60km. Tuyến đường sắt này dù đã cũ nhưng vẫn còn rất hữu dụng với những chiếc Nory. Nory nay được cải tiến lên thành xe chạy máy, bốn bánh xe được đúc bằng sắt, hệ thống thắng đơn giản chỉ là hai thanh gỗ kéo xuống đường ray, khi cần giảm tốc độ, tài xế giảm ga và đạp dí hai thanh gỗ xuống tà vẹt để dừng Nory lại. Nory vận hành có dây “curoa” kéo giàn láp một chiều, muốn xe chạy lui chỉ việc xoay ngược máy nổ lại, vì vậy rất tiện dụng, mức giá bao suốt chuyến cho chiều dài 8 – 10km với số tiền 10 đôla, Nory có thể tải được 20 bao lúa với trọng lượng từ 3-5 tấn cho mỗi lần vận chuyển. Giờ Nory khởi hành mỗi ngày trung bình từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 6 giờ chiều.

Anh Seyha, làm nghề lái Nory được 18 năm, cả làng anh có đến 20 chiếc Nory và để tạo công bằng cũng như tránh tranh chấp hoặc tai nạn khi có nhiều Nory cùng chạy trên đường ray, mỗi chủ nhân của Nory trong làng sẽ được lên lịch chạy một ngày suốt tuyến đường sắt, tự thu chi phí xăng dầu và hành khách đi Nory. Anh Seyha cho biết: “Tôi lái Nory chuyển hàng chuyến xa nhất là từ Battam Bang đi Pusat với chiều dài hơn 60km. Cũng có một số đoạn đường ray bị hỏng, không đi được phải tháo hàng xuống chuyển Nory sang rồi đi tiếp. Ai kêu đi đâu cũng đi miễn là chỗ đó còn đường ray, nông dân chúng tôi vận chuyển bằng Nory vừa tiện lợi, vừa kinh tế hơn nhiều so với các phương tiện khác”.
Ở bến Nory chợ Bụi, có một quầy nho nhỏ giống như nơi bán vé, hễ đến lượt Nory của người nào chạy, người trong gia đình đó sẽ tự đứng ra thu tiền vé. Chị vợ anh Seyha đang tất bật sổ sách ngay chợ Bụi, tổng kết chuyến Nory cuối ngày trước khi về nghỉ, chị cho biết: “Trẻ em trong làng đi Nory không tốn tiền, chủ yếu lấy tiền người lớn và những người chuyển hàng hoá, lúa mới gặt từ ngoài ruộng về làng. Ngày nào đến lịch chạy Nory của nhà thì hai vợ chồng nghỉ làm ruộng, ra bến chồng chạy Nory còn tôi quản lý sổ sách, hết lượt mình thì hôm sau cả hai vợ chồng đi làm nông dân như những người làng khác”.